Nhiều ngân hàng đẩy mạnh các gói tín dụng hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay. Ảnh: Phan Thu Huyền
Các TCTD được yêu cầu chủ động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc giảm lãi vay; thông tin cụ thể cho khách hàng về chính sách giảm lãi vay để khách hàng tiếp cận chính sách hỗ trợ của TCTD.
Từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất liên tục giảm. Lãi suất huy động đã giảm từ mức đỉnh trên 10%/năm về dưới 8%/năm. Nhìn chung lãi suất huy động của các TCTD đối với kỳ hạn từ 1 - 6 tháng tối đa 4,75%/năm; kỳ hạn từ 6 - 12 tháng có dải lãi suất rộng, có ngân hàng thương mại (NHTM) huy động ở mức 5%/năm, nhưng cũng ngân hàng huy động 7,8%; lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng từ 6,3 - 7,9%/năm.
Để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tối ưu chi phí vay, kịp thời bổ sung nguồn vốn tái cơ cấu hoạt động, đặc biệt đối với các lĩnh vực ưu tiên, nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Đại diện Agribank cho biết: Từ đầu năm đến nay, ngân hàng đã 6 lần giảm lãi vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đối với nhu cầu vay mới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn chỉ từ 8%/năm.
“Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay của Agribank đã giảm mạnh với mức giảm từ 2% đến 4%/năm so với đầu năm. Trước đó, Agribank đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay trên toàn bộ dư nợ trung dài hạn hiện hữu của khách hàng, thời gian áp dụng từ ngày 15/5 đến hết ngày 30/9. Có khoảng 2 triệu khách hàng được hỗ trợ với tổng số tiền được giảm theo chương trình này là hơn 1.000 tỷ đồng”, đại diện Agribank cho biết.
Agribank đã triển khai Gói tín dụng 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD dành cho khách hàng doanh nghiệp với mức lãi suất cho vay VND ưu đãi chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay USD chỉ từ 3%/năm; triển khai hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP; dành quy mô 30.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33/NQ-CP… góp phần hiện thực hóa Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chính phủ.
Còn BIDV giảm lãi cho vay tới 0,5%/năm so với lãi suất hiện hành đối với các khoản vay trung và dài hạn hiện hữu và chưa được áp dụng lãi suất cạnh tranh trước đó. Đây là lần thứ 2 trong năm 2023, BIDV giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng có dư nợ hiện hữu tại ngân hàng. Ngoài ra, BIDV dành 20.000 tỷ đồng cho vay nhà ở thương mại với lãi suất từ 8,5%/năm đối với chủ đầu tư và từ 7,8%/năm đối với người mua nhà. Chương trình áp dụng đến hết ngày 31/12/2024 hoặc đến khi hết quy mô của gói tín dụng, tùy theo điều kiện nào đến trước.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Phó Tổng Giám đốc MSB, Tổng Giám đốc Ngân hàng Bán lẻ cho biết: Thông qua các gói hỗ trợ tín dụng, MSB kỳ vọng có thể giúp khách hàng tối ưu chi phí, kịp thời bổ sung nguồn vốn kinh doanh, hiện thực hóa các nhu cầu chi tiêu đồng thời thể hiện mong muốn khách hàng tiếp tục tin tưởng, gắn bó với MSB.
Theo bà Mỹ Hạnh, MSB vừa giảm tiếp 1%/năm lãi suất vay với khách hàng hiện hữu. Theo đó, từ nay đến ngày 31/12/2023, MSB giảm lãi suất cho vay thêm 1%/năm so với lãi suất hiện hành dành cho các khách hàng cá nhân đang vay vốn tại MSB. Đây là lần điều chỉnh thứ 2 trong năm 2023, MSB giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng có dư nợ hiện hữu tại ngân hàng. Đối tượng được hưởng ưu đãi là các khách hàng cá nhân vay có tài sản bảo đảm đang có dư nợ tại MSB, thỏa mãn các điều kiện của chương trình.
Với nhóm khách hàng mới, MSB cũng đẩy mạnh các gói tín dụng cạnh tranh với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay như cho vay kinh doanh, thế chấp linh hoạt, bất động sản…Trong đó, tiêu biểu là gói giải pháp “Cơn lốc kinh doanh” với mức lãi suất hiện tại chỉ 10,5/năm; vay mua bất động sản chỉ còn 10,99%/năm.
Ngân hàng LPBank quyết định nâng quy mô gói ưu đãi từ 8.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn dành cho khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp với lãi suất chỉ từ 7,5%/năm.
“Tính đến ngày 28/6, chỉ sau 20 ngày triển khai Gói vay ưu đãi đã có 514/561 điểm giao dịch trên toàn quốc, bao gồm cả địa bàn đô thị và nông thôn có phát sinh khách hàng vay vốn với tổng doanh số giải ngân hơn 6000 tỷ đồng; số lượng khách hàng được vay vốn là hơn 5.000 khách hàng. Đặc biệt để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, LPBank chính thức tăng thêm 2.000 tỷ đồng hạn mức cho vay dành cho khách hàng doanh nghiệp. Đây là một trong những chính sách kịp thời của ngân hàng nhằm đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn ngắn hạn để phục vụ sản xuất kinh doanh”, đại diện LPBank cho biết.
Thời gian qua, LPBank đã tìm mọi giải pháp như giảm chi phí huy động đầu vào theo xu hướng thị trường, tiết giảm chi phí hoạt động như tự động hóa các quy trình, số hóa các hoạt động để tăng năng suất lao động cũng như các giải pháp giảm chi phí hoạt động khác... Đây chính là cơ sở để LPBank có thể triển khai, duy trì Gói ưu đãi lãi suất chỉ từ 7,5%/năm dành cho khách hàng doanh nghiệp và 8,5%/năm cho khách hàng cá nhân. Mức lãi suất này sẽ không thay đổi trong suốt thời gian vay vốn.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng NHTM cổ phần khác đã giảm lãi suất cho vay như: OCB, VIB, VPBank, KienlongBank... Việc các TCTD giảm lãi suất cho vay phân thành hai nhóm, những khoản cho vay cũ giảm ít hơn bởi trước đó họ đã phải huy động vào với lãi suất cao. Những khoản cho vay mới do lãi suất đầu vào đã giảm mạnh và sức cầu nền kinh tế hiện vẫn thấp, tăng trưởng tín dụng thấp nên các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất phần để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, phần tạo tâm lý tiêu dùng nhiều hơn.
Với mặt bằng lãi suất giảm mạnh, cộng với tác động từ giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), giãn, hoãn nhiều loại thuế khác; đặc biệt sự cộng hưởng từ tác động của khởi công nhiều dự án giao thông lớn, nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng sẽ tạo sức cầu lớn hơn trong nền kinh tế trong tháng cuối năm.
Kỳ vọng doanh nghiệp có thêm kênh tiếp cận vốn
Liên quan tới những phản ánh, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, do vậy, bên cạnh nguồn vốn ngắn và trung hạn từ phía ngân hàng, doanh nghiệp cũng cần tiếp cận thêm những nguồn vốn khác dài hạn hơn.
Theo Trưởng phòng Tín dụng chính sách Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế, NHNN, ông Trần Anh Quý, trong xu thế phát triển tài chính hiện tại, việc đa dạng hóa các kênh huy động vốn cho doanh nghiệp sẽ đáp ứng nhu cầu kinh doanh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, mở rộng các kênh huy động vốn. Theo đó có 2 kênh dẫn vốn quan trọng là chứng khoán, trái phiếu.
"Chúng tôi kỳ vọng sắp tới thị trường trái phiếu sẽ minh bạch hóa hơn, giúp các doanh nghiệp có kênh huy động vốn thực sự hiệu quả. Đó cũng là sự kỳ vọng và mong muốn của phía các cơ quan quản lý", ông Trần Anh Quý cho biết.
Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính, các doanh nghiệp cũng cần nghĩ đến nhiều giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận vốn, xoay sở có thêm các đơn hàng, phương án kinh doanh hiệu quả sẽ là cơ sở để ngân hàng rót vốn. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để tham gia chuỗi cung ứng của các đối tác lớn, đặc biệt chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Báo Tin Tức