Như một thói quen, tôi hay thực hiện những chuyến đi về vùng đầu nguồn trong mùa nước nổi. Ở đó, có những người bạn làm “nghề bà cậu” khá nhiệt tình, sẵn sàng làm hướng dẫn viên miễn phí. Tại đây, tôi cũng có những trải nghiệm khó quên, khi đắm mình trong cái nồng nàn, dân dã của đồng nước miền Tây.
Theo lời hẹn, tôi trở lại kênh Vĩnh Tế để thăm người bạn ngư dân quen từ trước. Là dân câu lưới nên Nguyễn Văn Hoàng Anh (xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc) rắn rỏi, phong trần và đậm chất hào sảng của người miền Tây. Gặp lại tôi, anh Hoàng Anh mừng lắm. Với tính nhiệt tình, anh lật đật xuống xuồng, đi gỡ vài đoạn lưới để kiếm cá đãi người bạn cũ. Kênh Vĩnh Tế mùa này đầy nước, cánh đồng giáp biên cũng tít tắp một màu trắng xóa.
Đã hơn 15 năm, anh Hoàng Anh gắn bó với tay lưới, cây dầm trên dòng kênh huyền sử. Anh chia sẻ, bản thân chưa bao giờ nghĩ đến việc bắt cá bằng xung điện, bởi đó là tận diệt nguồn thủy sản và cũng dần hạn chế nguồn mưu sinh của mình. Vì vậy, anh chỉ bủa lưới để kiếm mớ cá bán để có thu nhâp. Trong đó, mặt cá quen thuộc nhất là trèn vinh, loại “cá trắng” có thịt rất ngon, béo của vùng đồng quê. Với con nước năm nay, chỉ tầm 30 phút anh đã quay lại với mấy con cá nhảy xoi xói trong khoang xuồng.
Âm nhạc tài tử hòa quyện vào khung cảnh thi vị của mùa nước nổi
Cá trèn vinh tươi được móc hầu, rửa sạch để nướng. Với dân sành ăn, cá trèn vinh nướng chấm mắm me là “nhứt xứ”. Lửa bén, bếp than đỏ rực. Những con cá núc ních bắt lửa bốc mùi thơm phức. Hoàng Anh ra cửa, hái vài đọt rau quế ăn kèm cá nướng cho thơm. Trong câu chuyện của người bạn cũ, hình ảnh những ngày tránh dịch COVID-19, những đêm lặn lội chốn đồng xa và ký ức lần đầu gặp nhau cũng lênh đênh trên chiếc xuồng đi kiếm cá đồng thưởng thức bỗng chốc ùa về. Ngồi bên bạn nhìn ra cánh đồng nước bao la, nghe những câu chuyện đời thường và thưởng thức con cá đồng mùa lũ mang đến cảm giác thích thú không tả được. Ở quê là thế, cuộc sống giản đơn, mộc mạc mà cũng khá tiêu dao.
Khung cảnh mùa lũ bao giờ cũng cho người ta ý thích trở về với chân quê, bình dị. Đã có lần, tôi được gặp gỡ những người bạn cùng quê (huyện Châu Phú), bên cánh đồng Bình Mỹ xả lũ đầy ăm ắp. Trên chiếc bè kết tạm dưới những hàng dừa mát rượi, gia chủ bày ra những món đồng quê dễ kiếm nhưng ngon đáo để. Bàn tiệc chẳng mấy cao sang, chỉ là mớ cá linh nướng, chấm nước mắm me, mấy con chuột đồng mùa lũ núng nính còn thơm mùi khói, vài củ khoai lang dằn bụng. Những thức ăn dân dã ấy được gói trong mấy chiếc lá sen già thơm ngào ngạt.
Anh bạn ngồi cạnh bên xé cho tôi miếng thịt chuột nướng, vui vẻ: “Làm miếng đi anh, món đồng quê… ngon bá cháy. Xứ mình mùa nước mà không thử mấy món này thì uổng lắm!”. Quả thật, mùi vị thịt chuột thơm giòn, quyện với vị cay nồng của chén mắm ớt bỗng trở nên đặc biệt. Những món ấy vẫn có khi xuất hiện trên bàn tiệc, nhưng chẳng thể ngon bằng cảm giác thưởng thức theo kiểu nông dân, giữa khung cảnh mùa nước nổi bao la, bát ngát.
Với tôi, đặc sắc nhất là khi xuất hiện những cung bậc của đờn ca tài tử. Trên chiếc xuồng con con, 2 người nhạc sĩ cao niên, gương mặt hằn in dấu tháng năm ngồi nắn nót những cung tơ trầm bổng. Ánh nắng xuyên qua lớp lá dừa, đậu trên những phím đờn lỗ chỗ dấu thời gian. Tiếng hát của những “tài tử miệt vườn” vang lên trên đồng nước. Dù người ca có khi sai tông, lạc nhịp nhưng dân miền Tây không câu nệ, chủ yếu là cái nghĩa, cái tình và cùng thưởng thức thú tiêu dao mùa nước nổi.
Với những ai lớn lên cùng mùa lũ, thú tiêu dao đã trở thành cuộc sống, là chuyện thường ngày. Nhưng với người phố thị, được đắm mình trong không gian thoáng đãng, mênh mông của nước, thưởng thức con cá đồng nướng mọi, lắng nghe câu tài tử để thấy lòng mình quý yêu hơn mảnh đất đồng bằng là sự trải nghiệm mới mẻ, khó quên. Do đó, các công ty du lịch (DL), lữ hành An Giang đã có những tour DL sinh thái đem lại cho du khách những trải nghiệm thú vị, độc đáo chỉ có trong mùa nước nổi.
Để góp phần đa dạng hóa các sản phẩm DL của tỉnh, trong tương lai, ngành DL An Giang cần có giải pháp để duy trì, phát triển loại hình DL sinh thái này để thú tiêu dao mùa nước nổi không chỉ là niềm vui của người miền Tây, nó còn là dấu ấn riêng để du khách gần xa nhớ đến vùng đất An Giang, mỗi khi con nước thượng nguồn Mekong đổ về tắm mát đồng bằng châu thổ. |
THANH TIẾN