Trước tình trạng 200.000 người lao động đang là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng BHXH, không được hưởng các chế độ, kể cả lương hưu, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa đề nghị có giải pháp xử lý cụ thể, báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội phương án giải quyết.
Về vấn đề nợ đọng BHXH của người lao động, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, có nhiều trường hợp doanh nghiệp nợ BHXH chưa đóng cho người lao động. Đối với trường hợp nợ do yếu tố khách quan, khó khăn trong sản xuất kinh doanh, BHXH có chính sách cho lùi thời gian đóng.
Với doanh nghiệp cố tình nợ BHXH thì phải xử phạt. Còn trường hợp doanh nghiệp bỏ trốn, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để giải quyết cho người lao động.
Về bố trí nguồn giải quyết chế độ cho người lao động, ông Huân cho rằng, các cơ quan liên quan có thể kiến nghị Chính phủ đề xuất Bộ Chính trị và Quốc hội lấy từ ngân sách hoặc từ quỹ BHXH.
Cần sớm có giải pháp để giải quyết chế độ cho hơn 200.000 người lao động bị nợ đọng BHXH. Ảnh: Trần Chung.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam) thông tin, để giải quyết chế độ BHXH cho hơn 200.000 lao động, ban đầu Tổng liên đoàn Lao động và các cơ quan liên quan đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách để giải quyết nhưng không được.
Sau đó, Tổng liên đoàn lao động và BHXH Việt Nam đề xuất lấy nguồn từ quỹ phạt các DN chậm đóng BHXH để chi trả chế độ cho người lao động. Nguồn vốn này có đủ khả năng cân đối, tuy nhiên khi đưa ra Bộ Tư pháp lại cho rằng luật không quy định như vậy nên Quốc hội chưa đồng ý.
Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động cho hay, quan điểm của Tổng liên đoàn lao động vẫn đang đề xuất Quốc hội có Nghị quyết cho phép lấy nguồn từ quỹ BHXH để chi trả, giải quyết cho người lao động.
Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần phải sớm có giải pháp để giải quyết chế độ cho hơn 200.000 người lao động bị nợ đọng BHXH.
Theo đó, với trường hợp doanh nghiệp đã nộp vào quỹ BHXH rồi sau đó mới bị phá sản thì phải trả cho người lao động từ nguồn quỹ này.
Còn với trường hợp người lao động đã nộp BHXH cho doanh nghiệp nhưng chủ sử dụng lao động lại “ăn chặn”, không nộp vào BHXH thì phải xem xét các trường hợp cụ thể để xử lý cho người lao động.
“Kể cả trong trường hợp chủ sử dụng lao động chưa đóng BHXH, Nhà nước cũng phải hỗ trợ để người lao động được hưởng quyền lợi”, ông Lợi nói.
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, Tổng liên đoàn Lao động, Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam có thể đề xuất Chính phủ và Quốc hội sử dụng tiền quỹ BHXH để hỗ trợ người lao động.
Theo Vietnamnet