Tìm giải pháp gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

03/11/2023 - 18:06

Tăng trưởng kinh tế khó đạt mục tiêu đề ra, nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực gặp khó khăn khi đơn hàng phục hồi chậm, cùng với các diễn biến khó lường của thế giới là những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong những tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam phải làm gì để gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế là nội dung được các chuyên gia thảo luận tại Tọa đàm "Giải pháp tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 - đầu năm 2024" do Báo Người lao động tổ chức, ngày 3/11. 

Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN

Nhiều thách thức

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP cả nước 9 tháng đầu năm 2023 đạt 4,24% cho thấy, nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy nền kinh tế thông qua 3 trụ cột gồm đầu tư công, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, nhiều khó khăn, thách thức khiến các động lực tăng trưởng suy giảm rõ rệt.

Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư công chưa như kỳ vọng - chỉ đạt 51% kế hoạch; tiêu dùng nội địa chậm lại do tình hình trong nước khó khăn và đơn hàng xuất khẩu thiếu hụt trong bối cảnh nhu cầu thế giới giảm. Bên cạnh đó, sức ép mới về lạm phát, tỷ giá và những khó khăn còn tiếp diễn của thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp... cũng là bài toán nan giải với nền kinh tế Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam(Vitas) thông tin, liên tục nhiều năm, ngành dệt may có mức tăng trưởng khả quan (trừ năm 2020 do ảnh hưởng dịch COVID-19). Năm 2022, ngành dệt may đã xuất khẩu 44,4 tỷ USD, thuộc tốp 2 ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam và đứng thứ 3 về xuất khẩu dệt may thế giới.

Tuy nhiên, đến cuối 2022, toàn ngành đã bắt đầu có dấu hiệu thiếu đơn hàng. Đến 2023, tình hình cực kỳ là khó khăn do các thị trường quốc tế giảm tiêu dùng cho quần áo may mặc, giá thành nguyên liệu tăng… trong khi doanh nghiệp hầu hết lệ thuộc vải nhập khẩu.

Một khó khăn nữa là toàn thế giới chuyển sang xu thế phát triển bền vững nên những cam kết về môi trường, lao động rất khắc nghiệt, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư, nhưng giá trị đơn hàng không tăng. Phải nhìn nhận là chưa bao giờ ngành dệt may rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn như hiện nay. Vitas dự đoán kịch bản khả quan nhất cho năm nay là kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 44 - 45 tỷ USD, kịch bản tốt hơn là 45 - 47 tỷ USD.

Trong khi đó, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, đến tháng 10/2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ Việt Nam mới đạt khoảng 10,8 tỷ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ. Mặc dù đã có tín hiệu tốt là từ tháng 7 đến nay, tăng trưởng xuất khẩu các tháng sau đều tăng nhanh hơn tháng trước nhưng đến tháng 10 mới chỉ đạt mức tương đương cùng kỳ năm 2022. Do đó, ước tính đến cuối năm nay, tăng trưởng xuất khẩu gỗ vẫn giảm so với năm ngoái chứ chưa thể có đột phá lớn. 

Là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước nhưng TP Hồ Chí Minh cũng không tránh khỏi những thách thức chung. Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh chia sẻ, trong bối cảnh xuất khẩu suy giảm, tiêu dùng nội địa và thương mại nội địa đang đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng năm 2023. Mặc dù bán lẻ hàng hóa của TP Hồ Chí Minh 10 tháng đầu năm 2023 tăng hơn 11% so với cùng kỳ 2022, nhưng vẫn chưa đạt so với giai đoạn trước dịch, cho thấy sự tăng trưởng chưa bền vững và chưa đạt hiệu quả như mong muốn. 

Cần giải pháp cụ thể

Các chuyên gia đều dự báo, tình hình kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn cho đến năm 2024. Trong bối cảnh đó, Chính phủ cần tập trung chuẩn bị nền tảng sẵn sàng cho năm 2024, đi vào chất lượng tăng trưởng, chất lượng đầu tư nước ngoài, chất lượng thể chế, chất lượng kết nối giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước. 

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, Chính phủ, bộ, ngành và cả địa phương cần những giải pháp cụ thể, không chỉ bảo đảm tăng trưởng kinh tế năm 2023 mà phải tạo nền tảng phục hồi, tăng trưởng mạnh hơn trong giai đoạn 2024 - 2025.  

Nhiệm vụ quan trọng hiện nay là cần tháo gỡ các điểm nghẽn đến nơi đến chốn; trong đó, rất hoan nghênh Ngân hàng Nhà nước có nhiều nỗ lực giảm lãi suất, nhưng để hiệu quả cần rà lại tất cả các gói tín dụng. 

Một yêu cầu mang tính thời đại là phải chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chúng ta có nhiều chương trình quốc gia nhưng cần có đạo luật chuyển đổi xanh để không lỡ mất cơ hội. 

"Cơ quan quản lý cần nhìn nhận trong thách thức có cơ hội và cơ hội đó phải được tận dụng khi doanh nghiệp còn sức lực, còn chống chịu được. Muốn vậy cần tập trung tháo gỡ vướng mắc thị trường bất động sản ở cả cung và cầu, bởi lĩnh vực này có tác động tới nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế. Đồng thời, củng cố thị trường tài chính để tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế”, Tiến sĩ Trần Du Lịch khuyến nghị.  

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương phân tích, nhìn vào các động lực tăng trưởng, xuất khẩu của Việt Nam rõ ràng là chưa bao giờ giảm sâu và kéo dài như năm 2023. Hiện tại, tình hình có cải thiện nhưng tốc độ và quy mô chưa ổn định, không đồng đều và cũng chưa thể bứt phá lên so với trước.  

Trước thực tế đó, ông Cung cho rằng, Chính phủ và Quốc hội nên nhìn thẳng vào các vấn đề để tìm giải pháp. Trước mắt, nên kéo dài chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đến 2025 thay vì 2024 như kế hoạch hiện nay. Việc hỗ trợ này nhằm tạo ra một niềm hứng khởi, tạo luồng gió khuyến khích mọi người tiêu dùng nhiều hơn. 

Về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, phải điểm mặt, chỉ tên những quy trình đang gây khó khăn cho doanh nghiệp thay vì ra nghị quyết chung, kêu gọi cắt giảm thủ tục hành chính. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ cần xác định 5 - 10 vấn đề đang là bức xúc nhất, cản trở nhất của người dân và doanh nghiệp, và giao cho đơn vị cụ thể, tạo áp lực để giám sát để thay đổi. 

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của nhà nước, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động nâng cao nội lực trong việc phát triển sản phẩm và xúc tiến thương mại.

Theo đó, khó khăn của ngành gỗ hiện nay không chỉ xuất phát từ yếu tố bên ngoài mà còn bởi sự thụ động trong việc kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm tới khách hàng.

Giải pháp hiện nay là doanh nghiệp phải chủ động bước ra khỏi vùng an toàn là sản xuất gia công; cập nhật thông tin thị trường, kết nối nhà mua hàng, đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững mới có thể tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài.

Theo TTXVN