Chúng tôi lại lênh đênh trên dòng nước trĩu nặng phù sa, trĩu nặng tâm tình của người miền Tây, ráng gom cho trọn hương vị mùa nước nổi vào lòng mình. Mà ôm làm sao xuể cái cảm giác nửa quen nửa lạ, nửa xa nửa gần. Nhìn vào hiện tại, con nước giờ lạ lẫm, trái tính trái nết, nên người ta cứ bâng quơ nhắc: “Hồi xưa…”, “lúc trước…”, rồi mải mê đi tìm lại “lộc” của tự nhiên.
Mấy hôm liên tiếp, cứ tầm 2-3 giờ sáng, chúng tôi bắt đầu hành trình đi tìm “bông súng ma”. Đồng gần không còn, thì rong ruổi đi những cánh đồng xa, chỉ mong bắt gặp lại loài hoa của mùa nước nổi. Sống ở nơi dân dã miệt vườn, nhưng chúng lại mang tính đỏng đảnh của tiểu thư quyền quý. Trời chưa tỏ mặt người, mặt nước êm ả, sương sớm tươi mát, bông này bông kia thay nhau nở rộ hết hồng, tím rồi trắng ngăn ngắt khoảnh đồng. Vậy mà, khi mới hưng hửng nắng, ánh mặt trời chiếu xuống dòng nước, ốc bươu vàng sợ nóng trốn dưới tán lá, bông súng vội vàng khép cánh, rũ cành, mặc kệ sự đời. Tánh tình kỳ cục ấy khiến chúng mang cái tên kỳ cục không kém: Bông súng ma.
Gặp lại chúng tôi, chị Nguyễn Thị Minh (sinh năm 1986, ngụ huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) quen cách “làm việc”, tạo dáng trên đồng nước, nhẹ nhàng chèo chiếc xuồng khẳm bông súng ma. Để kịp giờ chúng tôi đến, chị tranh thủ hái từ sớm, bó thành từng bó nhỏ. Bông nào cũng bé xíu, e ấp, ngủ vùi trên xuồng. Ngoài kia, từng bông súng bắt đầu xòe cánh, hợp thành cảnh sắc miệt vườn quen thuộc của cánh đồng bông súng ma mùa nước nổi thuở nào. Thời ấy, len lén chờ ngày nước trắng đồng, nông dân nghỉ ngơi sau mùa lúa, bông súng mọc dại khắp nơi, ngụp lặn theo mực nước.
Nước cạn, đồng màu mỡ phù sa, bông súng ma dần “mất tích”. Nét đẹp hoang dại bỗng được tìm kiếm trở lại, thông qua những đoàn khách yêu mùa nước nổi, sẵn sàng thức khuya dậy sớm để ra đồng ngắm bông súng ma tang tảng sáng. “Nhiều lúc, khách mải mê chụp hình, không chú ý nắng lên cao. Khi đó, bông súng hết đẹp. Bông hái sẵn, qua mấy tiếng đồng hồ cầm lên để xuống cũng héo queo. Bởi vậy kinh nghiệm chụp hình bông súng ma là phải tranh thủ lúc trời mát, chưa nắng gắt” - chị Minh chia sẻ.
Lượn vòng vèo qua mấy đoạn eo của cánh đồng bàng mênh mông nước (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa), chị Minh chỉ vào một nhúm xanh xanh triền đê: “Ở đây còn thấy hẹ nước, chứ loại này giờ khó kiếm lắm”. Hẹ nước giống cây hẹ thường ăn, nhưng phần gốc lại tựa lúa nước, cả thân hình mềm mại, rũ rượi theo chiều gió. Rửa sạch rồi, chúng phơi gốc trắng hếu, non xèo, nhìn ngon mắt vô cùng. Chính vì tánh ẻo lả đó, dù được mặc định là chịu phèn, sống nương theo mùa nước nổi, nhưng chúng chỉ thích xuất hiện ở nơi nước trong, ít ô nhiễm. “Hai công đất sau nhà tôi, ít người lui tới, hẹ nước mọc đầy. Mấy hôm trời mưa lớn, nước cuồn cuộn đục ngầu, hẹ nước chỉ còn mấy cọng. Chịu khó chèo xuồng nhổ, đem ra chợ bán cũng được ít tiền. Ăn sống chấm cá kho, lẩu mắm là hết sẩy!” - ông Nguyễn Công Bình (sinh năm 1971) vừa chở chúng tôi đi nhổ hẹ nước, vừa giải thích. Chỉ tiếc, hôm ấy mưa nhiều, hẹ nước chẳng còn đủ để chúng tôi ghi nhận lại khung cảnh chúng sinh trưởng. Trong màn mưa nặng hạt, hẹ nước run rẩy nằm rạp, giấu mình dưới kênh.
Rời cánh đồng, chúng tôi trở ra Vàm Cỏ Tây. Lục bình nấn níu, quấn quýt chân vịt, khiến ông Bình chốc chốc phải dừng lại gỡ chúng ra. Với người dân vùng sông nước xứ này, lục bình được xem là cây “xóa đói giảm nghèo”. Chúng được trồng hẳn hoi, người dân phân chia ranh giới “khai thác” rõ ràng theo bãi. “Lục bình giờ được nuôi quanh năm. Nhưng lục bình đẹp nhất là khi con nước đổ về. Chúng to hơn, thẳng thớm, mướt mắt hơn, giá cũng cao hơn. Người lao động nhàn rỗi, phụ nữ nội trợ trong gia đình như tôi có thể tranh thủ cắt được cả trăm ký lục bình mỗi ngày, đem phơi rồi giao cho mối lái. Mỗi ký mười mấy ngàn đồng, làm một buổi tôi tích cóp đủ tiền sở hụi hàng ngày” - chị Lê Thị Hận (sinh năm 1979) chia sẻ.
Xuôi về thượng nguồn An Giang, mùa nước nổi đâu thể nào thiếu vắng cá linh. Ngon hay không, còn tùy khẩu vị, sở thích từng người, nhưng nhất định phải nếm thử mới được xem là trải nghiệm sâu sắc mùa nước nổi. Người thích vị ngọt mềm của con cá linh non, chê cái xảm xảm của con cá cuối mùa. Người lại chuộng con cá đủ to để nướng, để chiên, chút xương ấy chẳng đáng kể. Anh Thanh Điền (sinh năm 1992, ngụ xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú) theo nghề mua, bán cá linh hơn 10 năm nay. Rong ruổi cùng anh là chiếc ghe rộng bụng, có thể nuốt vài trăm ký cá mỗi ngày. “Năm nào cá về nhiều, chúng tôi mua hơn 1 tấn là chuyện bình thường. Năm nay cá đổ về ít, dịch bệnh nên người đi đặt dớn hạn chế về số lượng lẫn thời gian. Tính ra, chỉ bằng 30% so với trước. Ngày cao điểm, chúng tôi mua được khoảng 100kg cá linh, có bao nhiêu, thương lái thu gom hết” - anh Điền chia sẻ.
Hễ có người đem cá đến, nhân công phải tranh thủ xúc, lựa mớ cá hủn hỉn lẫn trong bầy cá linh, cá phơi bụng… bỏ qua một bên. Họ nhanh tay cân cá rồi lại đổ vào bọng ghe, sợ cá mất nước, teo tóp khối lượng. Trời se lạnh, 9 giờ sáng mà chưa có ánh nắng nào xuất hiện. Gia đình anh tranh thủ ăn sáng giữa lúc chờ đợt cá được chuyển từ trong đồng ra tới. Anh đùa tếu táo “nhà sống bằng nghề bán cá mà ăn chay trường”. Họ sống nhờ con cá linh, nhờ mùa nước, nhờ sản vật của cánh đồng, vui buồn gì cũng nhấp nhổm xoay quanh chúng.
Sản vật của con nước phù sa nhiều vô kể, tạo nên bức tranh thiên nhiên sinh động, riêng có ở quê mình. Dăm năm nữa thôi, có thể chúng sẽ càng khan hiếm, càng chật vật tồn tại với nhịp sống hiện đại. Nhưng chắc chắn, chúng vẫn sẽ tồn tại ở miền ký ức nào đó của con người, để nhắc nhở bài học về sự hoài phí, sự vô tình của con người với tự nhiên…
Bài, ảnh: VẠN LỘC