Hình ảnh virus corona chủng mới phân lập từ một bệnh nhân ở Mỹ - Ảnh: REUTERS
Theo Sputnik News, các nhà khoa học đến từ Đại học California, Mỹ vừa phát hiện virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) - virus gây đại dịch COVID-19, dùng cơ chế hoạt động vươn các xúc tu (tua cảm) tấn công các tế bào khác để lây nhiễm nhanh chóng trong cơ thể người.
Theo Giáo sư Nevan Krogan, nhà sinh học phân tử đứng đầu nhóm nghiên cứu, các tế bào của virus có những sợi xúc tu "nguy hiểm, độc hại" có thể đâm xuyên qua vỏ của tế bào khác.
"Giả thuyết đặt ra chính là cơ chế đâm xuyên của những sợi tua cảm này làm tăng tốc độ lây nhiễm", giáo sư Nevan Krogan nói, Financial Times trích đăng.
Theo hiểu biết của giới khoa học, hầu hết các loại virus không tạo ra xu thế nhân bản, tăng trưởng của những "xúc tu" như vậy. Do đó, phát hiện này cho phép xác định một số loại thuốc có thể được sử dụng trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2.
Theo cập nhật của trang worldometers.info, đến 10h sáng 29-6 (giờ Việt Nam), toàn cầu ghi nhận hơn 10,2 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 504.000 ca đã tử vong.
Hơn nửa năm trôi qua từ ngày dịch COVID-19 bùng phát, các nhà khoa học chỉ mới bắt đầu hiểu thêm về tác động khủng khiếp của virus SARS-CoV-2 trên cơ thể người: ngoài tổn thương hệ hô hấp, nó có thể gây biến chứng tắc mạch máu dẫn đến đột quỵ hoặc hội chứng viêm cấp làm suy đa phủ tạng. Virus còn gây ra một loạt triệu chứng thần kinh như đau đầu, chóng mặt, mất cảm giác mùi vị, co giật...
Cho đến nay, khoa học vẫn chưa tìm ra vắcxin chống virus này. Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây lại phát hiện kháng thể COVID-19 trong máu bệnh nhân hồi phục có thể biến mất trong vòng 2-3 tháng nên những loại vắcxin kích kháng thể có thể không hiệu quả.
Theo M.ANH (Tuổi Trẻ)