Đóng góp hoạt động từ thiện - xã hội của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đã tạo thành vòng tay nhân ái kết nối cộng đồng
Một buổi sáng cuối tuần, trên cánh đồng ở xã Nhơn Mỹ (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), hơn 100 người có mặt xôm tụ để thu hoạch rau bợ. Gọi tạm là tổ dược liệu, các thành viên đủ độ tuổi, nghề nghiệp và quê quán không hoạt động cố định. Cách 1-2 tuần, nếu không ra quân cấy dược liệu mới thì mọi người huy động đi làm cỏ, thu hoạch nguồn thuốc ở những địa bàn khác. Nhờ số lượng đông, nên dù chỉ làm thủ công, việc nào cũng được cuốn chiếu nhanh gọn trong buổi sáng.
Ông Nguyễn Văn Tre (xã Phú Thành, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) cho biết, tùy tính chất công việc, mỗi nơi tổ di chuyển sẽ có người dân tại địa phương hoặc lân cận tham gia. Cất cầu thì đa số đàn ông đảm nhiệm, còn thu hoạch rau màu, trồng dược liệu sẽ huy động phụ nữ nhiều hơn. Hoạt động từ thiện tự phát được ưu tiên chọn ngày cuối tuần để nhiều thành phần có thể tham gia.
Một buổi thu hoạch nghệ, gừng, dừa cạn… số lượng thuốc thu hoạch tại mỗi khu vực hơn 10 tấn, cần huy động 200 - 300 người để kịp tiến độ, vận chuyển nguồn dược liệu về nhà thuốc càng sớm càng tốt. Góp sức với tổ dược liệu, người dân hưởng ứng cho mượn đất, thậm chí tặng 1 - 2 vụ trong năm để luân phiên trồng các loại cây thuốc phục vụ chữa bệnh.
Gia đình chị Trịnh Thị Diễm Thúy (huyện Chợ Mới) đã hỗ trợ tiền thuê 6 công đất ruộng để trồng rau bợ cung cấp cho nhà thuốc Tư Ngoan (huyện Châu Phú). Giá thuê đất 2 triệu đồng/công, sản xuất được 4 vụ trong năm. Trong đó, chủ đất tình nguyện hùn 1 công, không lấy tiền thuê để góp việc thiện với cộng đồng. Tương tự, ở những nơi khác, có hộ thuê ruộng để làm lúa gây quỹ giúp đỡ người nghèo. Hộ khác thì trồng rau màu, ngoài số đem bán còn dành tặng một phần cho các nhà cơm từ thiện.
Với mô hình cất nhà cho người nghèo, từ năm 2019, Ban từ thiện - xã hội Ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHH đã thành lập tiểu ban cất nhà từ thiện, kết nối các tổ cất nhà ở tỉnh An Giang, Hậu Giang, TP. Cần Thơ tham gia. Ông Nguyễn Văn Thắm (Phó Ban từ thiện - xã hội) cho biết, khi có nhu cầu của chính quyền và ban trị sự cơ sở về nhà ở cho hộ nghèo, Ban từ thiện - xã hội đến phối hợp để khảo sát, xem xét hiện trạng nhà ở, đối tượng, để sớm vận động nguồn thực hiện. Tổ cất nhà ở các tỉnh có thể tham gia cất từ 10 - 20 căn nhà trong 1 ngày.
“Trong thành quả hoạt động chúng tôi đạt được thời gian qua, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc có vai trò rất lớn. Đó là đoàn kết trong nội bộ tôn giáo, với tôn giáo bạn, gắn kết đạo và đời. Chúng tôi luôn ghi nhận sự đóng góp của quý tăng sư, phật tử Phật giáo, các giáo sĩ Công giáo, các chức sắc Cao Đài, các tổ chức nhân đạo…” - ông Thắm chia sẻ.
Quy mô các xưởng mộc, sắt thép có sự góp sức đầy trách nhiệm của các thành viên. Mỗi nơi chia ra một công đoạn làm sẵn các chi tiết cho 1 căn nhà đơn giản. Khi có nơi cần giúp đỡ, chỉ tập trung vận chuyển đến lắp đặt cơ động và nhanh gọn. Nhà Tình thương, nhà Đại đoàn kết nhờ đó được xây dựng khẩn trương, phù hợp theo hoàn cảnh của người dân đang cần.
Theo ông Thắm, trong quá trình thực hiện nhà ở cho bà con nghèo các nơi, có rất nhiều kỷ niệm khó quên. Động lực để các thành viên từ thiện thêm nỗ lực là nhìn thấy hình ảnh của người nghèo trong niềm vui khi sở hữu căn nhà mới. Đến nay, tiểu ban cất nhà hoàn thành gần 400 căn nhà Tình thương, nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh An Giang và nhiều địa phương lân cận, tổng trị giá hơn 9 tỷ đồng.
Trong nửa nhiệm kỳ V (2019 - 2024), tuy ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây rất nhiều khó khăn lên mọi mặt đời sống của người dân, hoạt động từ thiện - xã hội của PGHH vẫn đạt kết quả ấn tượng, tổng trị giá hơn 1.700 tỷ đồng.
Trưởng ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHH Nguyễn Tấn Đạt nhấn mạnh, vai trò của Ban từ thiện - xã hội Trung ương là định hướng, phát hiện nhu cầu, truyền cảm hứng cho khắp nơi thấy được sự thiết thực trong từng hoạt động. Khi đồng đạo tham gia là phát huy vai trò tự quản, thúc đẩy sự sáng tạo, quản lý tài chính công khai, minh bạch, giải trình rõ ràng để vừa có hiệu quả, vừa được sự tin tưởng của chính quyền địa phương và nhân dân.
Việc thiện tuy gắn liền với tâm niệm sống của bà con PGHH, song giáo hội còn nhấn mạnh làm từ thiện không dừng ở mức “chữa cháy”, ở đâu cần thì đến giúp kịp thời, mà quan trọng hơn phải “cứu nghèo” bền vững.
HOÀI ANH