Giá dầu thế giới
Lúc 6h30 ngày 7/1, giá dầu Brent giao dịch ở mức 78,90 USD/thùng, trong khi đó dầu WTI giao dịch mức 73,64 USD/thùng, tăng 1,76 USD/thùng.
Giá dầu đi lên sau khi biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho thấy lạm phát đã được kiểm soát.
Như vậy, tuần đầu tiên của năm 2024 đã kết thúc với cả dầu Brent và WTI đều ghi nhận mức tăng.
Cụ thể, tính chung trong tuần, dầu Brent tăng 1,65 USD so với tuần trước, dầu WTI cũng tăng 1,99 USD.
Sự leo dốc của giá dầu tuần này được hỗ trợ bởi một loạt các yếu tố, trong đó có sự giảm trong dự trữ dầu của Mỹ, gián đoạn nguồn cung từ Libya, căng thẳng leo thang ở Trung Đông và chuyến thăm kéo dài 1 tuần của Ngoại trưởng Mỹ.
Tuần này, dầu giao dịch 4 ngày thay vì 5 ngày vì các thị trường đóng cửa trong ngày đầu tiên của năm mới.
Giá dầu ghi nhận tuần tăng đầu tiên của năm 2024. (Ảnh minh họa: Energy Now)
Tại phiên giao dịch đầu tiên của tuần (2/1), giá dầu giảm gần 2% do kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất suy yếu, lo ngại rằng căng thẳng ở Biển Đỏ sẽ làm gián đoạn nguồn cung giảm bớt và sự mạnh lên của đồng USD. Đáng chú ý trong phiên này, có thời điểm giá dầu đã tăng khoảng 2 USD.
Khả năng thị trường mất hơn 300.000 thùng dầu/ngày do gián đoạn sản xuất tại mỏ dầu lớn nhất của Libya - Sharara – bởi các cuộc biểu tình tại đây và mỏ dầu El-Feel, cùng với sự gia tăng căng thẳng ở Trung Đông đã đẩy giá dầu tăng vọt khoảng 3% ở phiên giao dịch thứ 2 của tuần.
Giá cũng được hỗ trợ khi thị trường nắm được thông tin từ biên bản cuộc họp tháng 12 của Ngân hàng Trung ương Mỹ cho thấy Fed tin rằng lạm phát đang được kiểm soát và nhiều khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong tháng 1.
Bất chấp sự giảm nhiều hơn dự kiến trong tồn kho dầu của Mỹ, sự tăng cao trong tồn kho xăng và các sản phẩm chưng cất của xứ cờ hoa đã khiến giá dầu nhanh chóng quay đầu giảm ở phiên giao dịch thứ 3 của tuần. Kết thúc phiên này, giá dầu giảm chưa đến 1%.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, dự trữ xăng của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 29/12/2023 tăng sốc 10,9 triệu thùng; tồn kho sản phẩm chưng cất tăng 10,1 triệu thùng trong khi tồn kho dầu thô giảm 5,5 triệu thùng.
Thông tin Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt đầu chuyến thăm 1 tuần đến Trung Đông với nỗ lực kiềm chế căng thẳng tại khu vực khiến giá dầu đảo chiều trong phiên giao dịch thứ 4 và cũng là phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Giá dầu đã tăng hơn 1 USD, lấy lại hoàn toàn mức mất mát ở phiên trước đó.
Kết thúc tuần, giá dầu ở mức 78,69 USD/thùng, dầu Brent đã tăng 1,65 USD so với tuần trước. Dầu WTI cũng ghi nhận tuần tăng với mức tăng là 1,99 USD.
Như vậy, giá dầu tuần này đã tăng, giảm đan xen trong các phiên giao dịch và xác lập tuần tăng đầu tiên trong năm 2024.
Giá xăng dầu trong nước
Từ 15h chiều 4/1, giá xăng E5 RON92 giảm 180 đồng/lít, về mức 21.006 đồng/lít. Giá xăng RON95 giảm 232 đồng/lít, không cao hơn 21.916 đồng/lít.
Giá dầu diesel giảm 420 đồng/lít, không cao hơn 19.368 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 500 đồng/lít, không cao hơn 19.957 đồng/lít. Giá dầu mazut giảm 190 đồng/kg, không cao hơn 15.495 đồng/kg.
Từ 15h chiều 4/1, giá xăng E5 RON92 giảm 180 đồng/lít, về mức 21.006 đồng/lít. Giá xăng RON95 giảm 232 đồng/lít, không cao hơn 21.916 đồng/lít. (Ảnh minh hoạ: Công Hiếu)
Tại kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định không trích lập và không chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu diesel và dầu hỏa, chỉ trích lập quỹ bình ổn đối với dầu mazut với mức 300 đồng/kg.
Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 27/12/2023 - 4/1/2024) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: gián đoạn tại mỏ dầu hàng đầu của Libya làm gia tăng lo ngại căng thẳng ở Trung Đông, có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu; các cuộc tấn công tàu ở Biển Đỏ vẫn chưa dừng lại; các quốc gia OPEC+ dự kiến xem xét thực hiện cắt giảm sản lượng dầu…
Tính từ đầu năm đến nay giá xăng đã trải qua 39 lần điều chỉnh, trong đó có 21 lần tăng, 15 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
Theo PHẠM DUY (VTC News)