Xuất khẩu đều đặn
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) Nguyễn Ngọc Vinh chia sẻ: “Năm 2021 hết sức khó khăn, ảnh hưởng nhiều nhất là thị trường nội địa, doanh thu giảm 25% so cùng kỳ. Ngược lại, doanh thu xuất khẩu tăng hơn 20%, sản lượng tiêu thụ gần 15.000 tấn rau quả, trong đó xuất khẩu trên 13.000 tấn rau quả, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 19 triệu USD.
Công ty có 4 sản phẩm chủ lực xuất khẩu là: Bắp non, đậu nành rau, xoài keo, thanh long, góp phần đưa Antesco đạt doanh thu hơn 500 tỷ đồng. Đó là sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên công ty và sự chuẩn bị vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất trong tình hình dịch, đảm bảo sản xuất “3 tại chỗ” liên tục, không dừng hoạt động. Đồng thời làm tốt công tác thị trường xuất khẩu, khách hàng chất lượng cao, uy tín, xuất khẩu đều đặn.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) Trần Vũ Đình Thi cho biết: “Năm 2021 là năm thành công trong hoạt động xuất khẩu của Angimex. Chúng tôi xuất khẩu 150.000 tấn gạo, kim ngạch xuất khẩu đạt 90 triệu USD. Trong 6 tháng cuối năm 2021 đã xuất khẩu 120.000 tấn gạo, dù lúc đó là cao điểm dịch COVID-19, do nhu cầu quốc tế tăng cao và Angimex có cảng An Giang là điểm tựa. Trong khi các cảng TP. Hồ Chí Minh đóng cửa ách tắc thì Angimex vẫn giao hàng xuất khẩu bình thường qua cảng An Giang”.
Chế biến đậu nành rau xuất khẩu
Lĩnh vực lúa gạo, năm 2021, Tập đoàn Lộc Trời đã xuất khẩu hơn 80.000 tấn gạo tới các đối tác ở Châu Âu, Vương quốc Anh, Châu Phi, Úc, khu vực Trung Đông, Châu Á. Tổng giá trị xuất khẩu gạo hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm 24% doanh thu gạo của tập đoàn. Riêng đối với thị trường Châu Âu, có thêm đối tác mới tại Thụy Điển và Đức. Tập đoàn Lộc Trời đã tăng gấp 4 lần xuất khẩu về sản lượng và doanh số so năm ngoái, có thêm 15 đối tác mua hàng mới trên thị trường quốc tế. Đây là nỗ lực rất lớn của tập đoàn trong thời gian chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, chi phí vận chuyển bằng container tăng cao...
Lĩnh vực thủy sản, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Tập đoàn Nam Việt đạt 130 triệu USD. Trong tháng 1-2022, tập đoàn xuất khẩu 8.000 tấn sản phẩm cá tra đi hơn 100 nước, trị giá khoảng 20 triệu USD, tăng 70% so cùng kỳ. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Đỗ Lập Nghiệp cho biết: “Để hoàn thành đơn hàng, tập đoàn phải thu tuyển thêm 3.000 lao động vào làm việc, sản xuất 8.000 tấn thành phẩm, tương đương 400 container”.
Mới đây, Nam Việt đã khởi công xây dựng Nhà máy chế biến Collagen peptide và Gelatin, liên doanh với Công ty AMICOGEN Hàn Quốc, có vốn 24 triệu USD. Giai đoạn 1, công suất 800 tấn thành phẩm collagen và gelatin/năm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Hàn Quốc, tiêu thụ trên 450 tấn nguyên liệu/ngày, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu.
Triển vọng năm 2022
Việt Nam nói chung, tỉnh An Giang nói riêng đã khống chế được dịch bệnh, góp phần tạo thuận lợi tốt hơn cho các đối tác thương mại lớn. Những tín hiệu lạc quan đó tác động rất tích cực đến hoạt động xuất khẩu trong năm 2022. Bên cạnh đó, những năm qua, vị thế gạo, thủy sản Việt Nam được củng cố vững chắc ở thị trường quốc tế. Việt Nam đã có sự khẳng định ở các thị trường, kể cả thị trường khó tính như Liên minh Châu Âu (EU).
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Angimex Trần Vũ Đình Thi cho biết: “Tới đây, chúng tôi sẽ đầu tư mạnh hệ thống máy móc thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất 800.000-1 triệu tấn, mục tiêu trở thành đơn vị xuất khẩu lớn nhất Việt Nam với 1 triệu tấn gạo/năm”.
Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu hơn 80.000 tấn gạo
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần rau quả thực phẩm An Giang Nguyễn Ngọc Vinh chia sẻ: “Năm 2022, Antesco tiếp tục duy trì, nỗ lực phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu, đưa hoạt động sản xuất của công ty ngày càng phát triển, thực hiện tốt mục tiêu chiến lược 5 năm (giai đoạn 2021-2025) đưa Antesco thành một trong những đơn vị xuất khẩu, chế biến rau quả hàng đầu khu vực ĐBSCL”.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận lạc quan: “Tin rằng năm 2022 sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho lúa gạo và các loại nông sản được sản xuất theo hướng xanh hơn, bền vững hơn của Việt Nam tại thị trường Châu Âu và nhiều thị trường khác, giúp tăng hiệu quả của kinh tế nông nghiệp”.
Còn Tập đoàn Nam Việt năm 2022 dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD, trở thành một trong “tốp 5” công ty có kim ngạch xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam.
Vượt “bão COVID-19”
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu, như: Gạo đạt hơn 516.000 tấn, tương đương 278,5 triệu USD, tăng hơn 3% so cùng kỳ; thủy sản đạt hơn 113.000 tấn, tương đương 357,9 triệu USD, tăng gần 27% so cùng kỳ; rau quả đông lạnh đạt 9.800 tấn, tương đương 17 triệu USD, tăng 2% về lượng và kim ngạch so cùng kỳ.
Thị trường xuất khẩu gạo qua 42 nước, chiếm tỷ trọng cao nhất là Châu Á. Giá xuất khẩu bình quân năm 2021 đạt 542,25 USD/tấn, tăng 1,1 USD/tấn so cùng kỳ. Thủy sản đông lạnh xuất khẩu qua 78 nước, chiếm tỷ trọng cao nhất là thị trường Châu Á. Giá xuất khẩu bình quân năm 2021 đạt trên 2.433 USD/tấn, tăng 22,17 USD/tấn. Hàng hóa đăng ký nơi khác thực hiện xuất khẩu qua cửa khẩu An Giang trên 1,7 tỷ USD, tăng 31% so cùng kỳ (hàng hóa xuất khẩu chủ yếu: Phân bón, sắt thép, xi-măng, xăng dầu, bách hóa tổng hợp, nông thủy sản...).
|
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU