Tính cộng đồng trong lễ hội văn hóa dân gian

06/07/2018 - 07:53

 - Xuất phát từ đời sống dân gian, lễ hội ở các địa phương trong tỉnh đều giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống. Với người dân, lễ hội là dịp họ thỏa mãn đời sống tín ngưỡng tâm linh cũng như hòa mình vào không khí hân hoan của cả cộng đồng.

Theo vòng quay của xã hội hiện đại, những truyền thống văn hóa cũng dần lui về chốn quê bình yên bên mái đình làng. Từ ngàn xưa, cha ông ta đã có lễ hội dân gian. Những lễ hội ấy vẫn còn tồn tại đến ngày nay và trở thành nhu cầu văn hóa tâm linh không thể thiếu trong mỗi con người. Vùng đất An Giang vốn có nhiều lễ hội địa phương mang tính dân gian đặc sắc và luôn thể hiện được giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam. Đó là tính cộng đồng.

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đều quan tâm phát triển lễ hội văn hóa truyền thống. Đúng như tên gọi, những lễ hội này đều đậm tính dân gian và hướng tới phục vụ cộng đồng. Ở Châu Phú, người dân không còn xa lạ với Lễ hội văn hóa truyền thống huyện hàng năm để tưởng nhớ người anh hùng Trần Văn Thành với cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa huyền thoại. Theo đó, UBND huyện Châu Phú đã nâng chất công tác tổ chức nhằm phục vụ tốt người dân, với các hoạt động trang trọng của phần lễ và những trò chơi dân gian đặc sắc trong phần hội.

Một nét đẹp rất dễ nhận thấy từ lễ hội chính là sự tích cực của người dân địa phương trong việc phục vụ công tác hậu cần cho lễ hội. “Từ trước ngày diễn ra lễ hội, những hộ dân ở gần đền thờ đã đến gói bánh tét, làm bánh bao hay chuẩn bị cơm, nước phục vụ thực khách gần xa. Với hơn 60.000 người đến đền thờ trong những ngày lễ hội, công tác phục vụ rất vất vả. Tuy nhiên, anh, chị em trong tổ phục vụ đều sẵn lòng và rất niềm nở. Với họ, việc được phục vụ du khách cũng là niềm vui bởi ai cũng muốn góp một phần sức của mình vào sự kiện văn hóa lớn tại địa phương” - ông Trần Minh Hiển, Phó Trưởng ban Quản lý di tích đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành, cho hay.

Có dịp đến với Lễ hội văn hóa truyền thống huyện Châu Phú, chúng tôi đều thấy hình ảnh các em nhỏ mang bao đi gom rác trong khuôn viên đền thờ. Đó là việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa lớn vì góp phần tuyên truyền cho du khách việc giữ gìn vệ sinh chung, tạo vẻ mỹ quan cho lễ hội. Những người đến với lễ hội không xem mình là khách. Họ tự lấy thức ăn, nước uống nếu tổ phục vụ không đáp ứng kịp. Những người phục vụ cũng đon đả mời khách ngồi vào bàn cơm dù tất cả đều miễn phí. Thật khó có nơi nào đậm tính cộng đồng như các lễ hội dân gian bởi mọi người đều có chung niềm tín ngưỡng, cùng vui chơi và thể hiện tình đoàn kết tương thân, tương ái.

Ở huyện miền núi Tịnh Biên, những lễ hội mang màu sắc tôn giáo cũng thể hiện tính cộng đồng khá rõ. Ông Nguyễn Văn Phán, Trưởng ban Quản lý di tích chùa Phật Thới Sơn (Tịnh Biên), cho biết: “Chùa Phật đón khách thập phương khá đông trong những tháng hành hương nên áp lực phục vụ rất lớn. Tuy nhiên, với sự nhiệt tâm của mọi người, hoạt động đón tiếp đều diễn ra suôn sẻ. Ngoài ra, chúng tôi còn đón hàng chục ngàn người trong Lễ giỗ Phật thầy Tây An vào ngày 12-8 âm lịch. Mọi năm, chúng tôi có đến 6 trại cơm miễn phí phục vụ mọi người với số lượng từ 50 đến 100 bàn/trại”. Lực lượng hậu cần của chùa Phật Thới Sơn không chỉ là người dân địa phương. Có người từ Cần Thơ, Cà Mau cũng đến đây góp sức với điểm chung duy nhất là tấm lòng hướng Phật, mong muốn phục vụ cộng đồng.

Cô Nguyễn Thị Thêu, ngụ huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), đã đến phục vụ bếp núc tại chùa Phật Thới Sơn nhiều năm nay, nhất là dịp lễ giỗ cụ Đoàn Minh Huyên. Hàng ngày, cô dậy khi trời còn tối mịt để tiếp nhận thực phẩm từ các nơi gửi đến rồi bắt tay sơ chế. Cứ thế, các thành viên trong tổ nấu bếp phân công mỗi người một việc, từ chuẩn bị củi lửa cho đến nấu cơm, rửa chén.

“Dù có vất vả nhưng tôi và những anh, chị em khác luôn cảm thấy phấn khởi bởi công việc mình làm thực sự có ý nghĩa, giúp cho cô bác gần xa no lòng ấm dạ khi đến đây lễ Phật. Khách đến chùa là muốn gieo duyên với Phật còn chúng tôi phục vụ họ là vì cái tâm thiện nguyện” - cô Thêu trải lòng.

Theo thời gian, các lễ hội văn hóa truyền thống vẫn lưu giữ được giá trị vốn có. Đó là điều kiện thuận lợi để ngành chuyên môn, các địa phương có hướng phát triển những sự kiện dân gian này, góp phần nuôi dưỡng các giá trị tinh thần tốt đẹp của cha ông, làm nền tảng giáo dục thế hệ trẻ về văn hóa Việt Nam trong thời đại công nghệ số.

THANH TIẾN