Rộn ràng Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam

07/06/2018 - 07:30

 - Những ngày qua, hàng ngàn khách hành hương từ khắp nơi đã đổ về núi Sam tham dự Lễ hội vía Bà Chúa Xứ tạo nên không khí lễ hội tưng bừng náo nhiệt. Với lợi thế và sự phát triển mạnh mẽ của lễ hội cấp quốc gia, nhiều năm qua, lượng du khách đến cúng viếng, du lịch (DL) tâm linh tại Châu Đốc ngày càng tăng.

Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội tín ngưỡng dân gian được diễn ra hàng năm tại miếu Bà Chúa Xứ thuộc xã Vĩnh Tế (nay là phường núi Sam, TP. Châu Đốc). Năm nay, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra từ ngày 4 đến 10-6-2018 (nhằm ngày 21 đến 27-4 âm lịch năm Mậu Tuất).

Một trong những nghi thức thu hút đông đảo du khách gần xa là lễ phục hiện rước tượng bà. 15 giờ, các đội lân, sư, rồng, đội lính khiêng kiệu, lính hầu, các vị bô lão, lãnh đạo địa phương và hàng ngàn khách tham quan cùng nhau tập trung về khu vực nhà bia liệt sĩ để dâng hương, đánh trống khai hội, phục hiện lễ rước tượng Bà. Chương trình lễ khai hội phong phú với các tiết mục sân khấu hóa.

15 giờ 30 phút, đoàn rước Bà khởi hành lên núi. Dòng người rồng rắn nối đuôi nhau. 17 giờ, nghi thức dâng hương, thỉnh Bà được thực hiện trên đỉnh núi. Các nghi thức cúng tế duy trì theo cổ lệ do Ban Quản trị Lăng miếu và một số bô lão trong làng làm chủ lễ. Hơn 18 giờ, khi mặt trời dần khuất bóng, đoàn rước tượng Bà xuống tới chân núi với sự chào đón trang trọng của người dân, các đoàn lân nổi trống ở từng chặng đường nghinh tiếp.

Đoàn rước tiếp tục nghinh Bà về miếu thờ trong không khí trang nghiêm và náo nức với màn múa lân, sư, rồng trước cổng miếu. Trong sân khu vực miếu Bà, một sân khấu được dàn dựng công phu, rực rỡ cờ, đèn… Tại đây, nghi thức nhập miếu được thực hiện một cách trang trọng.

Anh Nguyễn Thanh Tùng (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) cho biết: “Tôi đến đây từ sáng 5-6. Sau khi cúng Bà xong, tôi đưa gia đình tham quan chợ Châu Đốc, nhà ga Cáp treo núi Sam… rồi kiếm khách sạn nghỉ ngơi. Mùa vía nên tôi hỏi nhiều chỗ mới tìm được một chỗ vừa ý, hợp túi tiền. Gia đình tôi định ở lại để dự lễ tắm Bà rồi về. Đây là lần thứ 2 tôi đến Châu Đốc mùa vía Bà. Năm nay, nhà tôi theo đoàn rước Bà lên núi, tuy mệt nhưng vui. Phải công nhận, dù lễ hội không phải ngày cuối tuần nhưng khách thập phương khá đông”.

Sau lễ phục hiện rước Bà, các ngày sau đó là phần nghi thức truyền thống, như: Lễ tắm Bà vào lúc 24 giờ đêm 6-6 rạng ngày 7-6 (nhằm 23, 24-4 âm lịch); Lễ Thỉnh sắc thần Thoại Ngọc Hầu, tức rước sắc và bài vị Thoại Ngọc Hầu cùng 2 phu nhân từ lăng Thoại Ngọc Hầu (Sơn lăng) về miếu Bà, lúc 15 giờ ngày 8-6 (nhằm 25-4 âm lịch), 24 giờ đêm cùng ngày là Lễ Túc Yết (tức dâng lễ vật và tiến hành cúng Bà) và Lễ Xây chầu mở đầu cho việc hát Bội tại Võ ca của miếu.

Tại Lễ Xây chầu, ngoài các nghi lễ rất tôn nghiêm do Ban Quý tế đảm trách, đoàn hát Bộ sẽ trình diễn các vở tuồng cổ, được xem là để “cúng Bà”, vừa phục vụ người dân. Vở diễn thường mang tính kinh điển, với các tuồng tích diễn giải quá trình tạo lập vũ trụ, nhân sinh và những nghi thức chúc phúc, mong ước đem lại an lành cho cuộc sống. Lễ Chánh tế từ 4 giờ sáng ngày 10-6 (nhằm 27-4 âm lịch) và Lễ Hồi sắc vào lúc 15 giờ cùng ngày (tức đem sắc và bài vị Thoại Ngọc Hầu cùng 2 phu nhân về lại Sơn lăng).

Bên cạnh tổ chức phần lễ hội truyền thống, Châu Đốc còn tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao phục vụ du khách. Theo đó, trong tuần diễn ra lễ hội có rất nhiều hoạt động phong phú, như: biểu diễn văn nghệ vào thứ bảy hàng tuần tại phố đi bộ; liên hoan đờn ca tài tử cấp thành phố; giải quần vợt; triển lãm, giao lưu ảnh nghệ thuật truyền thống; hội thi lân, sư, rồng; hội thi chim hót nghệ thuật; liên hoan 4 dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer; giải võ Teakwondo và lễ hội hoa đăng; giải cờ tướng; gian hàng giới thiệu các đặc sản địa phương và bánh Nam Bộ; hội thi leo núi; hội thi gà chọi; giải cầu lông, trò chơi vận động liên hoàn, bóng đá tứ hùng…

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2018 gắn với kỷ niệm 18 năm được nâng cấp quốc gia và chuỗi các sự kiện lịch sử, chính trị, văn hóa - xã hội, DL của đất nước, thành phố, Khu DL núi Sam sau khi được công nhận là khu DL địa phương đã có bước phát triển mới, đáp ứng mục tiêu tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp, phấn đấu trở thành khu DL quốc gia.

Thông qua các hoạt động lễ hội để tạo điều kiện cho thành phố tiếp tục quảng bá, giới thiệu các di tích, thắng cảnh, thế mạnh tiềm năng về dịch vụ, DL và thương mại; thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Đồng thời, chứng tỏ Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ núi Sam đang trở thành lễ hội văn hóa DL tâm linh lớn nhất Nam Bộ. Qua đó, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh về thương mại, DL của An Giang nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm.

THU THẢO