Những tưởng chỉ là chuyện “hóng hớt” để “tám” (nhiều chuyện) với nhau sẽ không gây nên hậu quả nghiêm trọng, nhưng thực tế có không ít trường hợp người dân bị vạ lây từ việc tụ tập đông người và hiếu kỳ quá mức.
Có thể nói, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh (smartphone) được kết nối internet, mỗi người dân hiện nay đều có thể trở thành người đưa tin các sự kiện xảy ra hàng ngày trong xã hội.
Ai cũng muốn chứng tỏ mình nhanh nhạy, nắm bắt và đưa tin đầu tiên với hình ảnh, đoạn clip chân thực từ hiện trường vụ việc, mặc kệ những thông tin mình nghe, thấy có được kiểm chứng từ cơ quan chức năng hay chưa, cái mình thấy là một phần hay là toàn bộ sự việc, chỉ cần có nhiều người thích hay bình luận là được.
Năm 2018, vào buổi trưa chủ nhật tại cầu sắt Nguyễn Thái Học (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên, An Giang), một người dân nhìn thấy trên bãi sông có một con vật màu xanh xanh, một nửa trên mặt nước, một nửa chìm dưới nước, ai cũng đồn nhau rằng đoạn sông có cá sấu, rồi kéo nhau đến chụp ảnh, phát trực tiếp trên mạng xã hội, gây hoang mang cho người dân. Mãi đến khi có một người đàn ông gần đó đến "khều" con vật thì mới vỡ lẽ, chỉ là con thú nhồi bông hình cá sấu đã cũ bị ai đó vứt xuống sông.
Nhiều người vô tư tụ tập, chụp ảnh hiện trường hỏa hoạn
Chính vì thói quen đứng nhìn và thích đưa tin “nóng” mà dường như một số người dân trở nên vô cảm với nỗi đau của người trong cuộc, thay vì cùng nhau trợ giúp thì họ lại tụ tập đông người, một số trường hợp gây cản trở cho việc cứu vãn sự việc. Đó là hình ảnh phóng viên đã chứng kiến, người dân đi ngang qua đường Hàm Nghi (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) trông thấy một phim trường đang cháy và một số người xách từng xô nước sang chữa cháy tạm thời trong khi đợi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến.
Trong khi đó, có gần 20 chiếc xe gắn máy đi qua dừng lại chụp ảnh, phát trực tiếp về vụ hỏa hoạn. Rồi mới đây nhất là vụ nhiều người tiếp tục tập trung về đường Trung An (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) theo dõi lực lượng chức năng tìm kiếm và vây bắt Tuấn "khỉ', bất kể việc tụ tập đông người gây cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ hay tình trạng lạc đạn gây nguy hiểm đến bản thân. Một số người cho biết, xem nhiều tin trên mạng không biết tin nào là sự thật nên tìm đến hiện trường để tìm hiểu. Thậm chí, một cặp vợ chồng đi 200km đến TP. Hồ Chí Minh chỉ muốn có mặt tại điểm “nóng” để xem cho tường tận.
Người dân tụ tập xem lực lượng chức năng vây bắt Tuấn “Khỉ”
Gần đây nhất là tình trạng tin giả, những thông tin bịa đặt về tình hình dịch bệnh Covid-19 xuất hiện ở các địa phương, gây hoang mang trong nhân dân. Mục đích của việc đưa tin là đánh vào tâm lý hiếu kỳ của người dân để “câu like” trên mạng xã hội, nhằm bán hàng trên mạng và các mục đích cá nhân khác. Các chủ tài khoản sau đó đã bị công an điều tra và xử phạt, yêu cầu gỡ bỏ tin, bài sai sự thật.
Ngày 21-2, một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên Quốc lộ 66 (tỉnh Sơn La), một số người dân đứng lại xem vụ tai nạn giao thông thì bất ngờ bị một chiếc xe tải ngược chiều không thắng kịp tông thẳng vào đám đông, một số người bị thương phải vào bệnh viện và rất may không có trường hợp tử vong.
Từ các sự việc nêu trên cho thấy, tính hiếu kỳ quá mức trong một bộ phận người dân về những vấn nạn xã hội, về tai nạn, dịch bệnh, hỏa hoạn… đã gây nên những hệ lụy không nhỏ cho chính bản thân họ và xã hội. Tính hiếu kỳ ở một góc độ nào đó là tốt vì nó thúc đẩy việc tìm tòi, nghiên cứu trong học tập, lao động, còn chỉ để hóng chuyện, “tám chuyện”, thỏa mãn tính tò mò, khẳng định cái tôi tài giỏi, nhanh nhạy hơn cả báo chí chính thống thì là việc làm không nên. Bởi, người hiếu kỳ không thể lường trước những hậu quả liên đới trong từng vụ việc. Hiếu kỳ, “sống ảo” phải có điểm dừng, đừng biến mình thành người vô cảm, cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, phát tán thông tin thất thiệt gây hoang mang trong xã hội, vi phạm pháp luật.
Bài, ảnh: NGỌC GIANG