Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Palmeiras do Javari, bang Amazonas, Brazil. (Ảnh: AFP-TTXVN)
Theo số liệu thống kê của worldometers.info, cập nhật đến 22h ngày 20-6 9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 8.804.245 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 463.510 ca tử vong, lần lượt tăng 53.255 ca nhiễm mới và 1.690 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Mặc dù diễn biến dịch bệnh thuyên giảm ở một số nước, song nhìn chung tình hình dịch bệnh lại có chiều hướng phức tạp hơn.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo đại dịch COVID-19 hiện ở trong “một giai đoạn mới và nguy hiểm” với số ca bệnh mới tăng mạnh trong bối cảnh người dân mệt mỏi với các lệnh phong tỏa.
Ông đã hối thúc các quốc gia và người dân duy trì sự cảnh giác cao độ bởi số ca bệnh mới được báo cáo lên WHO đã lên đến mức kỷ lục mới.
Hiện Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong tổng số 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có dịch COVID-19, với 2.299.184 ca mắc bệnh và 121.451 ca tử vong. Sau khi nới lỏng các biện pháp cách ly, ba tiểu bang của Mỹ là Arizona, Texas và Florida đã ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới cao kỷ lục trong ngày 19-6 (giờ địa phương), phá vỡ các mức kỷ lục được thiết lập vào các ngày trước đó.
Việc gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm virus SARS-COV-2 mới trong ngày tại ba tiểu bang trên khiến giới chuyên gia y tế cộng đồng lo ngại rằng dịch COVID-19 có thể bùng phát trở lại và trở nên mất kiểm soát tại các bang này.
Trong khi đó, tại châu Âu, tính đến chiều 20-6 (giờ Việt Nam), số bệnh nhân COVID-19 đã vượt quá 2,5 triệu người, trong đó hơn 50% là ở các nước Nga, Anh, Tây Ban Nha và Italy. Với 2.500.091 ca nhiễm, trong đó có 192.158 ca tử vong, châu Âu hiện vẫn là châu lục bị ảnh hưởng nặng nền nhất trên thế giới từ dịch bệnh COVID-19.
Tại khu vực Mỹ Latinh, dịch bệnh đang lây lan với tốc độ đáng lo ngại, nhanh nhất từ trước tới nay. Nguy hiểm nhất là Brazil, sau gần bốn tháng bùng phát dịch bệnh COVID-19, số ca nhiễm mới tại quốc gia Nam Mỹ này vẫn tiếp tục xu hướng tăng và đến nay tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đã vượt qua con số 1 triệu người cho dù theo đánh giá của các chuyên gia thì thời điểm hiện tại vẫn chưa phải là giai đoạn đỉnh dịch.
Tuy nhiên, Cuba được coi là điểm sáng tại khu vực. Đúng 100 ngày kể từ khi tuyên bố bắt đầu chiến dịch chống COVID-19 từ ngày 10-3, Chính phủ Cuba đã cho phép bắt đầu giai đoạn đầu tiên của quá trình tái khởi động nền kinh tế-xã hội tại 13-15 tỉnh thành của cả nước.
Hai địa phương duy nhất vẫn buộc phải duy trì các biện pháp cách ly và phòng chống dịch là thủ đô La Habana và tỉnh lân cận Matanzas. Đây là hai địa phương vẫn ghi nhận các ca nhiễm COVID-19 trong thời gian qua, trong khi các tỉnh còn lại đã trải qua ít nhất một tuần không ghi nhận ca lây nhiễm nào.
Nhân viên y tế làm việc tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 19-6-2020. (Ảnh: AFP-TTXVN)
Tại châu Á, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục phát hiện thêm nhiều ca nhiễm mới. Ngày 20-6, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo có thêm 27 ca mắc COVID-19 mới ở đại lục, trong đó 23 ca lây nhiễm trong cộng đồng và bốn ca nhập cảnh.
Theo NHC, trong số 23 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng thì 22 ca ở thành phố Bắc Kinh trong khi một ca còn lại được phát hiện ở tỉnh Hà Bắc.
Tính đến hết ngày 19-6, tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục là 83.352 ca, trong đó có 4.634 ca tử vong. 78.410 bệnh nhân đã bình phục và xuất viện.
Nhằm khống chế nguy cơ dịch bùng phát mạnh tại thủ đô Bắc Kinh, giới chức thành phố này đang tiến hành kiểm tra để truy dấu virus SARS-CoV-2 có thể có trên các nguồn thực phẩm và nhân viên giao hàng. Đây là nỗ lực mới nhất nhằm nhanh chóng kiểm soát tình hình trong bối cảnh đợt bùng phát dịch bệnh mới đang xuất hiện tại thành phố.
Tính đến sáng 20-6, các cơ sở y tế tại Bắc Kinh đã tiến hành xét nghiệm acid nucleic cho gần 2,3 triệu người dân. Giới chức y tế đặt mục tiêu mở rộng diện xét nghiệm trên toàn thành phố 20 triệu dân sau khi phát hiện ổ dịch liên quan đến chợ đầu mối Tân Phát Địa hơn một tuần trước.
Cơ quan Quản lý và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 20-6 cũng thông báo nước này ghi nhận tổng số 12.373 ca nhiễm virus, tăng 67 ca trong vòng 24 giờ. Không có thêm ca tử vong nào trong khi đã có thêm 21 bệnh nhân COVID-19 ở Hàn Quốc hồi phục hoàn toàn, đưa tổng số ca được chữa khỏi lên 10.856 ca.
Tại Ấn Độ, trong 24 giờ qua, số ca mắc COVID-19 mới được ghi nhận mức cao nhất kể từ đầu dịch đến nay.
Theo thông báo ngày 20-6 của Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ, trên cả nước ghi nhận thêm 14.516 ca nhiễm mới và 375 trường hợp tử vong, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 và số ca tử vong từ khi dịch bệnh bùng phát lên lần lượt là 395.048 người và 12.948 người. Tuy nhiên, tính đến nay, đã có tổng cộng 213.831 bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh và xuất viện.
Trong khi đó, trong nỗ lực giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 đối với đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, ngày 20-6, Ngân hàng Phát triển mới của Nhóm Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã phê chuẩn gói tín dụng khẩn cấp trị giá 1 tỷ USD cho Nam Phi, hỗ trợ nước này phòng chống dịch bệnh.
Trong thông báo ngày 20-6, Bộ Tài chính Nam Phi nêu rõ gói tín dụng khẩn cấp này sẽ giúp Nam Phi nhanh chóng giải quyết những nhu cầu cấp bách của đất nước. Ngay trước khi dịch bệnh bùng phát trong nước, nền kinh tế Nam Phi đã rơi vào suy thoái, nên các hậu quả của đại dịch càng trở nên trầm trọng.
Kể từ khi Nam Phi ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên vào tháng Ba vừa qua, đến nay, nước này đã có 87.715 bệnh nhân và 1.831 trường hợp tử vong.
Theo PHƯƠNG HOA (Vietnam+)