Hiến pháp năm 2013 khẳng định: "Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo." Đây là một nguyên lý nền tảng, thể hiện vai trò đặc biệt của khu vực kinh tế do Nhà nước nắm giữ trong việc bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển bền vững.
AA
Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước càng cần được cụ thể hóa và phát huy đúng tầm
Trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế toàn cầu đang chuyển động nhanh dưới tác động của chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu phát triển xanh, bền vững – vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước càng cần được cụ thể hóa và phát huy đúng tầm. Điều này không chỉ đòi hỏi những điều chỉnh về tổ chức và cơ chế vận hành, mà quan trọng hơn là một cách tiếp cận mới, toàn diện và thực chất về nhận thức và thiết kế thể chế.Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết 66‑NQ/TW và 68‑NQ/TW ngày 18/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ yêu cầu: "Chuyển đổi mô hình tăng trưởng phải dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo." Đây là định hướng mang tính nền tảng, đặt ra vai trò tiên phong cho khu vực kinh tế nhà nước trong các lĩnh vực mới, chiến lược và có tính dẫn dắt.
Trong phát biểu ngày 6/1/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh: "Sắp xếp để vốn nhà nước được quản lý và phát triển tốt nhất".
Trong tinh thần đó, việc đề xuất các giải pháp mang tính đột phá để nâng cao hiệu quả và phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước không chỉ có ý nghĩa cải cách về tổ chức và quản trị, mà còn là yếu tố quyết định trong quá trình phát triển đất nước một cách tự chủ, sáng tạo và bền vững hơn trong giai đoạn tới.
Nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước bằng cải cách thể chế và tổ chức thực thi
Muốn kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, điều kiện tiên quyết là phải cải cách mạnh mẽ cả về thể chế và cơ chế tổ chức thực thi. Nhiệm vụ không còn là quản lý doanh nghiệp nhà nước như những đơn vị hành chính, mà là tái cấu trúc tư duy quản trị: từ "quản lý doanh nghiệp" sang "quản trị tài sản quốc gia".
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Doanh nghiệp nhà nước phải xông pha hơn nữa, tiên phong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Trọng tâm cải cách phải xoay quanh ba đột phá chính:
Một là, thiết lập hệ thống quản trị tài sản quốc gia hiện đại, số hóa và hiệu quả. Nhà nước cần xây dựng một "bảng cân đối tài sản quốc gia" thống nhất, trong đó tất cả tài sản công – từ vốn góp, đất đai, hạ tầng, tài nguyên cho đến cổ phần trong doanh nghiệp – được định danh rõ, số hóa, phân loại và định giá theo cơ chế thị trường. Tài sản nào phục vụ mục tiêu công, phải được sử dụng đúng; tài sản nào đưa vào kinh doanh, phải chịu trách nhiệm sinh lời và chịu giám sát công khai. Đây là nền tảng để biến kinh tế nhà nước từ gánh nặng dàn trải thành lực lượng đầu tư chiến lược, có trọng điểm và đo lường được hiệu quả.
Hai là, thay vì tái lập một cơ quan quản lý vốn nhà nước, cần xây dựng một thiết chế chuyên trách về quản trị tài sản công. Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ việc giải thể Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, có thể thiết kế lại mô hình quản lý tài sản công theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả và tích hợp vào một đầu mối chuyên môn cao trong nội bộ Bộ Tài chính, hoặc thí điểm mô hình "Tổng công ty Đầu tư Tài sản Quốc gia" hoạt động theo chuẩn mực thị trường, tách biệt với cơ quan làm chính sách.
Thiết chế này không cần giữ vai trò hành chính mà hoạt động theo nguyên lý doanh nghiệp đầu tư chiến lược, có Hội đồng quản trị, kiểm toán độc lập và chịu trách nhiệm giải trình trước Chính phủ và Quốc hội. Việc giao lại cho từng bộ quản lý vốn như trước đây sẽ rất khó bảo đảm nguyên tắc tách bạch sở hữu – quản lý – giám sát, dễ rơi vào xung đột lợi ích.
Ba là, kinh tế nhà nước phải đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng. Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước không còn nằm ở quy mô, mà phải thể hiện ở khả năng mở đường, kiến tạo và dẫn dắt phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực: Công nghệ lõi, dữ liệu lớn và AI; Công nghiệp bán dẫn, năng lượng tái tạo, công nghiệp môi trường; Hạ tầng số, hạ tầng chiến lược, các ngành kinh tế xanh và tuần hoàn.
Thay vì cạnh tranh với tư nhân trong các ngành thị trường phổ thông, kinh tế nhà nước cần tập trung vào những lĩnh vực mà tư nhân chưa sẵn sàng hoặc không đủ sức tham gia.
Phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước còn là yếu tố quyết định trong quá trình phát triển đất nước một cách tự chủ, sáng tạo và bền vững hơn trong giai đoạn tới
Xây dựng hệ sinh thái thể chế để vai trò chủ đạo vận hành thực chất và hiệu quả
Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước – nếu không được nâng đỡ bằng một hệ sinh thái thể chế phù hợp – sẽ chỉ là một mệnh đề hình thức, dễ dẫn đến méo mó trong thực thi. Muốn vai trò này vận hành đúng bản chất, cần một cấu trúc thể chế "ba chân vạc" vững chắc: pháp luật minh bạch, tổ chức thực thi chuyên nghiệp và cơ chế giám sát hiện đại.
Một là, thể chế pháp lý phải định hình ranh giới và chuẩn mực hành vi rõ ràng. Hiện nay, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp vẫn còn tản mạn và thiếu khung định hướng thống nhất. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Doanh nghiệp chưa phân định rạch ròi giữa tài sản đưa vào sản xuất kinh doanh (tạo thành kinh tế nhà nước) và tài sản thuộc công ích, hành chính sự nghiệp. Hệ quả là cơ quan chủ quản vừa làm chính sách, vừa sở hữu, vừa giám sát – dẫn đến xung đột lợi ích và dễ có thể can thiệp tùy tiện.
Cần ban hành một "Luật Quản trị tài sản quốc gia" hoặc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng hiện đại hóa: tập trung vào hiệu quả sử dụng, giá trị đầu tư và trách nhiệm giải trình. Những chuẩn mực như tách bạch giữa chức năng sở hữu và chức năng quản lý, nguyên tắc thị trường trong đầu tư, cơ chế xử lý rủi ro tài sản... phải được luật hóa rõ ràng và nhất quán.
Hai là, tổ chức thực thi cần chuyên nghiệp hóa và phi hành chính hóa. Như đã nêu ở phần trước, thay vì cơ cấu quản lý vốn theo kiểu hành chính – nơi các bộ ngành vừa sở hữu, vừa quản lý, vừa điều hành – thì cần thiết lập các đầu mối chuyên trách với chức năng rõ ràng, quản trị theo nguyên tắc thị trường.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước cần được cổ phần hóa hoặc cơ cấu lại theo mô hình công ty đại chúng, áp dụng các thông lệ quản trị doanh nghiệp tốt nhất (OECD, G20), đồng thời chịu sự giám sát chặt chẽ của các tổ chức độc lập như kiểm toán nhà nước, hội đồng quản trị không điều hành, và báo cáo minh bạch ra công chúng. Tránh tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" trong hệ thống nội bộ.
Ba là, cơ chế giám sát phải hiện đại, minh bạch và gắn với hiệu quả quốc gia. Giám sát kinh tế nhà nước không thể chỉ dừng ở kiểm tra định kỳ hay xử lý sai phạm, mà phải được nâng cấp thành một hệ thống cảnh báo chiến lược, có khả năng đo lường hiệu quả đầu tư tài sản công theo thời gian thực.
Muốn vậy, cần thiết lập nền tảng dữ liệu số quốc gia về tài sản công, kết nối thông tin giữa Bộ Tài chính, các địa phương, doanh nghiệp nhà nước và cơ quan giám sát. Thể chế cũng cần khuyến khích vai trò giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và báo chí – như những "người gác cổng" giúp bảo đảm trách nhiệm giải trình và hạn chế đặc quyền đặc lợi.
Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước phải thể hiện ở khả năng mở đường, kiến tạo và dẫn dắt phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực: Công nghệ lõi, dữ liệu lớn và AI...
Phát triển động lực đổi mới sáng tạo trong khu vực kinh tế nhà nước
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào năng suất, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, khu vực kinh tế nhà nước không thể tiếp tục vận hành theo lối cũ – nặng về quản lý hành chính, phân bổ theo kế hoạch và ỷ lại vào tài sản công. Muốn giữ vai trò "chủ đạo", khu vực này phải trở thành một trong những nguồn động lực đổi mới mạnh mẽ nhất, với khả năng dẫn dắt mô hình phát triển mới, chứ không thể là điểm trũng của cải cách.
Một là, thiết lập cơ chế ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược, có tính lan tỏa và có thể có rủi ro cao. Kinh tế nhà nước cần đi đầu trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, sản xuất xanh, hạ tầng dữ liệu số… Đây đều là những lĩnh vực nền tảng cho tăng trưởng bền vững nhưng chưa đủ hấp dẫn đối với khu vực tư nhân do vốn lớn, rủi ro cao, thời gian thu hồi dài.
Để làm được điều này, cần hình thành các quỹ đầu tư chiến lược thuộc sở hữu nhà nước, hoạt động theo nguyên tắc thị trường và được quản trị chuyên nghiệp, nhằm rót vốn "mồi" vào những dự án có tiềm năng bứt phá, từ đó khơi thông dòng vốn tư nhân và thu hút đầu tư quốc tế.
Hai là, tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước theo hướng đổi mới sáng tạo. Doanh nghiệp nhà nước phải thoát khỏi tư duy làm ăn kiểu "ăn chắc, mặc bền", chỉ giữ vai trò duy trì thị phần và thu lợi nhuận ngắn hạn, bảo toàn vốn. Thay vào đó, phải được thiết kế lại như "doanh nghiệp kiến tạo" – nơi tích cực nghiên cứu, thử nghiệm mô hình mới, sản phẩm mới và công nghệ mới.
Để thúc đẩy điều này, Chính phủ cần quy định tỷ lệ tối thiểu ngân sách R&D trong doanh nghiệp nhà nước, đồng thời ban hành chỉ số đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo làm tiêu chí xếp loại hằng năm. Các doanh nghiệp có thành tích đổi mới xuất sắc phải được ghi nhận, tôn vinh và trao quyền tự chủ cao hơn.
Ba là, phát triển hạ tầng dữ liệu và cơ chế chia sẻ tri thức công. Những tài sản dữ liệu do nhà nước nắm giữ – như dữ liệu giao thông, đất đai, khí hậu, công nghiệp, dân cư – phải được số hóa và mở rộng quyền truy cập có kiểm soát cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, viện nghiên cứu và khu vực tư nhân, từ đó biến tài sản dữ liệu công thành nền tảng đổi mới toàn xã hội.
Cùng với đó, cần xây dựng các khu công nghệ đổi mới sáng tạo quốc gia, nơi doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò là "anchor tenant" – người dẫn đầu, hợp tác và chia sẻ hạ tầng, công nghệ, nhân lực với các doanh nghiệp nhỏ hơn trong chuỗi giá trị đổi mới.
Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước phải thể hiện ở khả năng mở đường, kiến tạo và dẫn dắt phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp môi trường, các ngành kinh tế xanh và tuần hoàn
Tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng và phát huy vai trò dẫn dắt thị trường
Kinh tế nhà nước không thể giữ vai trò chủ đạo nếu không góp phần xây dựng một thị trường lành mạnh, cạnh tranh công bằng và có khả năng dẫn dắt hệ sinh thái phát triển. Đây là điều kiện nền tảng để đảm bảo các nguồn lực trong nền kinh tế bao gồm vốn, lao động, công nghệ được phân bổ hiệu quả, không bị méo mó bởi đặc quyền hay đặc lợi.
Một là, chấm dứt cơ chế "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Kinh tế nhà nước chỉ có thể phát huy vai trò nếu được tách bạch rõ ràng với chức năng quản lý nhà nước. Không thể để tình trạng các bộ ngành vừa xây chính sách, vừa trực tiếp chỉ đạo hoặc hưởng lợi từ doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của mình. Việc này không chỉ gây xung đột lợi ích, mà còn tạo ra hệ sinh thái ưu ái phi thị trường, bóp méo cạnh tranh và làm suy yếu khu vực tư nhân.
Muốn giải quyết tận gốc, cần thiết lập cơ chế độc lập cho quản lý tài sản công và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước – thông qua một đầu mối chuyên trách, hoạt động minh bạch và chịu giám sát chặt chẽ của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và công chúng.
Hai là, xây dựng "sân chơi" có luật lệ nghiêm minh và công bằng. Mọi doanh nghiệp – bất kể thuộc sở hữu nhà nước hay tư nhân – đều phải tuân thủ cùng một hệ quy tắc về thuế, đầu tư, đấu thầu, đất đai, môi trường và trách nhiệm xã hội.
Ba là, chuyển từ thế độc quyền sang hợp tác – lan tỏa. Các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn, tiềm lực mạnh cần được định hướng phát triển theo mô hình "dẫn dắt chuỗi giá trị" – không chỉ kinh doanh vì lợi nhuận riêng, mà còn hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vệ tinh, các nhà cung ứng nhỏ và vừa, đặc biệt trong các ngành công nghiệp hỗ trợ và đổi mới sáng tạo.
Thay vì tận dụng vị thế để cạnh tranh không lành mạnh, doanh nghiệp nhà nước cần thực hiện vai trò chia sẻ, hợp tác và tạo hiệu ứng lan tỏa – đúng với sứ mệnh của một lực lượng kinh tế thuộc sở hữu toàn dân.
Trách nhiệm xã hội và môi trường (ESG) cần được coi là nghĩa vụ bắt buộc của mọi doanh nghiệp nhà nước
Đổi mới cơ chế đo lường hiệu quả và thiết lập hệ thống giám sát hiện đại
Một trong những nguyên nhân khiến kinh tế nhà nước chưa thể hiện rõ vai trò chủ đạo là do thiếu cơ chế đo lường hiệu quả rõ ràng và hệ thống giám sát thực chất. Nếu không đo được đúng, thì không thể quản lý đúng; nếu không giám sát được minh bạch, thì không thể kỳ vọng vào sự cải thiện hiệu quả.
Một là, chuyển từ "quản lý đầu vào" sang "đánh giá theo đầu ra". Thay vì chỉ tập trung vào các chỉ tiêu hình thức như doanh thu, tổng tài sản hay số lượng lao động, cần chuyển sang đánh giá hiệu quả theo đầu ra xã hội và giá trị tạo ra cho nền kinh tế. Các chỉ số cần thiết phải bao gồm:
1. Hiệu quả sử dụng vốn và tài sản công (ROA, ROE);
2. Mức độ đóng góp vào tăng trưởng GDP, tạo việc làm chất lượng cao;
3. Khả năng dẫn dắt đổi mới sáng tạo, đầu tư R&D, phát triển công nghiệp lõi;
4. Tác động lan tỏa đến khu vực tư nhân và năng lực chống chịu trước khủng hoảng.
Những tiêu chí này không chỉ đo lường hiệu quả kinh doanh, mà còn phản ánh vai trò chiến lược mà kinh tế nhà nước cần phải gánh vác.
Hai là, thiết lập hệ thống giám sát độc lập và công khai, như đã đề cập ở trên.
Việc công khai thông tin tài chính, hiệu quả hoạt động, trách nhiệm xã hội và môi trường (ESG) cần được coi là nghĩa vụ bắt buộc của mọi doanh nghiệp nhà nước. Sự minh bạch này không chỉ tạo ra áp lực cải thiện, mà còn khôi phục niềm tin xã hội đối với khu vực kinh tế nhà nước – vốn đang bị nghi ngờ do một số trường hợp yếu kém và thất thoát lớn.
Ba là, áp dụng công nghệ số và dữ liệu lớn để giám sát tài sản công. Tài sản quốc gia – bao gồm đất đai, vốn cổ phần, hạ tầng chiến lược – cần được số hóa, định danh, gắn mã quản lý và giám sát thời gian thực. Nền tảng dữ liệu này phải liên thông với các hệ thống của Kho bạc Nhà nước, Cục Thuế, Cục Đăng ký kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước… để giúp cơ quan giám sát có thể đánh giá rủi ro, truy vết dòng vốn và phát hiện sớm dấu hiệu thất thoát.
Việc áp dụng công nghệ số cũng là cách hiệu quả để kiểm soát xung đột lợi ích, chuyển giá và các hành vi thao túng tài sản công – những vấn đề vốn rất khó kiểm tra bằng thủ công.
Muốn đi xa phải có chiến lược, muốn đi nhanh phải có quyết tâm, và muốn đi đúng phải có nhận thức. Kinh tế nhà nước – nếu được "tái định hình" theo tinh thần mới, thể chế mới và phương thức vận hành mới – hoàn toàn có thể trở thành một cột trụ vững chắc cho một Việt Nam tự cường, đổi mới và phát triển phồn vinh trong thế kỷ XXI.
Theo TS. NGUYỄN SĨ DŨNG (Chính phủ)
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: