Hơn 10 giờ sáng, chiếc vỏ lải của Đồn BP Nhơn Hưng lạch tạch đưa tôi lên cánh đồng biên giới xã An Phú (Tịnh Biên, An Giang) để thăm các chốt phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Mặt nước kênh Vĩnh Tế mùa này đã ngầu đỏ phù sa. Mùi cỏ khô ngâm nước hắt lên mũi đánh thức khứu giác của tôi. Thiếu tá Đào Hồng Nam, Chính trị viên phó Đồn BP Nhơn Hưng, nhanh tay chỉ cho tôi những tổ, chốt nằm sát tuyến biên giới của lực lượng ta nhằm kiểm soát người nhập cảnh trái phép song song với công tác phòng, chống buôn lậu.
Giữa cánh đồng no gió thoắt hiện lên ngôi nhà gỗ nhỏ kiên cố đang trong giai đoạn hoàn thiện. Thiếu tá Đào Hồng Nam cho biết, đó là 1 trong 15 tổ, chốt phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Đồn BP Nhơn Hưng. Xác định cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 sẽ còn kéo dài nên việc kiên cố hóa các chốt này là rất cần thiết. Và cũng từ chốt phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ấy đã mang đến câu chuyện đẹp về tình quân - dân trong thời phòng, chống dịch bệnh.
Người dân đến thăm hỏi, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ các chốt phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên tuyến biên giới huyện Tịnh Biên
Chưa đi đến chốt nhưng tôi đã nghe tiếng người nói rôm rả. Trong đó, nổi bật lên hình ảnh ông lão tóc “muối tiêu” hướng dẫn các chiến sĩ dựng chốt. Ông là Đỗ Văn Nhẫn (người dân xã Nhơn Hưng) đã gắn bó với CBCS BĐBP từ thời chưa có dịch bệnh COVID-19. Anh em thân thiết gọi ông là chú Sáu Nhẫn.
Khi được hỏi lý do vì sao lại tham gia xây dựng chốt, chú Sáu Nhẫn chia sẻ: “Thấy anh em chiến sĩ vất vả ngày đêm phòng, chống dịch bệnh mà phải sống trong lều trại tạm, tôi thấy không yên tâm. Được các cấp lãnh đạo tạo điều kiện cất chốt kiên cố cho anh em, tôi rủ những thành viên trong đội cất nhà thiện nguyện của xã tham gia góp công với BĐBP. Xong chốt nào, tui mừng chốt nấy, bởi mùa nước tới rồi mà lều trại thấp vậy sao anh em ở được!”.
Khẩn trương kiên cố hóa các chốt trước khi mùa lũ đến
Giữa cái không khí xây cất tất bật ấy là nghĩa tình quân - dân nồng ấm. Họ chẳng phải người thân, họ hàng nhưng cùng nhau dựng từng cây cột, gác từng cây kèo, đóng từng vách tole để “làm tổ” cho những con người đang ngày đêm vất vả trường kỳ chống dịch.
Thiếu tá Võ Hoàng Nam, Chính trị viên Đồn BP Nhơn Hưng cho biết: “Chú Sáu Nhẫn và rất nhiều người dân địa phương luôn tích cực góp công, góp sức cùng chúng tôi chống dịch. Còn nhớ, các cô, chú đã âm thầm nấu nhiều món ăn như: cà ri, vịt nấu chao và nhiều món ngon khác mang lên cho anh em các tổ, chốt trong dịp Tết Đoan ngọ hoặc những ngày lễ trong năm. Dù chế độ ăn của anh em luôn được đảm bảo nhưng nhìn thấy tấm lòng người dân yêu thương mình mà ai cũng xúc động! Với điều kiện công tác xa nhà lại được ăn những món ngon trong ngày Tết Đoan ngọ, anh em đều cảm thấy ấm lòng và có thêm động lực cho chặng đường phía trước”.
Thời điểm tôi đến, chú Sáu Nhẫn với các thành viên khác trong đội cất nhà thiện nguyện mới dựng được 3 chốt kiên cố cho Đồn BP Nhơn Hưng và 1 chốt cho Đồn BP Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên. Chú khẳng định sẽ còn tham gia với BĐBP cho đến khi nào “không làm nổi nữa thì thôi”.
Dù điều kiện kinh tế gia đình không mấy dư dả nhưng chú Sáu Nhẫn và những người cùng chí hướng luôn sát cánh với CBCS các tổ, chốt vì mục tiêu cùng đẩy lùi dịch bệnh. “Các CBCS cố gắng phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là để bảo vệ cộng đồng thì người dân làm sao có thể ngồi yên nhìn anh em vất vả. Chuyện nấu cho anh em vài món ăn là để mọi người có thêm sức khỏe hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi người cùng đóng góp một chút, của ít lòng nhiều, chỉ mong sao anh em luôn vững lòng công tác vì sức khỏe của người dân”.
Những chốt kiên cố này sẽ dần thay thế các lều trại trong thời gian tới
Không riêng câu chuyện của chú Sáu Nhẫn với người dân xã Nhơn Hưng mà còn rất nhiều tấm lòng luôn đồng hành với CBCS đang làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới. Đó là những nhà hảo tâm đến tận nơi thăm hỏi CBCS, trao tận tay những thùng mì gói, những chai nước uống, nhu yếu phẩm để động viên anh em hoàn thành nhiệm vụ.
Thiếu tá Trương Quốc Hưng, Phó Đồn trưởng Đồn BP Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên nhớ lại: “Có những cô chú lặn lội lên đây thăm anh em lúc trời mưa gió mà cứ nằng nặc đòi ra đến chốt. Biên giới ngày mưa lầy lội, đi đứng khó khăn nhưng cũng cố mang cho bằng được quà tới chỗ anh em khiến chúng tôi rất xúc động. Chúng tôi làm nhiệm vụ được các cấp, ngành quan tâm, động viên thường xuyên và có thêm tình yêu thương của người dân thì không còn gì quý hơn!”.
Trong cuộc chiến trường kỳ phía trước, nghĩa tình của người dân dành cho lực lượng BĐBP, công an, quân sự, dân quân tự vệ luôn là động lực để các anh tiếp tục nỗ lực, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Một lần nữa, truyền thống quân với dân như cá với nước lại trở thành hình ảnh đẹp, mang đến niềm tin to lớn cho tất cả mọi người trong nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh!
THANH TIẾN