Tình trạng thiếu thuốc tại châu Âu có thể trở nên nghiêm trọng hơn

09/02/2023 - 08:01

Theo 13 hãng dược, 6 hiệp hội doanh nghiệp sản xuất thuốc cùng dòng và các nghiệp đoàn, nhiều hãng đang gặp khó khăn trong huy động đủ vốn để bảo đảm việc sản xuất kháng sinh, chưa kể tăng sản lượng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Tình hình tại châu Âu đang ngày càng trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi nhiều nước trên thế giới công bố tình trạng thiếu thuốc kháng sinh trong bối cảnh các bệnh đường hô hấp lại xuất hiện, sau khi các hạn chế nhằm kiểm soát dịch Covid-19 được dỡ bỏ.

Việc nhiều hãng dược tại châu Âu cho biết họ không sẵn sàng tăng công suất sản xuất do tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến chi phí tăng với mọi thứ, từ năng lượng cho các nhà máy đến giấy bì để đóng góp, hay nhôm để bọc lọ thuốc... khiến tình trạng thiếu thuốc có thể còn nghiêm trọng hơn nữa.

Theo 13 hãng dược và 6 hiệp hội doanh nghiệp sản xuất thuốc cùng dòng và các nghiệp đoàn, nhiều hãng đang gặp khó khăn trong việc huy động đủ vốn để bảo đảm việc sản xuất kháng sinh, chưa kể việc tăng sản lượng.

Tổng Giám đốc nhóm vận động "Thuốc cho châu Âu", Adrian van den Hoven, cho biết không thể duy trì giá bán dưới mức trần khi mọi chi phí sản xuất, logistics và chi phí theo quy định đang tăng ở mức hai con số trở lên.

Theo "Thuốc cho châu Âu", hiện thuốc cùng dòng chiếm khoảng 70% tổng số thuốc được phân phối ở châu Âu, nhưng chỉ nhận được 29% trong số tiền mà các cơ quan y tế quốc gia chi cho thuốc.

Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) và Ủy ban châu Âu (EC) đã nhiều lần làm việc với các hãng dược và các nghiệp đoàn kể từ tình trạng thiếu thuốc được đề cập tới lần đầu tiên vào tháng 10/2022, nhưng chưa có hành động đáng kể nào được thông báo.

Giám đốc phụ trách y tế của EMA, Steffen Thirstrup cho biết các thuốc thay thế có thể tạm thời được sử dụng khi thiếu amoxicillin.

EC dự kiến sẽ thảo luận về những sửa đổi đối với Luật Dược phẩm vào tháng 3.

Theo TTXVN