Tổ chức lễ hội truyền thống đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử và văn hóa

31/12/2022 - 10:20

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các địa phương tăng kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội, đảm bảo vui tươi, lành mạnh, phù hợp thuần phong mỹ tục.

Cung nghinh Thượng tọa Thích Minh Hiền và Chư Tôn Đức tăng ni ra lễ đài khai mạc khai hội chùa Hương. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết Bộ đã ban hành công văn số 5256/ BVăn hóa, Thể thao và Du lịch-VP về việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch mừng Xuân Quý Mão 2023.

Bảo đảm nhân dân đón Tết vui tươi

Trong công văn nêu rõ thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 18/11/2022 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023 và Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai một số nội dung.

Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cần quán triệt, thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 19-CT/TW và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 22/CT-TTg.

Các đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực được giao theo dõi, quản lý; chỉ đạo, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn, tiết kiệm cho người dân, bảo đảm nhân dân được đón Tết vui tươi, đầm ấm, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Mặt khác, các bên liên quan cần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phát huy truyền thống đại đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của công chức, viên chức, người lao động có điều kiện vui xuân, đón Tết.

Đặc biệt, các đơn vị cần quan tâm chăm lo cho các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức thăm hỏi, chúc Tết thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sỹ.

Trong công văn cũng nêu rõ việc không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; chỉ dự lễ chùa, lễ hội khi được phân công; không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định.

Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng phải thật sự nêu gương trong việc thực hiện vui xuân, đón Tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch COVID-19.

Cục Văn hóa cơ sở cần chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân và các hoạt động tổ chức lễ kỷ niệm, ngày thành lập, ngày truyền thống trong dịp Xuân Quý Mão 2023.

Đơn vị cũng cần hướng dẫn các địa phương tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính, mê tín dị đoan; theo dõi, tổng hợp tình hình tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền cổ động, lễ hội.

Thanh tra Bộ tiến hành tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán bảo đảm vui tươi, lành mạnh, phù hợp với thuần phong, mỹ tục, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, thu lợi bất chính.

Tổng cục Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch triển khai biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch; tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch và phương tiện phục vụ khách du lịch, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm.

Vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh khi đi lễ hội

Đối với các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân, tạo nhiều sân chơi bổ ích tại các khu vui chơi, giải trí, các trung tâm sinh hoạt cộng đồng phục vụ nhân dân với tinh thần vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Các thuyền rồng tham gia Lễ hội truyền thống Thánh Quý Minh đại vương tại Ninh Bình. (Ảnh: Đạt Vũ/Vietnam+)

Đơn vị chức năng ở địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội, kinh doanh dịch vụ văn hóa, quảng cáo trong dịp Tết Nguyên đán đảm bảo vui tươi, lành mạnh, phù hợp với thuần phong mỹ tục và phong tục tập quán của từng địa phương.

Với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, địa phương cần thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định, bảo đảm các hoạt động lễ hội, vui xuân, kỷ niệm ngày truyền thống... thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương.

Việc tổ chức lễ hội truyền thống phải theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa, phù hợp với thuần phong mỹ tục; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.

Mặt khác, các đơn vị chức năng cần phát huy tính tích cực, sáng tạo của nhân dân trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa giáo dục của lễ hội, di tích; vận động, thuyết phục người dân, du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội.

Các địa phương cần quản lý chặt chẽ hoạt động đăng ký và thông báo tổ chức lễ hội trên địa bàn.Đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch, phương án chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng mọi điều kiện để lễ hội diễn ra đảm bảo an toàn, không để xảy ra sai sót; bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy, nổ, vệ sinh môi trường; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông; an toàn sông nước; đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội.

Lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc; tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm tràn lan gây tốn kém, lãng phí.

Lãnh đạo các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn, quyết định việc tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão phù hợp với điều kiện, khả năng của địa phương, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, không sử dụng ngân sách nhà nước.

Các bên liên quan hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, tăng giá, ép giá; tăng cường quản lý và kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch và phương tiện phục vụ khách du lịch.

Theo PV (TTXVN/Vietnam+)

 

Liên kết hữu ích