Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Phường Bình Đức (TP. Long Xuyên) Nguyễn Ngọc Liễu cho biết: “Với tinh thần tương thân tương ái, hàng xóm láng giềng giúp đỡ nhau mỗi khi hữu sự, nên các phong trào tình nguyện ở địa phương luôn được người dân nhiệt tình hưởng ứng.
Đặc biệt, từ vụ sạt lở năm 2012, Hội Chữ thập đỏ phường đã huy động trên 80 tình nguyện viên tham gia di dời khẩn cấp cho 77 hộ đến nơi an toàn. Đó chính là cơ sở để Hội Chữ thập đỏ phát triển thêm các tổ cứu hộ, cứu nạn và phòng ngừa thảm họa. Phường đã xây dựng những chốt cứu nạn trên sông, sẵn sàng ứng phó tai nạn giao thông, tai nạn đuối nước.
Mới đây, Hội Chữ thập đỏ phường phối hợp với Đảng ủy, UBND, Công an phường thành lập Tổ phòng cháy, chữa cháy Hội Chữ thập đỏ phường, nhằm ứng phó nhanh với hỏa hoạn trước khi lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp đến.
Các thành viên Tổ phòng cháy, chữa cháy
Đội phó Đội cứu hộ phòng, chống thiên tai khóm Bình Đức 1 Nguyễn Thành Bé chia sẻ: “Nỗi lo lớn nhất của anh, em chúng tôi bây giờ là tình trạng hỏa hoạn thường xuyên xảy ra, nhất là đối với những bà con nghèo nhà ở chưa được xây dựng kiên cố, chủ yếu là nhà gỗ, tre lá. Hơn nữa, với mật độ dân cư ngày càng đông đúc, nhà ở trong các hẻm nhỏ, hẻm sâu nên khi xảy ra hỏa hoạn, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp không thể đưa các phương tiện vào chữa cháy. Từ vụ hỏa hoạn thiêu rụi hoàn toàn 2 căn nhà tại tổ 30, khóm Bình Đức 6, xảy ra vào 30 Tết năm rồi, chúng tôi đã nhận ra, chính nhờ các phương tiện nhỏ gọn, tại chỗ của những người dân gần đó mới có thể di chuyển dễ dàng vào trong hẻm nhỏ, khống chế đám cháy trước khi lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường.
Do vậy, các anh, em đã họp bàn nhau cùng vận động các nhà hảo tâm đóng góp mua một máy bơm đã qua sử dụng, công suất 28 mã lực, ống dây 500m, vòi phun nước, bình dập lửa bằng tay lưu trữ sẵn tại nhà kho thuộc khóm Bình Đức 1. Các anh, em trong số 36 tình nguyện viên trong đội có nhà ở gần khu vực nhà kho, ngay khi xảy ra sự cố hỏa hoạn, các anh, em sẽ dễ dàng tập hợp và di chuyển máy móc đến hiện trường ứng phó”.
Kiểm tra máy và tập dợt thường xuyên
Ý tưởng thành lập Tổ phòng cháy, chữa cháy phù hợp với phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn của Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ) nên được Công an phường Bình Đức đồng tình ủng hộ. Cùng với đó, Công an phường đã có buổi tập huấn về kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng sơ cấp cứu, kỹ năng thoát hiểm cho các tình nguyện viên.
“Khi mọi thứ đã sẵn sàng, nhiệm vụ của chúng tôi giờ là thông báo số điện thoại cho người dân như: số điện thoại Công an phường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường (0973.824.689) hay đội trưởng (0377.969868), đội phó (079.444.2790) để khi xảy ra hỏa hoạn người dân thông báo, chúng tôi sẽ nhanh chóng huy động anh, em tác nghiệp.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn thường xuyên kiểm tra máy móc, vận hành thử máy, đảm bảo đầy đủ nhiên liệu để khi xảy hỏa hoạn không phải lúng túng, không thực hiện được nhiệm vụ chữa cháy” - Đội trưởng Đội cứu hộ phòng, chống thiên tai khóm Bình Đức 1 Trương Văn Bũng cho biết.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ngô Văn Sở đánh giá: “Đây là mô hình rất hay, sáng tạo và nhân văn. Bởi thiên tai, hỏa hoạn luôn là những hiểm họa rình rập và đe dọa tính mạng, tài sản của con người.
Với tổ tình nguyện chữa cháy tại chỗ sẽ góp phần làm giảm thiệt hại trong các vụ hỏa hoạn, mang lại đời sống yên bình cho người dân. Chúng tôi mong muốn ngày càng có thêm những tấm lòng nhân ái cùng chung tay xây dựng các hoạt động thiết thực tại địa phương, nhất là các hoạt động gắn liền với an sinh xã hội, vì cuộc sống an toàn, ấm no và phát triển của cộng đồng”.
Bài, ảnh: NGỌC GIANG