Toàn thế giới đã ghi nhận trên 124,4 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2

24/03/2021 - 08:03

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h15 ngày 23-3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 124.438.989 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.738.204 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 100.385.282 người.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Tripoli, Liban ngày 22-3-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 30.580.794 ca mắc, trong đó có 556.014 ca tử vong. Tiếp đó là Brazil với 12.051.619 và 295.685 ca tử vong. Đứng thứ ba là Ấn Độ với 160.287 ca tử vong trong số 11.694.430 ca nhiễm. Nước này cũng ghi nhận thêm 8.100 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, trong khi Mỹ là 3.832 ca.

Tuy nhiên, xét về khu vực, hiện châu Âu là lục địa có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới với 37.829.065 ca mắc sau khi ghi nhận thêm 83.482 ca nhiễm mới. Số ca tử vong tại châu Âu là 883.419 ca. Đáng nói, Ba Lan và Ukraine là hai nước có số ca mắc mới nhiều nhất lần lượt là 16.741 và 11.476 ca. Bắc Mỹ là khu vực xếp thứ hai với 35.169.590 ca mắc và 804.895 ca tử vong. Châu Á đứng thứ ba với 27.132.945 ca nhiễm virus và 417.73 ca tử vong. Đứng thứ tư là Nam Mỹ với 20.102.800 ca nhiễm và và 520.316 ca tử vong. 

Diễn biến dịch trên toàn cầu đã có phần tiến triển tích cực hơn khi các nước triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ trích tình trạng gia tăng khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo xét về số lượng vaccine đã sử dụng, đồng thời gọi tình trạng bất công trong hoạt động tiêm chủng hiện nay "gây phẫn nộ trên khía cạnh đạo đức". 

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết khác biệt về lượng vaccine ngừa COVID-19 tiêm chủng tại các nước giàu và nghèo gia tăng từng ngày và ngày càng trở nên phi lý khi nhiều nước giàu tiêm vaccine  cho những người trẻ tuổi ít nguy cơ mắc biến chứng nặng, trong khi nhiều người dễ bị tổn thương ở các nước nghèo không có vaccine để tiêm chủng.

Theo số liệu tổng hợp của AFP, hơn 455 triệu liều vaccine đã được sử dụng để tiêm chủng tại 162 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. 56% trong số đó đã được tiêm chủng tại các nước có thu nhập cao chỉ chiếm 16% dân số toàn cầu, trong khi chỉ có 0,1%  được tiêm chủng tại 29 nước có thu nhập thấp nhất thế giới vốn tập trung 9% dân số thế giới.

Trong khi đó, Tây Ban Nha đã quyết định tăng độ tuổi giới hạn tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca, từ 55 tuổi lên 65 tuổi. Theo Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Carolina Darias, quyết định điều chỉnh độ tuổi tiêm chủng vaccine đã được đưa ra 2 ngày sau khi nước này khôi phục sử dụng vaccine của AstraZeneca cho chương trình tiêm chủng của nước này theo khuyến nghị của Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) liên quan đến những lo ngại về phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine loại này. EMA khẳng định vaccine của AstraZeneca "an toàn và hiệu quả" trong phòng chống dịch COVID-19.

Trước những nghi ngờ về mức độ an toàn của vaccine ngừa COVID-19, ngày 23/3, AstraZeneca thông báo trong vòng 48 giờ tới, hãng này sẽ công bố thêm các dữ liệu về các cuộc thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 của hãng tại Mỹ. Động thái này của AstraZeneca như nhằm trấn an nhà chức trách Mỹ sau khi Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia của Mỹ (NIAID) nghi ngại rằng AstraZeneca có thể đã gộp cả những thông tin cũ từ cuộc thử nghiệm đó, đưa ra đánh giá không toàn diện về mức độ hiệu quả của vaccine.

Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) cũng xác nhận AstraZeneca cũng sẽ cung cấp cho cơ quan quản lý châu Âu dữ liệu  cuộc thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 của hãng này tại Mỹ và để ngỏ khả năng điều chỉnh đánh giá về số mũi tiêm cần thiết nếu có thông tin mới.

Tại Pháp,  Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng là trọng tâm của cuộc chiến chống dịch COVID-19. Ông  Macron nêu rõ chiến dịch tiêm chủng cũng sẽ được triển khai trong các ngày lễ và cuối tuần và trong cả ngày lẫn đêm. Theo nhà lãnh đạo Pháp, tốc độ tiêm chủng sẽ được thay đổi từ tháng 4 tới.

Tuy vậy, một số nước trên thế giới vẫn duy trì các biện pháp phòng dịch nhằm chặn đứng nguy cơ dịch bùng phát.  Chính phủ Phần Lan thông báo sẽ gia hạn việc đóng cửa các nhà hàng và quán bar cho đến ngày 18/4 nhằm đối phó với sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Tại Anh, những người từ vùng England cố tình ra nước ngoài mà không có lý do chính đáng trước cuối tháng 6 tới sẽ phải chịu mức phạt 5.000 bảng (6.900 USD). Theo Bộ trưởng Y tế Matt Hancock, kế hoạch ban đầu của chính phủ là xem xét việc đi lại quốc tế vào tháng 4 và có thể cho phép điều này từ ngày 17/5. Tuy nhiên, mức phạt này đã được đưa ra đề phòng trường hợp mốc thời gian này không thực hiện được. 

Tại Ukraine, Bộ trưởng Y tế nước này tuyên bố tất cả những người tới Ukraine kể từ ngày 23/3 sẽ phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Những tuần gần đây, số ca mắc mới COVId-19 tại Ukraine đã tăng mạnh. Trong ngày 23/3, quốc gia Đông Âu này thông báo đã ghi nhận tới 333 ca tử vong do mắc COVID-19 - mức cao nhất từ trước tới nay. 

Tại Nam Phi, công dân nước này phải đối mặt với 120 hạn chế nghiêm ngặt và 97 hạn chế vừa phải, bao gồm các quy trình xét nghiệm và cách ly bắt buộc khi nhập cảnh nước ngoài. Chỉ có 9 quốc gia được đánh giá là có “hạn chế thấp” đối với khách du lịch từ Nam Phi. 

Cùng ngày, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cảnh báo số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục gia tăng "một cách nguy hiểm" tại khắp Brazil. Giám đốc PAHO Carissa Etienne đồng thời hối thúc người dân quốc gia Nam Mỹ này tuân thủ các biện pháp phòng dịch nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh. Bà cho biết thêm tình hình dịch bệnh nghiêm trọng tại Brazil còn ảnh hưởng đến các nước láng giềng. Theo quan chức này, số ca mắc mới đang gia tăng tại bang Bolivar và Amazonas của Venezuela, giáp ranh với Brazil, và tại khu vực biên giới giữa Peru và Bolivia.

Theo THANH HƯƠNG (TTXVN)