Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại một bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 603.409 ca tử vong trong tổng số 33.862.557 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 26.289.290 ca nhiễm, trong đó 295.525 ca tử vong. Đứng thứ 3 là Brazil với 15.976.156 ca nhiễm, trong đó 446.527 ca tử vong.
Tại khu vực châu Á, ngày 22-5, Campuchia ghi nhận thêm 488 ca mắc mới, trong đó 473 ca lây nhiễm cộng đồng, và 2 ca tử vong. Tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 24.645 ca mắc COVID-19, trong đó 17.164 người đã hồi phục và 167 người tử vong.
Mặc dù số ca mắc COVID-19 tại Campuchia vẫn ở mức cao, nhưng tối 21-5, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng ra thông báo từ ngày 22-5 bắt đầu dỡ bỏ lệnh giới nghiêm phòng, chống dịch (được áp dụng từ ngày 1-4 vừa qua) tại “Khu vực Vàng” thuộc thủ đô, đồng thời dỡ bỏ lệnh cấm bán đồ uống có cồn đó à cho phép các hoạt động kinh doanh như phục vụ cà phê, nhà hàng được phục vụ khách tại chỗ trên cơ sở tuân thủ các biện pháp phòng dịch.
Tuy nhiên, một số hoạt động kinh doanh như câu lạc bộ giải trí, sòng bạc, quán karaoke, quán bar, rạp chiếu phim, cơ sở massage, trung tâm thể thao, phòng triển lãm nghệ thuật, bảo tàng vẫn đóng cửa cho tới khi có thông báo mới.
Cùng ngày, Bộ Y tế Lào cho biết nước này ghi nhận 19 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca lây nhiễm cộng đồng, đồng thời cảnh báo về tình trạng số ca F0 không thể truy dấu ngày càng tăng trong tuần qua. Đại diện Bộ Y tế Lào cũng cho biết dịch bệnh đã lây lan ra cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn, do vậy người dân phải tăng cường cảnh giác, tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh, nếu không có việc cấp thiết, không nên rời khỏi nhà. Tính đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.782 ca bệnh, trong đó đã chữa khỏi cho 1.025 người và 2 trường hợp tử vong.
Nhân viên y tế kêu gọi người dân tiêm chủng ngừa COVID-19 tại tỉnh Narathiwat, Thái Lan, ngày 22-5-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Thái Lan, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) đã gia hạn việc đóng cửa các trường học tại 4 tỉnh thuộc diện kiểm soát tối đa và nghiêm ngặt (vùng Đỏ sẫm) là Bangkok, Nonthaburi, Pathum Thani và Samut Prakan để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Các lớp học tại đây sẽ được thực hiện theo hình thức trực tuyến và trên các kênh truyền hình giáo dục. Đối với 17 tỉnh thuộc vùng kiểm soát tối đa (vùng Đỏ), ban giám hiệu các trường học phải xin phép ủy ban về bệnh truyền nhiễm của tỉnh để mở cửa trở lại.
Chính phủ Malaysia cũng đã quyết định đưa ra một số biện pháp hạn chế bổ sung nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh đang tăng mạnh tại quốc gia Đông Nam Á này. Theo đó, chính phủ yêu cầu nghiêm túc tuân thủ lệnh làm việc tại nhà, giới hạn khung giờ hoạt động của các doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 25-5. Theo quy định mới, 80% công chức (tương đương khoảng 750.000 người) và 40% nhân viên làm việc trong lĩnh vực tư nhân (khoảng 6 triệu người) sẽ làm việc tại nhà.
Các phương tiện giao thông công cộng như LRT và xe buýt chỉ được phép hoạt động với 50% sức chứa hành khách và tần suất hoạt động cũng sẽ giảm. Bên cạnh đó, các trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện ích, trạm xăng dầu (trừ đường cao tốc) chỉ được hoạt động từ 8h0 đến 20h so với khung giờ từ 6h đến 22h như trước đây. Hiện tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước này tăng lên 505.115 người, trong đó số người tử vong là 2.199 người.
Tình hình dịch bệnh tại Sri Lanka cũng diễn biến hết sức phức tạp. Ngày 22-5, nước này ghi nhận số người tử vong là 44 người - cao nhất trong vòng một ngày từ trước tới nay, nâng tổng số người không qua khỏi lên 1.133 người. Tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Sri Lanka là 158.333 người. Với số lượng ca nhiễm và tử vong mới tăng nhanh trong thời gian gần đây khiến các bệnh viện tại Sri Lanka rơi vào tình trạng quá tải, giới chức nước này đã phải áp đặt lệnh hạn chế đi lại trên toàn lãnh thổ. Theo đó, chỉ những công nhân trong các lĩnh vực thiết yếu, nhân viên y tế, xe tải chở thực phẩm, hiệu thuốc mới được phép làm việc. Giới chức cũng yêu cầu người dân ở trong nhà, không ra ngoài nếu không thật sự cần thiết, tuân thủ các quy định về đeo khẩu trang và giãn cách.
Tại châu Âu, Viện Robert Koch của Đức đã đưa Anh vào danh sách khu vực bùng phát biến thể, theo đó yêu cầu những người đến từ Anh phải cách ly trong vòng 2 tuần sau khi nhập cảnh, số ca nhiễm biến thể xuất hiện tại Ấn Độ đang gia tăng tại Anh. Quyết định có hiệu lực từ 22h ngày 22-5 (theo giờ GMT), áp dụng với mọi hành khách đến từ Anh, kể cả những người có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, những người đã được tiêm đầy đủ vaccine và những người đã hồi phục sau khi mắc COVID-19. Chỉ công dân Đức và người sinh sống tại Đức trở về từ Anh được phép nhập cảnh. Các công ty vận tải hành khách đường hàng không, đường sắt và xe buýt không được phép chở các hành khách khác từ Anh đến Đức.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Sao Leopoldo, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại châu Mỹ, số ca tử vong do đại dịch COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe đã vượt mốc 1 triệu vào ngày 21-5 (giờ địa phương). Kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, khu vực Mỹ Latinh và Caribe (gồm 29 quốc gia) đã ghi nhận hơn 31,5 triệu người mắc bệnh, trong đó có 1.001.781 ca tử vong - chiếm gần 30% tổng số ca tử vong trên toàn cầu. Gần 89% số ca tử vong này tập trung ở 5 quốc gia, gồm Brazil (44,3%), Mexico (22,1%), Colombia (8,3%), Argentina (7,3) và Peru (6,7%). Trong khi đó, Trung Mỹ ghi nhận 3% tổng số ca tử vong và khu vực Caribe ghi nhận 1%.
Tổng thống Argentina Alberto Fernandez đã thừa nhận quốc gia này đang phải đối mặt "thời điểm tồi tệ nhất" của đại dịch COVID-19. Để ngăn chặn chuỗi lây lan của dịch bệnh, Argentina đã áp đặt lệnh phong tỏa trên cả nước trong vòng 9 ngày kể từ ngày 22-5. Trong khi đó, Chính phủ Colombia quyết định ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài đã ở Ấn Độ trong 14 ngày gần nhất để ngăn chặn sự lây lan của các biến thể virus SARS-CoV-2. Quyết định này sẽ có hiệu lực cho đến hết tháng 6 tới. Theo Bộ Y tế Colombia, các công dân nước này trở về từ Ấn Độ sẽ được phép nhập cảnh, song phải tuân thủ các thủ tục y tế nghiêm ngặt hơn và phải cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày.
Theo Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO), khu vực Mỹ Latinh đang thiếu nguồn cung vaccine ngừa bệnh COVID-19 cũng như vật tư y tế cần thiết trong cuộc chiến chống đại dịch này. Khu vực này hiện mới chỉ hoàn tất tiêm chủng cho 3% dân số.
Theo TRẦN QUYÊN (TTXVN)