Với đồng bào Tày, Thái, Nùng thì Then là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, một loại hình âm nhạc dân gian độc đáo. Trải qua nhiều thăng trầm, thậm chí bị bài trừ trong một thời gian dài, xong Then vẫn âm thầm tồn tại như một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Tày, Thái, Nùng.
Then - Điệu hát của thần tiên
Theo nhiều nhà nghiên cứu, “Then” là thiên, trời. Vì thế, hiểu theo ngôn ngữ của đồng bào thì điệu hát Then là điệu của hát thần tiên, của nhà trời ban tặng nhân gian.
Các nghệ nhân Then tỉnh Lạng Sơn đang chuẩn bị các tiết mục tham gia Liên hoan nghệ thuật hát Then-đàn Tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái toàn quốc lần thứ VI năm 2018. Ảnh: Ngọc Tùng/TTXVN
Theo Nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu (Hội Nhạc sỹ Việt Nam): Chủ nhân của Then là đồng bào Tày, Nùng, Thái, họ sáng tạo ra Then để được sống trọn cả vòng đời trong không gian Then. Then vừa là sản phẩm tâm linh mang tính sử liệu về đời sống văn hóa xã hội tộc người, vừa là tinh hoa đúc kết truyền đời của một nghệ thuật dân gian tích hợp các loại hình văn học, âm nhạc, múa, sân khấu, hội họa. Những người thực hiện Then đều là dân lao động, họ nắm vững phong tục tập quán, trực tiếp tiến hành những nghi lễ quan trọng cho cộng đồng, cá nhân ở các cột mốc chính của đời người. Vì thế, Then được khẳng định là “bắt nguồn từ cuộc sống lao động của nhân dân”.
Nhân vật quan trọng nhất của một cuộc Then là ông Then bà Then. Họ là nghệ nhân đa năng đa tài, biết đàn, hát, múa, diễn trò, nhập đồng, được cộng đồng tín nhiệm cả về năng lực và phẩm chất đạo đức... Còn người xem cũng không chỉ thụ động hưởng thụ mà cũng tham gia tương tác, đối đáp với ông Then, bà Then.
Di sản Then có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Đặc biệt, đối với các dân tộc Tày, Nùng, Thái, di sản Then vẫn luôn được yêu thích, sử dụng trong đời sống hàng ngày lẫn đời sống tâm linh. Then ở mỗi địa phương lại có phong cách riêng, độc đáo. Lời hát Then cũng có nhiều bài bản, làn điệu. Then Cao Bằng dìu dặt tha thiết. Then Lạng Sơn tươi vui, rộn ràng. Then Tuyên Quang dồn dập như thúc quân ra trận. Then Hà Giang nhấn nhá từng tiếng một. Then Bắc Kạn như chuyện kể thầm thì…
Phụ họa cho lời hát Then là chiếc đàn dây Tính tẩu và chùm nhạc xóc gọi là Hính Mạ - Nhạc Ngựa. Tính Tẩu có nghĩa là đàn bầu vì hộp đàn làm bằng quả bầu khô, còn “Tính” có nghĩa là “đàn”. Nhà nghiên cứu âm nhạc, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Hoành Loan cho biết: Ngoài tên gọi “Tính Tẩu” thì đồng bào gọi nhạc cụ ấy là “Then Tính” (cây Đàn Then) hoặc có thể hiểu nó là cây đàn mà Trời đã ban cho đồng bào. Không có hát, không có đàn tính, không có xóc nhạc đệm cho hát trong quá trình hành lễ thì không gọi là Then. Đây là điều nổi trội về nghệ thuật làm cho Then trở thành hình thức diễn xướng có sức hấp dẫn rất lớn trong đời sống người Tày, Nùng, Thái.
Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trong nhiều cuộc hội thảo về Then đều khẳng định rằng: Nếu gạt bỏ những yếu tố mê tín đối về việc chữa bệnh thì Then là một không gian văn hóa dân tộc, một tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian đa dạng, vừa phản ánh, mô tả, gửi gắm những lời nhắn nhủ của ông cha. Có thể tìm thấy trong Then không chỉ các thể thơ dân tộc, mà còn cả những biện pháp tu từ, ẩn dụ… của nghệ thuật ngôn từ; làn điệu của tầng dân ca, dân nhạc, điệu múa cổ xưa nhất…
Từ những làn điệu Then quen thuộc của đồng bào Tày, Nùng, Thái, nhiều nhạc sỹ người dân tộc thiểu số đã viết thành các ca khúc. Sáng tác của họ đã đưa Then từ không gian nghi lễ đến không gian sân khấu, đem lại nhiều hứng thú cho không ít khán, thính giả. Có thể kể đến ca khúc “Lập xuân” của tác giả Nông Viết Toại; nhạc sĩ Hoàng Hoa Cương viết “Trăng soi đường Bác”, “Phua bộ đội, mìa dân quân” (chồng bộ đội, vợ dân quân); tác giả Đinh Quang Khải với “Khảm khắc cáng lò” (Tiếng chim khảm khắc)… Điển hình, bài hát “Đi học” của nhạc sĩ Bùi Đình Thảo (phổ thơ Minh Chính) quen thuộc với thiếu nhi cũng được viết dựa trên làn điệu Then…
Bảo vệ, tôn vinh Then trong đời sống đương đại
Liên hoan hát Then - đàn Tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái toàn quốc lần thứ VI năm 2018 sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 14-5 tại Hà Giang. Đây là hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch có quy mô toàn quốc nhằm tôn vinh, gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc gắn bó với đời sống của các dân tộc Tày - Nùng - Thái, có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh Việt Nam đã đệ trình hồ sơ “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” lên Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ tháng 3-2017.
Liên hoan có sự tham gia của 14 tỉnh, thành phố có đông đồng bào dân tộc Tày - Nùng - Thái sinh sống và có loại hình nghệ thuật hát Then, đàn Tính. Hoạt động này không chỉ góp phần phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân các vùng có nghệ thuật hát Then, đàn Tính, mà còn tạo cầu nối giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa nghệ nhân, diễn viên các dân tộc Tày - Nùng - Thái. Liên hoan còn là dịp giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh Hà Giang đến với du khách trong và ngoài nước thông qua các tour du lịch đến thăm Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; thăm ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Xín Mần; thăm làng Văn hóa du lịch cộng đồng….
Tại Liên hoan, nhiều làn điệu Then, hình thức hát Then, múa Then, tấu Then sẽ được giới thiệu như: Then cổ, Then cải biên, ca khúc sáng tác dựa trên chất liệu Then... Liên hoan đề cao vai trò chủ thể văn hóa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố tiến bộ của thời đại; gắn hoạt động văn hóa thể thao với quảng bá tiềm năng thu hút phát triển du lịch của các địa phương. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, Trưởng ban Chỉ đạo Liên hoan cho biết: Bộ đã yêu cầu các địa phương phải bám sát nội dung chủ đề Liên hoan, không đưa vào Liên hoan những nội dung lệch lạc, làm biến tướng giá trị di sản văn hóa…
Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng nêu rõ: Các hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể Then đã và đang được thực hiện. Trong đó có việc kiểm kê nhận diện, tư liệu hóa di sản; sưu tầm, thu thanh, ghi hình tư liệu do các thầy Then cao tuổi thực hiện; dịch thuật, in ấn phẩm Then; sưu tầm hiện vật liên quan đến Then để trưng bày, phát huy giá trị tại các bảo tàng địa phương. Ngoài ra, nhiều lớp truyền dạy hát Then, đàn Tính và nghi lễ Then cũng được thực hiện tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật của các tỉnh có di sản này; thậm chí ở cả các tỉnh có sự lan tỏa của Then. Đặc biệt, việc kiểm kê Then không dừng ở kiểm đếm nghệ nhân mà là nhận diện sức sống của di sản để có biện pháp bảo vệ thiết thực, phù hợp…
Qua nhiều năm tổ chức có thể thấy rằng, Liên hoan hát Then - đàn Tính đã trở thành một hình thức sinh hoạt Liên hoan nghệ thuật cộng đồng, thu hút nhiều người dân tham gia. Đây cũng là một cách thức thiết thực để góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị của Then trong đời sống văn hóa Việt Nam đương đại.
Theo THANH GIANG (TTXVN)