Cuộc gặp dự kiến vào ngày 16-7 tới tại thủ đô Helsinki, Phần Lan có thể khiến một số đồng minh của Mỹ lo ngại. Sự ủng hộ của Nga đối với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, mà Mỹ và các đồng minh phương Tây cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường, là một trong những nút thắt chính trong mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Nga.
Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP
Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, chắc chắn Syria là trọng tâm của các cuộc thảo luận, cùng với các vấn đề gây tranh cãi khác. Đây sẽ là cuộc gặp lần thứ 3 giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ, song lại là Hội nghị thượng đỉnh chính thức đầu tiên.
Tổng thống Donald Trump có thể nêu vấn đề Nga bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, mà kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ đã dẫn tới việc nước này gia tăng các biện pháp trừng phạt nặng nề với Nga hồi tháng 4 vừa qua.
Trước đây, các biện pháp trừng phạt chống Nga dưới thời chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama chủ yếu là liên quan tới việc Nga sáp nhận bán đảo Crimea ồi năm 2014, cũng như vai trò của nước này trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo ông Dmitry Peskov, nếu vấn đề liên quan cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ được đưa ra, Tổng thống Vladimir Putin chắc chắn sẽ một lần nữa nhắc lại lập trường rằng, Nga không thể và không có liên quan đến những vấn đề nội bộ của nước Mỹ. Ông Peskov cũng nhấn mạnh, Tổng thống Putin sẵn sàng tiến tới bình thường hóa quan hệ với Mỹ, nếu Mỹ cũng cho thấy một thiện chí như vậy.
Dự kiến, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào ngày 11 và 12-7 tới và chuyến thăm Anh sau đó.
Thông tin về cuộc gặp đã bị các thành viên của đảng Dân chủ đối lập chỉ trích mạnh mẽ, mô tả đây như một món quà cho điện Kremlin và bày tỏ lo ngại về những gì mà Tổng thống Donald Trump có thể nhượng bộ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, không nên quá hào hứng về những gì mà hội nghị thượng đỉnh này có thể mang lại. Tuy nhiên, theo giới phân tích, bản thân việc hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ có thể gặp nhau đã là một bước tiến lớn cho mối quan hệ hai bên, vốn đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh./.
Theo THU HOÀI (VOV)