Công nhân lao động Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng tại khu Công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Ngày 7-11, Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện có trên 95,9% doanh nghiệp (1.355/1412) tại 17 khu chế xuất, khu công nghiệp đã hoạt động trở lại sau hơn 1 tháng thực hiện nới lỏng giãn cách.
Tổng số người lao động đã trở lại làm việc đạt tỷ lệ 80% với hơn 230.500 người; trong đó, có nhiều doanh nghiệp đạt từ 95-100% số lao động trở lại nhà máy, xí nghiệp.
Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp đang thực hiện bổ sung nguồn lao động để lấp đầy các dây chuyền sản xuất.
Nhiều nhà máy, xí nghiệp đang tăng tốc hoạt động nhằm đáp ứng nguồn cung hàng hóa và giải quyết các đơn hàng cho đối tác trong và ngoài nước còn tồn đọng, đồng thời nỗ lực hoàn thành các đơn hàng cuối năm.
Ông Hứa Quốc Hưng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, số lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc F0 đã khỏi bệnh đạt tỷ lệ 94,4%.
Điều này cho thấy, lực lượng lao động đã hoàn toàn đủ điều kiện, đảm bảo nguồn nhân lực hiện hữu để đẩy mạnh hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới.
Các doanh nghiệp cũng đã ngưng hoạt động sản xuất, kinh doanh theo phương án "3 tại chỗ" hay "1 cung đường 2 điểm đến" mà thay vào đó là phương thức sản xuất, kinh doanh an toàn.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các phương án phòng, chống dịch COVID-19 trong điều kiện bình thường mới; kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố.
Nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động xây dựng phương án tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo an toàn theo hướng dẫn của ngành y tế, có cam kết về phòng, chống dịch tại nơi làm việc như đăng ký và thực hiện quét mã QR (trên thiết bị di động thông minh hoặc in trên giấy) cho toàn bộ người lao động.
Người đến liên hệ công tác, làm việc, giao dịch, sử dụng ứng dụng của thành phố như Y tế HCM/Sổ sức khỏe điện tử (hoặc ứng dụng PC-Covid) để kiểm soát và tổ chức hoạt động; các doanh nghiệp cũng thiết lập khu vực cách ly tạm thời F0 để khi phát sinh ca nhiễm có thể xử lý kịp thời, hạn chế lây lan trong quá trình sản xuất.
Trước đó, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa vào hoạt động Khu cách ly tập trung tạm thời chuyên tiếp nhận các bệnh nhân là người lao động có kết quả dương tính nhẹ hoặc không triệu chứng, không có bệnh nền và không đủ điều kiện tự cách ly tại nhà.
Đây là cơ sở nghiên cứu của Viện Công nghệ cao HUTECH cho mượn và được cải tạo với quy mô 200 giường cùng với các trang thiết bị như quạt trần, máy chạy bộ, thảm yoga, máy giặt và wifi để tạo tâm lý thoải mái cho người lao động và có thể tiếp tục làm việc từ xa.
Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao thành phố thì cơ sở này sẽ do đội ngũ y tế của Bệnh viện Đa khoa Bắc Mỹ vận hành với sự hỗ trợ chuyên môn của Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức.
Người lao động bị nhiễm không phái đóng bất cứ khoản phí nào vì doanh nghiệp sẽ đóng thay tương đương 120.000 đồng tiền ăn/ngày/người.
Việc có khu cách ly tập trung này giúp doanh nghiệp và người lao động yên tâm hoạt động sản xuất, hạn chế tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất; đồng thời chăm sóc tốt hơn cho những trường hợp bị bị nhiễm.
Ngoài Khu công nghệ cao, Thành phố Hồ Chí Minh còn thành lập 2 khu cách ly tại Khu chế xuất Linh Trung 2 (thành phố Thủ Đức) với quy mô 250 giường và Khu công nghiệp Đông Nam (huyện Củ Chi) với quy mô 250-300 giường do lực lượng y tế địa phương đảm nhận hỗ trợ điều trị./.
Theo THANH VŨ (Vietnam+)