Trả lời cử tri về giáo dục, học phí

27/09/2023 - 07:01

 - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa trả lời ý kiến cử tri tỉnh An Giang gửi đến Quốc hội khóa XV, do Văn phòng Chính phủ, Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến.

Ưu đãi đồng bào dân tộc thiểu số

Cử tri An Giang đề nghị có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ học phí từ bậc đại học trở lên đối với người dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó có đồng bào DTTS Chăm.

Bộ GD&ĐT trả lời: Ngày 27/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực GD&ĐT.

Nghị định đã quy định các chính sách miễn, giảm học phí đối với người học DTTS từ bậc đại học trở lên, gồm: Miễn học phí đối với sinh viên học tại các cơ sở giáo dục đại học người DTTS có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; sinh viên học văn bằng thứ nhất tại các cơ sở giáo dục đại học thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; sinh viên hệ cử tuyển; sinh viên người DTTS rất ít người. Áp dụng giảm 70% học phí đối với sinh viên là DTTS ở thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, Nhà nước đã có các chính sách miễn, giảm học phí đối với người DTTS (trong đó có DTTS Chăm) từ bậc đại học trở lên để tạo điều kiện cho sinh viên giảm bớt gánh nặng tài chính để tiếp tục theo học.

Giữ ổn định học phí

Cử tri An Giang hỏi: Học phí của các trường đại học khu vực công cao hơn trường khu vực tư, từ đó các hộ gia đình có mức sống trung bình gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo tài chính cho con em theo học đại học.

Bộ GD&ĐT trả lời: Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ áp dụng từ năm học 2022 - 2023. Tuy nhiên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165/2022/NQ-CP, ngày 20/12/2022 yêu cầu giữ ổn định mức học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức học phí năm học 2021 - 2022. Như vậy, mức học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập đã giữ ổn định trong 3 năm học vừa qua (2020 - 2021, 2021 - 2022 và 2022 - 2023) để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh do ảnh hưởng dịch COVID-19, góp phần bình ổn giá và kiểm soát lạm phát. Bộ GD&ĐT đang tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2021/NĐ-CP theo hướng giữ ổn định mức thu học phí năm học 2023 - 2024 so với năm học 2022 - 2023 để giảm áp lực tăng học phí.

Về kiến nghị đề nghị quan tâm đầu tư xây dựng thêm trường đại học công lập, Bộ GD&ĐT đang xây dựng quy hoạch các trường đại học trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp, kiến nghị với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nghiên cứu, ưu tiên bố trí các nguồn lực từ ngân sách nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách của ngành giáo dục và các địa phương về đầu tư xây dựng các trường đại học công lập, đảm bảo phù hợp với quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đề nghị nên thống nhất một bộ sách giáo khoa

Cử tri An Giang đề nghị nên thống nhất một bộ sách giáo khoa (SGK), để giáo viên và học sinh thuận tiện trong giảng dạy, học tập, phụ huynh thuận lợi khi cho con học các trường khác nhau. Đồng thời, SGK phải có thời gian sử dụng nhiều năm để tránh lãng phí.

Bộ GD&ĐT trả lời: Thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13, ngày 28/11/2014 của Quốc hội khóa XIII về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng chú trọng phẩm chất và năng lực học sinh.

Chương trình quy định yêu cầu cần đạt đối với từng nội dung giáo dục trong các môn học và hoạt động giáo dục (chuẩn đầu ra của chương trình là thống nhất trong toàn quốc). Căn cứ yêu cầu cần đạt trong chương trình, các bộ SGK khác nhau sử dụng các văn bản, hình ảnh và cách thể hiện khác nhau nhưng đều phải đáp ứng được yêu cầu cần đạt trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Việc dạy học, kiểm tra đánh giá được thực hiện theo chương trình, không theo các nội dung trình bày trong SGK như trước đây (để kiểm tra, đề thi có thể sử dụng các văn bản ngữ liệu ngoài các SGK được biên soạn, miễn đáp ứng yêu cầu cần đạt trong chương trình). Vì vậy, học sinh học bất cứ bộ SGK nào đều phải đảm bảo những yêu cầu được quy định trong chương trình nên khi học sinh chuyển trường không ảnh hưởng đến việc sử dụng SGK khác nhau.

Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT, ngày 22/12/2017 quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức các hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, yêu cầu việc biên soạn, tổ chức thẩm định SGK đảm bảo chất lượng và sử dụng lâu bền, tránh lãng phí để các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức lực chọn và sử dụng ổn định (SGK được biên soạn không có khoảng trống để học sinh điền thông tin hoặc yêu cầu học sinh làm bài trực tiếp nhằm tăng tỷ lệ SGK được sử dụng lại nhiều lần).

Cử tri kiến nghị cần có quy định một lớp học có tối đa 35 học sinh ở cấp THCS và THPT, làm cơ sở cho việc đổi mới phương pháp dạy học có hiệu quả hơn.

Bộ GD&ĐT trả lời: Để nâng cao hiệu quả dạy và học Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một lớp học có tối đa 35 học sinh ở cấp THCS và THPT là cần thiết. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ giáo viên tại một số địa phương hiện nay chưa đáp ứng được điều này.

Tại Khoản 3, Điều 16 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, ngày 15/9/2020 của Bộ GD&ĐT về ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định: “Chủ tịch UBND cấp tỉnh quy định cụ thể số lượng học sinh trong mỗi lớp học theo hướng giảm sĩ số học sinh trên lớp; đảm bảo mỗi lớp học ở các cấp THCS và THPT không quá 45 học sinh”. Do vậy, các địa phương cần căn cứ vào điều kiện cơ sở vất chất và đội ngũ giáo viên, quy định số lượng học sinh tại mỗi lớp học ở cấp THCS và THPT để đảm bảo dạy học hiệu quả.

K.N