Trả lời phản ánh của bà Lê Thị Thu Hà

09/01/2023 - 05:04

 - Báo An Giang nhận được đơn của bà Lê Thị Thu Hà (ngụ ấp Long Hưng, xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú) khiếu nại địa phương trưng dụng đất của gia đình để làm đường lộ giao thông nông thôn, nhưng không bồi thường hay hỗ trợ tái định cư.

Bà Hà trình bày vụ việc

Theo bà Hà, phần đất thổ cư 267m2 được UBND huyện Châu Phú cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 04984 QSDĐ/mF ngày 17/6/2002, gia đình bà sử dụng đến nay. Ngày 15/3/2022, UBND xã Ô Long Vĩ thông báo, nhà nước trưng dụng một phần đất trên để làm đường nhựa, không có hoán đổi hay bồi thường.

"Công trình trải nhựa đường giao thông nông thôn là lợi ích chung của xã hội. Nếu có ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân thì chính quyền địa phương phải họp dân triển khai, phổ biến, đưa ra cách giải quyết tốt nhất cho dân, chứ đâu ép buộc người dân phải giao đất như vậy. Mong chính quyền xem xét giải quyết thấu lý đạt tình, nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân. Nếu lấy đất tôi làm đường, phải giải quyết chuyển đổi cho tôi 1 nền nhà tái định cư, để sau này con cháu tôi có nơi ở ổn định”- bà Hà đề nghị.

Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND xã Ô Long Vĩ cho biết, năm 2009, địa phương thực hiện chủ trương của huyện về phát triển kinh tế - xã hội. Đó là mở rộng, nâng cấp đê bao kết hợp giao thông nông thôn bảo vệ sản xuất lúa vụ 3, tiểu vùng tuyến Tây kênh 7 - Đông kênh 10 - Bắc kênh Cần Thảo - Nam kênh Đào (thuộc ấp Long Hưng, Long Thịnh).

Tổng chiều dài toàn tuyến đê bao khoảng 16km, diện tích trong tiểu vùng 1.479ha. Khoảng 486 hộ dân có đất, nhà ở, vật kiến trúc chạy dọc ven đê bao (trong đó có hộ gia đình bà Lê Thị Thu Hà). Thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ sản xuất lúa 2 vụ/năm sang 3 vụ/năm, UBND xã tổ chức họp dân, lấy ý kiến. Đại diện gia đình hộ dân (có gia đình bà Hà) tham dự họp, đồng ý chủ trương về việc mở rộng, nâng cấp đê bao kết hợp giao thông nông thôn bảo vệ sản xuất lúa vụ 3, tiểu vùng này. Đồng thời, họ thống nhất hiến đất, tự di dời nhà, vật kiến trúc trong phạm vi đê bao để giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công công trình đê bao hoàn thành kịp thời thời gian, đưa vào sử dụng đợt sản xuất lúa vụ 3.

Quyết định 172/QĐ-SNN&PTNT, ngày 2/5/2018 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán hạng mục gói thầu số 17, thi công xây lắp các cống tiểu vùng kênh 7 - kênh ranh (Châu Phú, Tịnh Biên), kênh Đào và tiểu vùng kênh 13, kênh 16, kênh Ba Thê - kênh 10 (Châu Phú), dự án xây dựng và nhân rộng mô hình “Cánh đồng lớn” tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020. Trong quyết định này, xã Ô Long Vĩ được chọn tiểu vùng Tây kênh 7 - Đông kênh 10 - Bắc kênh Cần Thảo - Nam kênh Đào nằm trong dự án xây dựng và nhân rộng mô hình “Cánh đồng lớn”.

Cuối năm 2020, Công ty Hoàng Nam Cửu Long trúng thầu, tiến hành thi công nền hạ trải nhựa đường tuyến Nam kênh Đào, chiều dài khoảng 4km (trong đó, ấp Long Hưng trải nhựa đường 3km, ấp Long Thuận trải nhựa đường 1km), trải nhựa đường tuyến Đông kênh 10 - Bắc kênh Cần Thảo - Nam kênh Đào khoảng 5km. Toàn tuyến hoàn thành trải nhựa đường vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, còn lại 1 đoạn khoảng 31m, đi ngang phần đất hộ gia đình bà Hà.

Bà ngăn cản, không cho đơn vị thi công trải nhựa đường. Nhiều lần, UBND xã phối hợp các ngành, đoàn thể và Ban Nhân dân ấp Long Hưng tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà Hà thống nhất cho đơn vị thi công tiếp tục trải nhựa đường, hoàn thành tuyến đường giao thông Nam kênh Đào. Đoạn đường này vào mùa mưa thường xảy ra tai nạn giao thông, do trơn trợt, chưa rải đá, trải nhựa đường.

Nhưng bà Hà không thống nhất, yêu cầu phải bồi thường về đất hoặc xem xét hỗ trợ cấp 1 nền nhà tái định cư. Bên cạnh đó, từ khi đơn vị thi công tuyến đê bao nêu trên, UBND xã không nhận đơn khiếu nại của bà Hà. Xét thấy, việc bà Hà yêu cầu bồi thường về đất là không phù hợp. Bởi lẽ, Ô Long Vĩ là xã vùng sâu, tất cả phần đất trên tuyến bờ kênh đều nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ dân.

Trước đây, trong năm chỉ sản xuất 1 vụ  lúa mùa nổi và 1 vụ hoa màu. Vào mùa nước lũ, kênh ngày càng sạt lở. Còn mùa khô thì nước dưới lòng kênh cạn kiệt. Do đó có chủ trương nạo vét gia cố tuyến kênh, chuyển sang trồng lúa thuần nông 2 vụ/năm. Khi chuyển sang sản xuất lúa vụ 3 thì nền đường đê bao đã có sẵn, chỉ nâng cấp lại đê bao. Vì vậy, việc thi công nạo vét kênh, gia cố đê bao sẽ không bồi thường về đất cho hộ dân.

Đa số người dân đều thống nhất chủ trương này. Khi xáng múc đất thi công đến đâu thì hộ dân tự di dời vật kiến trúc, chặt đốn cây, hiến đất làm đường, giải phóng mặt bằng. Thiết nghĩ, vì lợi ích chung, bà Hà nên chấp thuận để đơn vị thi công trải nhựa phần đường này, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân lưu thông, tránh rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

K.N