Trà Sư xuất chiêu “dụ” chim trời

27/06/2020 - 09:00

Mùa mưa đến cũng là mùa cho sản vật sôi nảy nở. Ở thời điểm này, hệ sinh thái tại Trà Sư được dịp bung xòe nở rộ, đặc biệt là tràm tái sinh mạnh hơn. Thảm thực vật trở nên xanh mướt hơn, từng đàn chim cò quí hiếm lũ lượt kéo về vùng đất phương nam này để kiếm ăn nhiều hơn…tạo nên một nhịp sống hoang dã vô cùng thú vị và rộn ràng tại khu vực hạ nguồn sông Mekong.

Gia tăng nguồn thủy sản tại rừng tràm là giải pháp rất hiệu quả trong việc thu hút các loài chim, cò. Ảnh: Gia Bảo

“Đất lành chim đậu”, hiện rừng tràm Trà Sư đang sở hữu rất lớn số lượng các loài chim cò cực hiếm (có trong sách đỏ cần được bảo vệ). Đây là tín hiệu rất đáng mừng về sự đầu tư mang tính nghiêm túc. Phát huy việc làm hết sức nhân văn này,  Công ty Du lịch An Giang tiếp tục thả thêm số lượng lớn cá các loại, ngoài việc tăng mật độ thủy sản, nhằm làm dồi dào hơn lượng thức ăn tạo nên điều kiện thuận lợi để đón tiếp những đoàn thiên điểu khác tiếp tục kéo về rừng tràm trong trước mùa lũ sắp tới. 

Từ khi thả cá vào rừng tràm đã thu hút số lượng lớn các loài chim, cò đến kiếm ăn và làm tổ. Ảnh: Gia Bảo

Theo báo cáo của Ban quản lý rừng tràm Trà Sư, trước đó nhà đầu tư đã thả số lượng lớn các loài lưỡng cư, bò sát, cá đồng để thu hút các loài động vật. Đặc biệt, loài chim giang sen và điên điển quý hiếm tề tựu đến kiếm ăn và làm tổ tại rừng đông đúc hơn. Với việc tiếp tục thả hàng tấn cá đặc trưng của vùng đất nặng trĩu phù sa này sẽ không chỉ giữ chân, mà còn có thể “chiêu dụ” thêm hàng trăm loài động vật quý hiếm khác bay về xây tổ. 

Nhà đầu tư rất quan tâm đến việc cải tạo môi trường ở rừng tràm. Ảnh: Thiếu Gia

Cùng với việc liên tục đầu tư cải tạo cảnh quan môi trường rừng, đặc biệt là việc nâng cấp những hạng mục và hạ tầng du lịch sử dụng các vật liệu thân thiện,  như: cầu tre xuyên rừng, công viên hoa, bè hoa, sân ngắm các loài thiên điểu, kiệt tác hoa giấy nghệ thuật, nhà tiếp tân, bến thuyền đưa rước du khách…, sắp tới đây rừng tram Trà Sư sẽ có thêm công trình “cây cầu gỗ trong rừng dài nhất Việt Nam”… 

Với sự chăm chút, tỉ mỉ đó, thảm thực vật nơi ngày càng vươn lên phát triển mạnh mẽ, điểm xuyến thêm cho bức tranh Trà Sư những sắc màu thật rực rỡ của thiên nhiên của một môi trường sống đa dạng và an toàn cho những “cư dân” trong hoa viên Tràm nhiệt đới. 

GIA BẢO

 

Liên kết hữu ích