Ông Nguyễn Duy Khánh (ngụ xã Vĩnh Thành, huyện Châu Thành) bày tỏ: “Chúng tôi vui mừng, phấn khởi về kết quả sản xuất nông nghiệp, thực sự là cứu cánh của nhiều hộ gia đình trong lúc khó khăn. Tuy nhiên, cư dân nông thôn và nông dân còn băn khoăn, trăn trở về giá vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp, vật tư, phân bón, xăng dầu, thức ăn chăn nuôi ở mức cao. Bên cạnh đó, thời tiết luôn biến đổi bất ngờ, làm sản xuất nông nghiệp lại càng khó khăn hơn. Do đó, để đảm bảo an ninh lương thực trong chiến lược phát triển đất nước, đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét trợ giá cho mặt hàng nông sản; giảm tối đa thuế giá trị gia tăng của các mặt hàng liên quan đến sản xuất nông nghiệp và đời sống xã hội”.
ĐBSCL vốn nổi tiếng với lượng phù sa dồi dào, nhưng nay đối mặt với quá trình sụt giảm nghiêm trọng đến 50%, mùa nước nổi không còn như trước, xâm nhập mặn ngày càng báo động… Cử tri lo lắng tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến sinh kế và đời sống mọi người. Chi phí mua bảo hiểm y tế, quyền lợi của người đóng bảo hiểm y tế vẫn đang là vấn đề nóng, đi đến đâu cũng nghe bà con bức xúc, đề nghị tháo gỡ. Tình hình lạm phát chưa được kiểm soát tốt, dẫn đến giá cả sinh hoạt tăng. Chất lượng công trình giao thông cần quản lý chặt hơn, tránh tình trạng vừa đưa vào sử dụng không bao lâu đã hư hỏng, xuống cấp. Ông Lê Quang Vinh (ngụ phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) “chất vấn” rất thẳng thắn về bất cập trong chính sách bảo hiểm; về tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, hiệu quả phòng, chống tiêu cực, tham nhũng của đất nước và địa phương…
Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân (bìa trái) gặp gỡ cử tri TP. Long Xuyên
Theo Đoàn ĐBQH tỉnh, sau nhiều ngày tiếp xúc cử tri (từ ngày 2 đến 11/10), điều nổi bật nhất là trách nhiệm, ý thức, tư duy của bà con rất cao, khi đặt nhiều “câu hỏi khó” liên quan đến việc lớn của tỉnh, đất nước. Đây là sự tin tưởng, gửi gắm, tình cảm của cử tri ở xã vùng trong, đầy khó khăn đến người dân đô thị lớn dành cho đại biểu. Tất cả đều mong đợi hoàn thiện chính sách, công tác tổ chức thực hiện để chủ trương, chính sách đi vào đời sống một cách thiết thực, hiệu quả.
Tiếp xúc cử tri tỉnh An Giang đợt này, ĐBQH Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam chia sẻ nhiều “điểm sáng” của đất nước sau 9 tháng của năm 2024. Cả nước tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội, đạt những kết quả hết sức quan trọng, dù vừa phải đối phó với thiên tai, vừa chịu tác động của thế giới, khu vực. Đây là điều tất yếu, khi độ mở nền kinh tế gần 200%, mọi diễn biến thuận lẫn không thuận đều tác động đến Việt Nam. Tăng trưởng được thúc đẩy, quý sau cao hơn quý trước, GDP quý III tăng 7,4%, tính chung 9 tháng tăng 6,82%. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm. Kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4%, nhập khẩu tăng 17,3%; xuất siêu ước đạt 20,8 tỷ USD. Thu hút FDI đạt 24,78 tỷ USD, tăng 11,6%; vốn FDI thực hiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất 5 năm qua.
Chính phủ chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện tốt, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân; tập trung phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là bão số 3; phát triển nhà ở xã hội; xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tình hình chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Tổ chức thành công nhiều hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh; gìn giữ được môi trường hòa bình, ổn định cho đất nước phát triển. Những điểm sáng này được thế giới đánh giá rất cao.
Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân bày tỏ niềm vui khi tỉnh có một số khởi sắc, cùng cả nước vượt qua khó khăn, thách thức. Trong đó, nông nghiệp tiếp tục là thế mạnh của tỉnh, là bệ đỡ của nền kinh tế những lúc khó khăn. Giai đoạn mới, Phó Chủ tịch nước gửi gắm kỳ vọng nông nghiệp An Giang sẽ có bước phát triển mới, tư duy và cách làm mới để tăng hiệu quả; tăng trưởng xanh hơn, phát triển bền vững hơn. “Nông thôn mới là mong muốn, ấp ủ của lãnh đạo tỉnh từ nhiệm kỳ trước, đến nay tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Mong tỉnh lưu ý, quá trình xây dựng nông thôn mới phải thực chất hơn, đời sống người dân ở nông thôn mới được nâng lên. Đạt chỉ tiêu là tốt; đạt một cách thực chất, tạo tính bền vững cho nông thôn mới thì càng tốt hơn. Chúng ta đẩy nhanh tiến độ nhanh hơn 1 - 2 tháng, 1 năm, khi chất lượng nông thôn mới không theo kịp sự phát triển của khu vực, của đất nước, thì nông thôn mới ấy chưa thể yên tâm” - đồng chí Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh.
Trong các buổi tiếp xúc cử tri từng địa phương, lãnh đạo cấp huyện, tỉnh đều lần lượt giải trình, trao đổi làm rõ vấn đề cử tri quan tâm. Những vấn đề mang tính chất vĩ mô, Đoàn ĐBQH, lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ kiến nghị trên diễn đàn phù hợp, đề xuất hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật ở nhiều lĩnh vực (trong đó có nông nghiệp), giúp phát huy vai trò của nông nghiệp đối với nền kinh tế, nâng cao đời sống người dân ở các tỉnh nông nghiệp, nông thôn như An Giang.
“Giáo dục, y tế là vấn đề sát sườn của người dân, tôi thống nhất cần tiếp tục hoàn thiện về chính sách, pháp luật, cách tổ chức thực hiện, để người dân hưởng được sự ưu việt của chế độ XHCN. Tuy nhiên, bà con phải hiểu rằng, chính sách phải đi liền với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương; không thể đề ra chính sách quá cao so thực lực kinh tế. Mọi thứ đều cần có lộ trình, ví dụ như miễn học phí cho học sinh phổ thông; chính sách dành cho người cao tuổi… Chúng ta phải “gói ghém”, chắt chiu nguồn lực hiện có, nâng lên từng bước trong khả năng có thể. Ở góc độ địa phương, tỉnh cần rà soát tính phù hợp của nghị quyết, chính sách; tăng cường giám sát, đánh giá đầy đủ để tìm cách sửa đổi, bổ sung, đáp ứng ngày càng tốt hơn đời sống người dân” - Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị.
GIA KHÁNH