Nhóm tác giả đến từ Đại học Quốc gia Úc (ANU) vừa phân tích thành công những mẫu hóa thạch quý giá có niên đại lên đến 1,1 tỉ năm tuổi, nằm trong những phiến đá đen cổ đại được tìm thấy sâu bên dưới lòng sa mạc Sahara (châu Phi).
Hóa thạch thuộc về vi khuẩn cyanobacteria, một trong những sinh vật đầu tiên của trái đất sống dưới ánh sáng mặt trời, ra đời trước tảo đến vài trăm triệu năm.
Phát hiện mới cho thấy màu của trái đất 1,1 tỉ năm trước là màu hồng tươi, gần giống một hành tinh màu hồng được Mỹ phát hiện năm 2013 - ảnh mô phỏng của NASA
Các nhà khoa học đã tìm thấy chất diệp lục trong vi khuẩn này khi nghiền vụn hóa thạch và quan sát dưới kính hiển vi. Diệp lục với màu xanh lục - thứ giúp thực vật quang hợp - không hề xa lạ ngày nay nhưng diệp lục cổ xưa có sắc độ từ đỏ thẫm đến tím thẫm.
Nhóm nghiên cứu tiếp tục chưng cất diệp lục cổ này. Kết quả cho ra những ống nghiệm màu hồng, đó chính là màu của những đại dương bao phủ trái đất ngày xưa, nơi vi khuẩn cổ đại sinh sống và quang hợp.
Màu sắc cổ xưa nhất của trái đất được thể hiện sau khi chưng cất diệp lục cổ đại. Màu sắc này sẽ khiến các đại dương ánh lên màu hồng tươi - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp.
Giáo sư Jochen Brock, một trong các tác giả, cho biết bà hết sức ngạc nhiên với phát hiện này. Trước đây, trái đất luôn được biết đến là một hành tinh xanh. Các hình ảnh, mô hình tái hiện trái đất cổ đại cũng thuần một màu xanh thẫm. Phát hiện mới cho thấy màu sắc thực sự của trái đất cổ xưa là "bright pink", tức màu hồng tươi. "Đây hoàn toàn là một thế giới xa lạ" – giáo sư Brock nhận xét.
Công trình vừa được công bố trên số tháng 7 của tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences.
Năm 2013, nhóm nghiên cứu của NASA và Đại học Princeton (Mỹ) cũng từng phát hiện một hành tinh màu hồng đậm, cách chúng ta 57 năm ánh sáng và thuộc về một hệ mặt trời khác.
Theo A.THƯ (Người Lao Động)