Trăn trở đời sống dân cư biên giới Tân Châu

09/08/2023 - 06:50

 - Vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh An Giang tổ chức buổi tiếp xúc với đông đảo cử tri TX. Tân Châu, sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Đọng lại sau buổi gặp gỡ là những trăn trở, tâm tư về đời sống dân cư biên giới, những “lời hứa” chưa tròn về cụm, tuyến dân cư vượt lũ…

Mong chờ những căn nhà “an cư”

Theo Phòng Kinh tế TX. Tân Châu, Quyết định 1443/QĐ-BNN-PCTT, ngày 24/4/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tuyến đê cấp III vùng Đông kênh Bảy Xã dài gần 23km, gồm 3 tuyến đê: Đông kênh Bảy Xã (13km), kênh nhánh Đông (3,5km), bắc kênh Xáng (6,2km). Trong đó, tuyến đê Đông kênh Bảy Xã và kênh nhánh Đông đã được gia cố cơ bản, đảm bảo sản xuất, ổn định dân sinh.

Chăm lo đời sống nhân dân

Tuy nhiên, tuyến đê bắc Kênh Xáng chưa được gia cố, dù gánh trọng trách bảo vệ 1.719ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc vùng bao Tân An - Tân Thạnh. Hiện nay, một số đoạn sạt lở đến cặp chân đê, có nguy cơ ảnh hưởng sản xuất, đời sống người dân. Đồng thời, trên tuyến này có 538 hộ dân sống trong vùng nguy cơ sạt lở (286 hộ cần phải di dời khẩn cấp), nhưng TX. Tân Châu không còn nền bố trí cho các hộ dân vào ở.

“Chúng tôi đề xuất đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét, sớm hỗ trợ đầu tư tuyến tránh đê cấp III đấu nối với tuyến đê Đông kênh Bảy Xã và Đường tỉnh 952; xây dựng cụm tuyến dân cư, đảm bảo cho 538 hộ dân di dời, góp phần an toàn phòng, chống lũ, để người dân an tâm sản xuất” - Trưởng phòng Kinh tế TX. Tân Châu Nguyễn Thị Loan thông tin.

Theo nhiều lãnh đạo xã, an sinh xã hội sau sạt lở, thiên tai đã được địa phương làm tốt. Điều họ gặp khó nhất, nằm ngoài tầm xử lý là chăm lo chỗ ở cho người dân. Được hỗ trợ phần nào về đời sống, tiền mặt, nhưng không ít hộ dân còn chịu cảnh ở tạm bợ (xã Tân An, Châu Phong, Vĩnh Hòa), do chưa bố trí lên cụm, tuyến dân cư.

Vì thế, địa phương đề xuất Trung ương quan tâm đầu tư cụm, tuyến dân cư ĐBSCL, đặc biệt là vùng đầu nguồn. “Chính phủ cần xem xét chính sách, chủ trương đặc thù cho khu vực biên giới, đầu tư cụm, tuyến dân cư theo hướng đồng bộ về hạ tầng, bố trí ổn định dân cư biên giới, hình thành thế trận phòng thủ vững chắc trong thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Xương Bùi Thái Hoàng gửi gắm ý kiến.

Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Nguyễn Ngọc Vệ thông tin: “Trước đây, Chính phủ, tỉnh hỗ trợ địa phương làm dự án khu dân cư sạt lở, đường tránh kênh Vĩnh An (xã Tân An). Địa phương làm tròn trách nhiệm giải phóng mặt bằng, dự kiến bố trí khoảng 200 hộ.

Tuy nhiên, nguồn vốn được phân bổ đợt 1 chỉ đủ để bố trí xây dựng, hỗ trợ nhà ở cho 26 hộ. Chúng tôi đang tiếp tục kiến nghị vốn để hỗ trợ nhà ở cho các hộ sạt lở thuộc bờ kênh Xáng và bờ sông Tiền. Về tuyến dân cư biên giới, dù được Chính phủ quan tâm đầu tư, đã có quy hoạch, dự án nhưng nguồn lực giới hạn, tiến độ đầu tư tương đối chậm, rất cần sự “tiếp sức” từ các bộ, ngành Trung ương”.

Chắt chiu nguồn lực

“Trở lại thăm TX. Tân Châu dịp này, tôi thấy đường sá khang trang, sạch đẹp, đời sống người dân khởi sắc. Bên cạnh cầu Châu Đốc đang thi công, Cửa khẩu quốc tế đường sông Vĩnh Xương được nâng lên thành Cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông Vĩnh Xương… mở ra cơ hội phát triển kinh tế biên giới giữa Việt Nam - Campuchia, Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Từ đây, các nhà đầu tư quan tâm hơn đến Tân Châu, kỳ vọng dịch vụ phát triển tốt hơn, khi logistics trở thành lợi thế của địa phương” - Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân, ĐBQH tỉnh An Giang bày tỏ tại buổi tiếp xúc cử tri TX. Tân Châu.

Nhìn thấy nhiều điểm sáng, đồng chí Võ Thị Ánh Xuân chia sẻ vất vả, khó khăn của cán bộ, nhân dân địa phương, áp lực xử lý bộn bề nhiều khó khăn thách thức, nhiệm vụ quan trọng cùng lúc. Đó là chỉnh trang, nâng cấp đô thị, xây dựng nông thôn mới, bởi đô thị Tân Châu chưa thật sự xứng tầm thị xã biên giới, cần phải chắt chiu nguồn lực ít ỏi của chính mình, sự quan tâm của Trung ương và tỉnh để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Cùng với đó là nỗi lo thường trực, dai dẳng về phòng, chống sạt lở bờ sông, ổn định dân cư, là bài toán dài hạn của vùng đầu nguồn. Bớt lũ hơn trước, nhưng sạt lở bờ sông vẫn tiếp diễn. Phù sa ngày càng ít về, trong khi hoạt động xây dựng càng nhiều, lưu lượng phương tiện giao thông ngày càng tăng, tình trạng sạt lở không thể tránh khỏi.

 “Vấn đề xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ, đoàn ĐBQH tỉnh nhiều lần kiến nghị Trung ương. Trước mắt, địa phương vẫn phải đảm đương trách nhiệm tại chỗ, tính toán giải pháp an sinh xã hội gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biên giới; chăm lo đời sống cư dân biên giới, phòng, chống tội phạm. Một khi biến đổi khí hậu tăng, lợi thế về đầu nguồn của TX. Tân Châu không phải là mãi mãi. Nếu không có giải pháp quản lý tốt nguồn nước, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tiết kiệm nước, áp dụng khoa học - kỹ thuật… lợi thế này sẽ mất đi, đời sống nhân dân khó khăn hơn.

Về phía đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, chúng tôi ghi nhận ý kiến cử tri, sẽ kiến nghị Trung ương bằng cách thức phù hợp, mong có được chính sách tổng thể cho đời sống dân cư biên giới, theo quan điểm của nhà nước: Dân cư biên giới là chiến sĩ bảo vệ biên cương, chủ quyền Tổ quốc” - Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân thông tin thêm.

AN KHANG