Trăn trở nguồn nhân lực và hoạt động ở các thiết chế văn hóa xã

09/12/2021 - 05:53

 - Thời gian qua, trong lĩnh vực văn hóa, việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho người dân đạt được những thành tựu to lớn. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập cần phải quan tâm để có sự điều chỉnh chính sách, kế hoạch… kịp thời, phù hợp xu thế phát triển bền vững của đất nước. Trong số đó, có vấn đề về nguồn nhân lực và đa dạng hoạt động ở các thiết chế văn hóa xã.

Văn hóa cơ sở là một trong những “viên gạch“ đầu tiên và gần gũi với nhân dân khi xây dựng đời sống văn hóa, phát huy đầy đủ, bao quát các giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều năm qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc bằng các quyết sách phù hợp, kịp thời. Cùng với sự đồng thuận của nhân dân, sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thu hút đầu tư, xã hội hóa thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, mang lại nhiều giá trị tích cực để người dân thụ hưởng. Cả nước có 69 thiết chế văn hóa cấp tỉnh; 91% quận, huyện có trung tâm văn hóa, thể thao; 73,2% xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể thao; 74,7% thôn, bản, buôn, làng có nhà văn hóa.

Tuy nhiên, Đại hội XIII của Đảng đã nhìn nhận: “Chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền còn lớn, đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Công tác lãnh, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn nhiều bất cập, lúng túng, chậm trễ trong việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao”.

Tranh tài môn thể dục dưỡng sinh. Ảnh: Thanh Hùng

Theo nghiên cứu của PGS.TS Võ Văn Thắng, TS Nguyễn Trung Hiếu (Trường Đại học An Giang - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), hoạt động văn hóa phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS thông qua các thiết chế văn hóa (như Nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, điểm sinh hoạt văn hóa…) ở một số địa phương còn có những bất cập. Các thiết chế và hoạt động văn hóa cấp cơ sở chưa phát huy hết vai trò, chức năng như mong muốn. Hạn chế này do nhiều nguyên nhân, nhưng vấn đề căn cơ nhất là nguồn nhân lực phụ trách văn hóa xã và vận hành các thiết chế văn hóa; chính sách đối với nguồn nhân lực, mô hình và kế hoạch hoạt động...

Nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa là vấn đề được quan tâm nhiều nhất hiện nay trong xây dựng chiến lược nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân nói chung, người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS nói riêng. “Tuy vậy, qua các số liệu thực tế, chúng tôi nhận thấy, trình độ lãnh đạo và quản lý văn hóa ở nông thôn còn rất thấp, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ. Chẳng hạn nhiều cán bộ phụ trách văn hóa xã chưa đạt trình độ cao đẳng hay đại học; một số địa phương, cán bộ đạt trình độ cao đẳng, đại học nhưng không đúng chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực văn hóa. Một số địa phương còn có tình trạng cán bộ phụ trách lĩnh vực văn hóa không chuyên trách mà là kiêm nhiệm. Do đó, thường bị động khi đề ra kế hoạch hoạt động văn hóa phục vụ đời sống người dân địa phương trong thời gian dài; hoặc chưa đề ra được kế hoạch hoạt động văn hóa. Vấn đề chính sách tiền lương đối với cán bộ văn hóa cấp xã cần được quan tâm (hơn 2 triệu đồng/người/tháng). Rất nhiều người phải làm thêm công việc khác để tăng thu nhập. Thiết nghĩ, với mức thu nhập thấp như hiện nay thì đội ngũ hoạt động văn hóa cơ sở khó có thể phát huy tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo trong việc đa dạng hóa các hoạt động văn hóa ở cơ sở” - PGS.TS Võ Văn Thắng chia sẻ.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các thiết chế văn hóa ở vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng và nhà nước. Tuy nhiên, việc quản lý, tổ chức hoạt động các thiết chế đó ở một số địa phương vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Thiếu đội ngũ cán bộ hoạt động văn hóa có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kinh phí hoạt động có hạn; nhiều thiết chế văn hóa chưa được khai thác hết công năng về cơ sở vật chất, dẫn đến tình trạng xuống cấp; một số nơi chỉ dừng lại ở việc trưng bày, hội họp, thiếu các hoạt động đúng chuyên môn.

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào cuối tháng 11-2021, PGS.TS Võ Văn Thắng và TS Nguyễn Trung Hiếu đề xuất 2 nhiệm vụ cấp bách. Một là, xây dựng được đội ngũ cán bộ phụ trách văn hóa xã có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đồng thời có chế độ, chính sách tương đối phù hợp để các hoạt động văn hóa ngày càng chất lượng như Đảng và nhà nước mong đợi. Qua đó, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Hai là, muốn tăng cường hoạt động văn hóa ở các thiết chế văn hóa cơ sở, đòi hỏi chúng ta phải thiết lập được mô hình, kế hoạch hoạt động cụ thể, thường xuyên, sáng tạo, phù hợp với đặc thù văn hóa ở mỗi địa phương như dân tộc, tôn giáo... Có như vậy mới đem lại đời sống văn hóa tinh thần thật sự cho người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hiện nay và thời gian tới.

VẠN LỘC