Trăn trở nguồn nhân lực y tế cơ sở

28/02/2023 - 07:18

 - Mạng lưới y tế trên địa bàn tỉnh An Giang đang được củng cố, hoàn thiện và phát triển theo định hướng chuyên khoa hóa tuyến tỉnh, y tế phổ cập tại tuyến cơ sở; mạng lưới y tế dự phòng, y tế cơ sở được nâng cao năng lực. Tuy nhiên, vẫn còn không ít hạn chế, vướng mắc diễn ra tại các cơ sở này.

Bệnh nhân đến khám tại trung tâm y tế cấp huyện

Đãi ngộ nhưng khó thu hút

Theo UBND tỉnh, nhân lực y tế tuyến cơ sở phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu cán bộ tại tuyến xã được bố trí cân đối hơn, số lượng cán bộ qua đào tạo cơ bản tăng. Các huyện tiếp tục hưởng ứng tích cực việc đưa bác sĩ về công tác tại xã. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ trạm y tế cấp xã có bác sĩ làm việc 100% (trong đó, tỷ lệ xã có biên chế bác sĩ 75%), 100% khóm, ấp đều có nhân viên y tế hoạt động. Dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, cho thấy vai trò của y tế cơ sở trong công tác truy vết, xét nghiệm, tiêm ngừa, tư vấn, quản lý điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà.

Tầm quan trọng của y tế cơ sở được nhận ra từ nhiều năm nay. Nhưng quanh đi quẩn lại, vẫn là câu chuyện nhân lực tuyến y tế cơ sở vừa thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, đặc biệt ở tuyến xã. Chế độ về phụ cấp ưu đãi nghề, độc hại… chính sách thu hút nhân viên y tế về công tác tại tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Phú Trần Văn Sang chia sẻ: “Trung tâm xây dựng cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại đơn vị, như: Ưu tiên bố trí công việc phù hợp năng lực, nguyện vọng; cho đi đào tạo, được hưởng nguyên lương, phụ cấp, hỗ trợ học phí, tiền tàu xe… tình nguyện về trung tâm công tác được trợ cấp 1 lần, bao gồm: Bác sĩ chính quy 10 triệu đồng; bác sĩ chuyên khoa I, thạc sĩ nhận 20 triệu đồng. Thu nhập tăng thêm chia theo năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác… Tuy nhiên, thời gian qua, chúng tôi chưa thu hút được trường hợp nào”.

Tương tự, Trung tâm Y tế TX. Tân Châu đăng ký với Sở Y tế, mỗi năm bổ sung 2 bác sĩ, để đến năm 2025 có 10 bác sĩ thuộc diện chính sách thu hút, đãi ngộ công tác. Đến thời điểm này, đơn vị chưa nhận được bác sĩ nào. Trong năm 2022, Sở Y tế chỉ phân công 4 bác sĩ mới ra trường thuộc diện đào tạo theo địa chỉ.

Không chỉ thiếu nhân lực, mà còn gặp tình trạng “chảy máu chất xám”. Có sự dịch chuyển cán bộ y tế tuyến y tế cơ sở có trình độ đại học, sau đại học sang khu vực y tế tư nhân; cán bộ nghỉ việc đang có chiều hướng tăng, nhất là sau 2 năm dịch COVID-19. “Bác sĩ chuyển sang làm việc cho bệnh viện tư nhân có thu nhập cao hơn, nên chúng tôi không thể đảm bảo 100% trạm y tế có bác sĩ (9/14 xã, thị trấn chưa có bác sĩ). Không ít bác sĩ được tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí để nâng cao trình độ chuyên môn, nhưng sau khi tốt nghiệp không về công tác tại đơn vị cũ. Họ sẵn sàng nộp lại khoản chi phí đền bù để được chuyển đi” - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tịnh Biên Nguyễn Văn Cứng bày tỏ.

Áp lực tài chính nặng nề

Một khó khăn lớn đang hiện hữu ở hầu hết cơ sở y tế, là tình hình kinh tế tài chính. Thực hiện cơ chế tự chủ không hề dễ dàng, khi các đơn vị thuộc hệ dự phòng, dân số có nét đặc thù riêng, hoạt động mang tính chất cộng đồng, truyền thông và phòng, chống dịch bệnh là chủ yếu. Nguồn thu trực tiếp từ người dân do dịch vụ y tế dự phòng mang lại tương đối hạn hẹp; sau khi trừ 35% nguồn cải cách tiền lương và trích lập các quỹ số còn lại, chưa đảm bảo thu nhập cho nhân viên, hiện nay còn đảm bảo thêm hoạt động của hệ dân số.

Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu Nguyễn Văn No, nguồn thu theo cơ chế tự chủ tài chính chưa đảm bảo chi tất cả hoạt động của đơn vị. Trong năm qua, bệnh viện thiếu chi phí phụ cấp ưu đãi cho nhân viên 4 tháng (hơn 2 tỷ đồng). Tại Trung tâm Y tế huyện Tịnh Biên, nguồn thu năm 2022 đạt 62%, chỉ đủ trang trải chi phí trong năm, không có nguồn thu nhập tăng thêm…

UBND tỉnh An Giang lý giải, từ đầu năm 2020 đến tháng 4/2022, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại cơ sở y tế giảm. Trong khi đó, hệ thống văn bản thực hiện cơ chế tự chủ chưa đầy đủ và đồng bộ, giá dịch vụ y tế chưa được kết cấu đủ các yếu tố chi phí… làm giảm đi nguồn thu của các đơn vị. Việc tạm ứng, thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) còn chậm, đặc biệt là phần vượt trần, vượt quỹ khám, chữa bệnh (KCB) BHYT. Đồng thời, việc giao dự toán chi KCB BHYT chưa phù hợp với một số bệnh viện, ảnh hưởng đến việc cân đối thu - chi, nhất là ở bệnh viện có nguồn thu thấp.

Khảo sát tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh An Giang Lê Tuấn Khanh cho biết: “Chúng tôi ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các cơ sở y tế trong thời gian qua; rất chia sẻ khó khăn, vướng mắc cơ sở gặp phải. Về nguồn nhân lực, cần tính toán đề án đào tạo vừa trước mắt, vừa lâu dài, vừa trong vừa ngoài đơn vị; tăng cường giám sát đào tạo theo địa chỉ. Từ thực trạng cơ sở phản ánh, ngành y tế cần rà soát lại, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước, cùng vào cuộc tháo gỡ. Sau khi khảo sát thực tế, chúng tôi ghi nhận thực trạng, căn cứ các vấn đề này để thẩm tra kỹ lưỡng, đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực y tế, trình HĐND tỉnh biểu quyết thông qua tại các kỳ họp sắp tới”.

Mạng lưới KCB tỉnh gồm 20 cơ sở công lập, quy mô 4.579 giường bệnh, gồm: 6 bệnh viện tuyến tỉnh, 10 trung tâm y tế huyện đa chức năng (KCB, dự phòng và dân số), 4 phòng khám đa khoa khu vực, 5 bệnh viện tư nhân. Ngoài ra, còn có 156 trạm y tế cấp xã với 1.560 giường lưu tạm thời. Tỷ lệ giường bệnh trên 10.000 dân năm 2022 ước tính đạt 29,9 giường.

GIA KHÁNH

 

Liên kết hữu ích