Bà Hạnh trình bày: “Chị ruột tôi tên Võ Thị Đủ (sinh năm 1955) xuất cảnh sang Mỹ vào năm 1990. Năm 1994, mẹ tôi bán mảnh đất phía bên sông, mua lại 1.066,6m2 đất thổ cư của vợ chồng ông Nguyễn Tấn Trung để cất nhà ở. Năm 2002, chị Đủ có gửi tiền về tiếp sức cất căn nhà cấp 4 cho chúng tôi, sau đó yêu cầu tìm mua đất ruộng, chờ giá lên bán kiếm lời. Mẹ tôi mua 2 lần, được 17 công đất, giá 1 chỉ vàng 24K/công. Năm 2005, sức khỏe không ổn định nên mẹ tôi làm thủ tục giao nhà, đất cho mẹ con tôi quản lý, sử dụng. Năm 2016, chị Đủ về nước, nói sẽ tìm phương án sản xuất - kinh doanh, sinh sống lâu dài. Thời gian sau, chị cất căn nhà bên cạnh “ở tạm”, đồng thời yêu cầu mẹ con tôi giao giấy tờ nhà, đất, bởi chị mới là người giữ chủ quyền. Bị chúng tôi phản đối, chị Đủ thường xuyên chửi bới, thể hiện hành vi bất kính với người mẹ đã ở tuổi 88. Hiện, chị Đủ đã làm đơn khởi kiện mẹ con tôi ra tòa, đòi quyền sử dụng nhà đất”.
Bà Trần Thị Ni và Võ Thị Mỹ Hạnh
Bổ sung về sự việc, bà Trần Thị Ni than thở: “Tôi lớn tuổi, nhiều lần phải đến chính quyền địa phương để họ làm việc, xem xét giải quyết chuyện tranh chấp nhà, đất. Thật sự, tôi đã đến UBND huyện Thoại Sơn làm giấy tờ từ rất lâu, đã giao nhà, đất cho Hạnh. Riêng việc con gái Võ Thị Đủ gửi tiền về mua đất ruộng, tôi thực hiện một cách rõ ràng, đầy đủ. Tôi đã mua tổng cộng 17 công đất ruộng, sẵn sàng giao đất này cho Đủ. Còn phần nhà, đất đang ở là tài sản của tôi. Từng tuổi này, tôi còn bị con cái khởi kiện ra tòa án, sắp tới sẽ đối diện với pháp luật, thật đau lòng. Tôi còn 2 con trai, nhưng tụi nó đều ở xa, có cuộc sống ổn định, khó về giúp đỡ”.
Chúng tôi đến nhà bà Võ Thị Đủ để tìm hiểu sự việc, nhưng chủ nhân không có mặt ở nhà. Tuy nhiên, trong các biên bản làm việc tại địa phương, bà Võ Thị Đủ cho biết, hiện nay bà thường trú tại khu phố 4, phường Tân Kiểng, quận 7 (TP. Hồ Chí Minh). Năm 2002, bà về ấp Sơn Tân, xã Vọng Đông xây dựng căn nhà trị giá khoảng 900 triệu đồng trên phần đất của bà Ni, mục đích để sau này hồi hương về sinh sống. Theo bà Đủ, nguồn gốc phần đất này do bà gửi tiền về cho mẹ sang nhượng lại của vợ chồng ông Nguyễn Tấn Trung. Do bà là Việt kiều, trước đây không được quyền mua nhà, đất ở Việt Nam, nên gửi tiền về cho mẹ mua tài sản và nhờ đứng tên giùm. Đến năm 2014 và 2016, bà yêu cầu bà Ni giao giấy tờ phần tài sản đã mua, bà Ni tìm mọi cách né tránh, có khi nói “giấy bị mất”. Bà đã khiếu nại đến địa phương, yêu cầu xem xét về vụ việc. Nay, bà làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân tỉnh, yêu cầu bà Ni và Hạnh giao nhà đất, hoặc thỏa thuận theo tỷ lệ giá trị tài sản bà gửi về mua trước đây.
Trao đổi với phóng viên Báo An Giang, đại diện UBND xã Vọng Đông cho biết: “Vừa qua, địa phương đã nhận khiếu nại của bà Võ Thị Đủ yêu cầu bà Trần Thị Ni trả lại phần nhà, đất. Bà Đủ cho rằng số tài sản trên là tiền của bà từ Mỹ gửi về cho người mẹ mua và đứng tên giùm. Phía bà Ni khẳng định số tài sản trên do gia đình bà tạo dựng được; nhà, đất này đã làm giấy tờ hợp pháp từ nhiều năm qua cho con gái Võ Thị Mỹ Hạnh (đang nuôi dưỡng, chăm sóc bà). Chỉ riêng phần căn nhà bà đang ở là có phần hỗ trợ tiền của bà Đủ. Về nguồn gốc phần đất, cả hai đều nói là mua của vợ chồng ông Nguyễn Tấn Trung. Trên đất này tồn tại 2 căn nhà cấp 4 gần nhau, xây dựng đã khá lâu. Chúng tôi tổ chức hòa giải nhiều lần nhưng đều không thành, đã chuyển vụ việc về trên xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Luật sư Trần Ngọc Bản (Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) nhận định: “Trước khi Luật Nhà ở năm 2014 ra đời, pháp luật Việt Nam không cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài đứng tên sở hữu nhà, quyền sử dụng đất. Từ đó, việc chuyển tiền từ ngước ngoài về nhờ người thân mua tài sản, đứng tên giùm khá phổ biến. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp rất khó xem xét, giải quyết. Ngay cả trường hợp chứng minh có giao dịch việc chuyển tiền về mua tài sản, thì sự việc công nhận sở hữu nhà cũng phiền toái, thậm chí chịu thiệt thòi lớn do pháp luật chưa có quy định cụ thể. Về pháp luật hiện hành quy định, trường hợp chuyển tiền về cho người thân đứng tên giùm mua nhà, tài sản, người đứng tên có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng cũng như định đoạt tài sản. Thực tế xử lý các vụ việc cho thấy thường kéo dài do có yếu tố nước ngoài, quyền lợi của người nhờ mua tài sản giùm có thể không trọn vẹn, thậm chí bị cho là “hợp đồng giao dịch vô hiệu”. Khi giá trị nhà, tài sản tăng nhiều, có trường hợp phải chia cho người đứng tên (vì công sức quản lý nhà, quản lý tài sản) với tỷ giá khá cao, từ 50% trở lên”.
Bài, ảnh: NGUYỄN RẠNG