Tranh chấp phủ thờ

22/10/2020 - 05:29

 - Bức xúc vì người em trong tộc họ Nguyễn Thị Tuyết Nga tự ý kê khai hợp thức hóa quyền sử dụng đất phủ thờ rồi sang bán trái phép, bà Nguyễn Thị Thanh Tùng (ngụ khóm Tây Huề 3, phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên, An Giang) gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp.

Bà Tùng cho biết, ông nội bà (Nguyễn Văn Viên) có 6 người con. Ông chia đều cho mỗi người con 1 nền nhà ngang 9,2m, dài 15m. Phần đất phủ thờ khoảng 100m2 (ngang 5m, dài 20m), ông để cho cha bà (Nguyễn Văn Thạnh, con trai trưởng) đứng tên. Phủ thờ tọa lạc tại số 26/5, khóm Đông Thịnh 1 (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên). Lúc bấy giờ, anh em trong họ tộc đều đồng ý ký tên để lại cho ông Thạnh đứng tên.

"Sau đó, chú 6 tôi (ông Nguyễn Thành Nghĩa) xin cha tôi ở đậu trong phủ thờ, vì đất được chia ông đã bán. Thương tình, cha tôi cho ở từ năm 1971. Đến khi chú 6 tôi mất, thiếm 6 (bà Lê Thị Bê) nhiều lần kêu cha tôi làm tờ ủy quyền để thiếm làm giấy tờ, cha tôi không đồng ý. Ngày 11-7-2007, trên Đài Truyền thanh thông báo "ai có đất ở tại phủ thờ này thì đến văn phòng khóm Đông Thịnh 1 thông tin tranh cản, nếu không thì sẽ cấp giấy cho bà Nguyễn Thị Tuyết Nga (con gái của chú thiếm 6 tôi)". Biết tin, cha tôi cùng nhiều người trong họ hàng đứng ra tranh cản. Thế nhưng, không hiểu vì sao bà Bê làm được giấy tờ nhà đất để cho bà Nguyễn Thị Tuyết Nga đứng tên.

Hiện nay, nghe thông tin họ đang kêu bán phần đất và nhà phủ thờ này. Do vậy, tôi đại diện gia đình tộc họ tôi khiếu nại yêu cầu bà Nga, nếu không có nhu cầu sử dụng phủ thờ này thì giao cho chúng tôi quản lý. Nếu bán thì phải chia đều cho tất cả các anh, chị em trong tộc họ; đồng thời yêu cầu làm rõ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho bà có đúng trình tự thủ tục theo quy định không, trong khi có sự ngăn cản nhưng vẫn cấp” - bà Tùng đề nghị.

Phía bà Nga cho rằng: “Trước đây cha tôi ở dưới ghe, mấy anh em trong gia đình, tộc họ bên nội kêu cha tôi lên phần đất làm phủ thờ để cất nhà ở, nuôi cha mẹ già (thực tế nhà là do cha tôi cất). Trước đó có giao cho ông Nguyễn Văn Thạnh, nhưng không chịu ở đây mà vô phường Mỹ Hòa ở. Cha tôi về cất nhà để ở, nuôi cha mẹ từ năm 1971 đến nay. Năm 2003, ông Tân (anh ruột bà Tùng) và chú tôi đã thưa mẹ tôi, chính quyền mời giải quyết nhưng không ai tới. Năm 2007 thưa lần nữa nhưng cũng không đến theo yêu cầu của địa phương. Do vậy, năm 2009, nhà nước cấp GCNQSDĐ cho mẹ tôi. Năm 2010 mẹ tôi sang lại cho tôi đứng tên. Năm 2011, tôi thế chấp vay vốn làm ăn, nhưng do thua lỗ nên đến năm 2014 ngân hàng đã phát mãi, bên vợ của con trai tôi mua lại. Khiếu nại của bà Tùng không có cơ sở”.

Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND phường Mỹ Phước cho biết, sau khi nhận được đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Thanh Tùng, địa phương đã mời các bên đến hòa giải. Phía bà Tùng cho rằng phần đất căn nhà phủ thờ (diện tích khoảng 100m2) do ông, bà nội là Nguyễn Văn Viên, Phạm Thị Chà để lại cho cha bà là Nguyễn Văn Thạnh vào năm 1971 để làm phủ thờ chung (có sự thống nhất của anh em trong gia đình, tộc họ). Sau đó, ông Thạnh cho vợ chồng người em thứ 6 là Nguyễn Thành Nghĩa, Lê Thị Bê mượn để ở. Nay chú thiếm đã qua đời nên yêu cầu bà Nga trả lại phần đất phủ thờ này để làm phủ thờ chung ông bà, cha mẹ.

Về phía bà Nguyễn Thị Tuyết Nga thì cho rằng, phần đất trên là của cha mẹ bà đã ở hợp pháp  từ năm 1971 đến nay, năm 2009, bà Lê Thị Bê được cấp GCNQSDĐ, sau đó mẹ và anh chị em đồng ý để lại cho bà Nga đứng tên. Do cần vốn làm ăn nên bà Nga đã thế chấp vay vốn ngân hàng. Không hoàn tất nghĩa vụ nên ngân hàng quản lý và hóa giá phát mãi. Bà Nga không đồng ý trả lại đất theo yêu cầu của bà Tùng.

Ông Nguyễn Phúc Trí có ý kiến, phần đất căn nhà này ông mua lại của Trung tâm đấu giá nhà đất vào năm 2017, đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp GCNQSDĐ số CS10222 ngày 10-3-2017, với diện tích 164,9m2, thửa đất số 174, tờ bản đồ sồ 2. Phần đất này hiện nay thuộc quyền sử dụng của cá nhân ông, vì vậy việc bà Tùng tranh chấp phần đất này không liên quan đến ông. Hội đồng hòa giải phường đã động viên, giải thích các bên đương sự thỏa thuận, nhưng không đi đến thống nhất. Hòa giải không thành, hướng dẫn các bên có quyền gửi đơn tranh chấp đến tòa án để được xem xét giải quyết.

Bài, ảnh: K.N