Tranh chấp quyền sử dụng đất

17/01/2019 - 07:40

 - Bà Nguyễn Thị Bé (ngụ ấp Bình Trung 1, xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân) cho rằng: Tòa án nhân dân (TAND) giải quyết vụ tranh chấp quyền sử dụng đất chưa thấu tình đạt lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình bà.

Theo trình bày của bà Bé, phần đất tranh chấp tọa lạc tại xã Bình Thạnh Đông (Phú Tân). Số đất này do ông Ngô Văn Út (ông cố của bà) đứng tên trong tờ khẩn đất 1901. Ông Út có 8 người con, gồm: Ngô Đơn Quế, Ngô Thị Phan, Ngô Thị Duyên (bà ngoại bà Bé), Ngô Phú Thọ, Ngô Thị Tám, Ngô Ngọc Thân, Ngô Thị Nhất và Ngô Cửu Phẩm. Lúc qua đời, ông không để lại di chúc, cũng không phân chia cho ai, con cháu đều có quyền ở. Lúc bấy giờ, ông Phẩm có căn nhà trên phần đất này. Khi ông Phẩm mất, con ông bán nhà cho ông Ngô Ngọc Thùy (con ông Thân). Ông Thùy không ở, thu xếp căn nhà lại, bỏ nền đất trống.

Vợ chồng bà Bé trình bày vụ việc

Năm 1958, bà Duyên cất nhà ở trên phần đất này, sau khi qua đời, để lại cho bà Trần Thị Còn (mẹ bà Bé) tiếp tục sử dụng đất, không bị ai tranh chấp. Năm 2005, bà Còn mất, bà Bé cùng các con sử dụng ổn định đến nay; hàng năm làm nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. “Năm 2007, ông Ngô Tấn Sĩ (cháu nội ông Thân) phát sinh tranh chấp với tôi. UBND huyện Phú Tân và UBND tỉnh giải quyết: bác yêu cầu khiếu nại của ông Sĩ; việc ông Sĩ yêu cầu tôi trả đất là không có cơ sở giải quyết; công nhận hiện trạng sử dụng đất cho gia đình tôi. Sau đó, ông Sĩ và một số người khác khởi kiện tôi đến TAND. Ngày 4-1-2018, TAND huyện Phú Tân xử sơ thẩm, buộc tôi và các con phải di dời nhà, trả lại 218,2m2 đất cho các nguyên đơn. Tôi kháng cáo, TAND tỉnh xử phúc thẩm buộc tôi và các con dỡ nhà trả đất. Điều này thật bất hợp lý, bởi đây là đất chung của ông bà, gia đình tôi cất ở 60 năm nay, đóng thuế cho Nhà nước đầy đủ. Giờ buộc tôi tháo dỡ, tôi phải ở đâu, sinh sống như thế nào? Mong cơ quan thẩm quyền xem xét giải quyết hợp tình hợp lý, đem lại công bằng cho gia đình tôi” - bà Bé mong mỏi.

Phía gia đình ông Ngô Tấn Sĩ cho rằng: “Phần đất căn nhà gia đình bà Bé đang ở là của ông Thùy (nhận chuyển nhượng từ ông Phẩm). Năm 1958, ông Thân kêu bà Duyên cho mượn đất cất nhà ở. Khi bà Duyên qua đời, bà Còn tiếp tục hỏi ở nhờ trên đất. Vì tình thân nên các bên không phát sinh tranh chấp. Năm 2005, bà Còn mất, con nuôi của bà (Nguyễn Thị Bé) quản lý, tiếp tục ở trong căn nhà này và phát sinh tranh chấp đến nay. Vụ việc đã qua hai cấp xét xử, đều buộc gia đình bà Bé di dời nhà, trả đất cho chúng tôi là hoàn toàn hợp lý. Chúng tôi cũng đồng ý tự nguyện hỗ trợ một số tiền để họ di dời nơi khác, có chỗ ở ổn định”.

Việc tranh chấp đòi quyền sử dụng đất giữa gia đình ông Ngô Tấn Sĩ với bà Nguyễn Thị Bé phát sinh từ năm 2006 đến nay, đã qua nhiều cấp giải quyết, xét xử (UBND huyện, UBND tỉnh, TAND huyện và TAND tỉnh). Tại Bản án số 203/DSPT ngày 14-11-2018, TAND tỉnh nhận thấy: 281,2m2 đất tranh chấp do gia đình bà Bé quản lý sử dụng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Phần đất này do cha của ông Sĩ (Ngô Ngọc Thùy) chuyển nhượng của người khác và ông nội của ông Sĩ (Ngô Ngọc Thân) cho bà Ngô Thị Duyên ở nhờ trên đất, nên ông Thùy có quyền đòi lại đất. Khi bà Duyên về cất nhà trên đất của ông Thùy, ông Thân chưa thể hiện ý chí tặng, cho đất bà Duyên. Phía gia đình bà Bé không chứng minh phần đất này được gia đình ông Thùy tặng, cho hoặc chuyển quyền sử dụng. Nên việc bà Bé cho rằng “đã quản lý đất ở liên tục chiếm hữu ngay tình trên 30 năm thì đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp theo Điều 236” là không phù hợp. Vì theo quy định Khoản 2, Điều 187 và Khoản 3, Điều 188 Bộ luật Dân sự năm 2015, bị đơn không thể trở thành chủ sử dụng đất hợp pháp đối với đất đang tranh chấp. Do vậy, cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ. Bản án phúc thẩm tuyên xử: chấp nhận một phần kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Phú Tân; không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của gia đình bà Bé; sửa Bản án sơ thẩm số 01/2018/DSST ngày 4-1-2018 của TAND huyện Phú Tân. Theo đó, bà Bé và các con có trách nhiện hoàn trả 281,2m2 đất ở nông thôn cho phía nguyên đơn, đồng thời được quyền lưu cư 6 tháng để chuẩn bị nơi ở khác kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Đồng thời, ghi nhận sự tự nguyện của phía nguyên đơn: hoàn giá trị nhà, vật kiến trúc trên đất cho bị đơn, số tiền 170 triệu đồng; bồi thường giá trị các cây trồng trên đất là 3.580.000 đồng.

Không đồng ý với bản án trên, hiện nay, gia đình bà Bé tiếp tục gửi đơn đến TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đề nghị giám đốc thẩm bản án số 203 ngày 14-11-2018 của TAND tỉnh.

Bài, ảnh: K.N