Tháng 11/2018, Tân Hoa Xã (Trung Quốc) đã giới thiệu người dẫn chương trình truyền hình ảo, được tạo ra bằng phần mềm và tích hợp trí tuệ nhân tạo (A.I) đầu tiên trên thế giới.
Người dẫn chương trình A.I này được dựng thành mô hình kỹ thuật số dựa trên hình ảnh của một người thật, sau đó sử dụng kỹ xảo máy tính để tạo khẩu hình, biểu cảm khuôn mặt… khi lên sóng. Giọng đọc của người dẫn chương trình này cũng được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo.
Đến tháng 2/2019, Tân Hoa Xã tiếp tục giới thiệu một người dẫn chương trình khác được tích hợp A.I, nhưng với gương mặt và giọng đọc nữ. Tân Hoa Xã cho biết giọng nữ khi xử lý bằng trí tuệ nhân tạo có thể tạo được sự hấp dẫn và lôi cuốn hơn khi đọc nội dung.
2 người dẫn chương trình ảo tích hợp trí tuệ nhân tạo là sản phẩm hợp tác giữa Tân Hoa Xã và hãng công nghệ Sogou (công ty con của Tencent), có trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh.
Giờ đây, khi trí tuệ nhân tạo đang gây nên một "cơn sốt" trên toàn cầu, với ngày càng nhiều sản phẩm được tích hợp trí tuệ nhân tạo, trào lưu người dẫn chương trình ảo tích hợp A.I đã xuất hiện tại nhiều đài truyền hình ở châu Á.
Vào tháng 4 vừa qua, kênh truyền hình India Today giới thiệu người dẫn chương trình tạo ra bởi phần mềm, được tích hợp A.I, có tên Sana. Cô sở hữu làn da trắng, mái tóc đen dài và dẫn những chương trình truyền hình bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
India Today cho biết Sana có thể dẫn chương trình bằng 75 ngôn ngữ, bao gồm tiếng Anh, Pháp, Hindi…
Sana, người dẫn chương trình ảo tích hợp A.I, tham gia dẫn chương trình cùng một người thật trên kênh của India Today (Ảnh: Handout).
Không lâu sau đó, một kênh truyền hình khác của Ấn Độ là Odisa TV cũng đã giới thiệu người dẫn chương trình ảo được tích hợp A.I, có tên Lisa. Cô xuất hiện trong bộ sari truyền thống của Ấn Độ, dẫn chương trình bằng tiếng Hindi và tiếng Odia, một ngôn ngữ địa phương tại Ấn Độ.
Giọng nói của 2 người dẫn chương trình này đều được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo. Họ cũng có những biểu cảm trên gương mặt khi dẫn chương trình, nhưng không thực hiện các động tác tay như người dẫn thật.
Cũng trong tháng 4, tvOne - một trong những mạng lưới truyền hình miễn phí được xem nhiều nhất tại Indonesia - cũng đã giới thiệu 3 người dẫn chương trình được tích hợp trí tuệ nhân tạo, có tên lần lượt là Sasya, Nadira và Bhoomi.
Quốc gia láng giềng Malaysia cũng đã giới thiệu 2 người dẫn chương trình ảo, được tạo ra bằng phần mềm và tích hợp A.I, có tên gọi Joon và Monica.
Trong khi Joon xuất hiện với hình ảnh một người đàn ông châu Á và đọc bản tin bằng tiếng Malaysia, thì Monica lại có gương mặt của một cô gái phương Tây và đọc tin tức bằng tiếng Anh.
Joon và Monica, 2 người dẫn chương trình ảo của Malaysia (Ảnh: Astro Awani).
Kênh truyền hình FTV News của Đài Loan mới đây cũng đã giới thiệu một người dẫn chương trình ảo được tích hợp A.I, chịu trách nhiệm dẫn chương trình thời tiết.
Người dẫn chương trình ảo này chưa được đặt tên, là sản phẩm được tạo ra bởi công ty phát triển trí tuệ nhân tạo AIGC.
Không nằm ngoài trào lưu người dẫn chương trình ảo, hãng truyền thông Kuwait News (Kuwait) cũng đã giới thiệu một người dẫn chương trình thời sự được tích hợp A.I, có tên gọi Fedha. Cô gái này sở hữu phong cách ăn mặc và gương mặt phương Tây, thay vì mặc những bộ trang phục truyền thống của Kuwait.
Fedha được sử dụng để đọc các bản tin thời sự bằng tiếng Anh và tiếng Ả Rập. Cô có biểu cảm gương mặt và mấp máy miệng như người thật, nhưng phần cơ thể vẫn chưa có được sự chuyển động.
Những tranh cãi khi sử dụng người dẫn chương trình ảo tích hợp A.I
Việc sử dụng người dẫn chương trình ảo đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận lẫn các chuyên gia về truyền thông.
Ưu điểm không thể chối cãi của người dẫn chương trình ảo đó là có thể làm việc liên tục mà không cần nghỉ ngơi, giúp nâng cao hiệu quả làm việc và giảm chi phí sản xuất chương trình truyền hình.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng việc sử dụng người dẫn chương trình ảo với giọng đọc bằng máy sẽ làm mất đi sự hấp dẫn và lôi cuốn của các chương trình truyền hình, người xem sẽ cảm thấy nhàm chán khi không còn nhìn thấy được những biểu cảm thực sự của con người trước những tin tức chấn động hoặc gây sốc.
Chắc chắn đối tượng lo ngại nhất khi xuất hiện người dẫn chương trình ảo đó là những biên tập viên, dẫn chương trình tại các đài truyền hình, khi họ đối mặt với nguy cơ bị A.I chiếm mất công việc.
Dù vậy, trên thực tế để A.I có thể thay thế hoàn toàn con người trong công việc dẫn chương trình truyền hình vẫn cần rất nhiều thời gian. Điều đó chưa thể xảy ra ở thời điểm hiện tại.
Theo Dân Trí