Trâu Sấm – Trâu Sét và huyền thoại thời mở đất

12/02/2021 - 00:57

 - Cùng với 3 điểm tín ngưỡng tâm linh nổi tiếng gắn liền giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương là: chùa Phật Thới Sơn, đình Thới Sơn và chùa Phước Điền, các thế hệ đệ tử của Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên còn thành kính biết ơn đôi Trâu Sấm – Trâu Sét, bởi công lao to lớn từ những ngày đầu mở đất.

Huyền thoại ly kỳ

Có dịp đến chùa Phước Điền tại xã Thới Sơn (Tịnh Biên), tôi đã tận mắt chứng kiến 2 bức tranh Trâu Sấm – Trâu Sét vẽ tỉ mỉ trên tường của ngôi cổ tự này. Người dân địa phương đến nay vẫn lưu truyền 2 câu thơ: “Xưa kia Phật cũng đi cày/Trâu Sấm– Trâu Sét tạo nên Phước Điền”. Đến nay, huyền thoại về Trâu Sấm – Trâu Sét không có sách vở nào ghi lại, chỉ tồn tại qua lời kể của những thế hệ người dân Thới Sơn. Trong đó, ông Trần Văn Thao, Phó Trưởng ban Quản lý Khu di tích lịch sử cách mạng chùa Phước Điền - cháu cố của ông Đạo Sang (Trần Văn Sang), là người còn nhớ rõ những huyền thoại liên quan đến Trâu Sấm– Trâu Sét thông qua lời kể của cha mình.

“Nói đến Trâu Sấm – Trâu Sét thì đó là một câu chuyện dài với nhiều huyền thoại mà bản thân tôi được các thế hệ đi trước kể lại. Theo tôi được biết, 2 “ông” trâu này vốn là của một gia đình người Khmer định cư ở khu vực núi Bà Khẹt thời bấy giờ. Nhưng do bản tính hung dữ, chúng thường chém chết những con trâu khác trong vùng và ngay cả người cũng bị tấn công. Do đó, người chủ của đôi trâu mới đến chùa Tây An ở núi Sam tìm gặp Phật thầy để xin cho đôi trâu, vì nghĩ rằng ngài có thể chế ngự chúng. Nghe qua, Phật thầy liền cử ông Tăng Chủ (Bùi Thiền Sư) cùng với chủ của đôi trâu đến núi Bà Khẹt để thu phục chúng” – ông Trần Văn Thao kể.

Chùa Phước Điền, nơi lưu giữ huyền thoại ky kỳ về Trâu Sấm – Trâu Sét

Trước khi đi, Phật thầy giao cho ông Tăng Chủ 2 tấm đạo phù để dùng đến khi cần thiết. Khi đến khu vực đôi trâu nằm, người chủ không dám lại gần mà chỉ để ông Tăng Chủ đối mặt với chúng. Nhìn thấy ông Tăng Chủ, đôi trâu lập tức đứng lên “nghênh mặt” đầy hung dữ. Lúc này, ông Tăng Chủ liền bảo: “Thầy ta bảo đến gọi 2 ngươi về thọ lệnh. Nếu đồng ý theo ta thì cúi đầu, thẳng hướng núi Sam!”. Lập tức, đôi trâu cúi đầu và đi thẳng về hướng núi Sam, chấp nhận theo phò Phật thầy Tây An.

Về sau, đôi Trâu Sấm – Trâu Sét đã góp công lớn trong việc kéo gỗ từ núi Cấm về dựng chùa Phước Điền. Tuy nhiên, chúng chỉ làm việc tới 9 giờ sáng hàng ngày theo lời dạy của Phật thầy Tây An, mà không nghe người nào khác. Hàng ngày, các đệ tử của Phật thầy chỉ thắp hương, khấn “ông” Trâu Sấm – Trâu Sét về kéo gỗ thì dù có đi đâu xa mấy đôi trâu cũng chạy về thọ lệnh. “Hai “ông” không chấp nhận việc có người làm nài điều khiển mình. Chỉ tự mang ách, hùng hục kéo gỗ về để xây chùa Phước Điền. Nếu trong làng có người muốn gửi củi, gửi gỗ để các đệ tử của Phật thầy chất lên xe chở về thì cũng bị 2 “ông” dùng sừng hất xuống đất. Bởi lẽ, 2 “ông” này chỉ nhận việc kéo gỗ xây chùa mà thôi!” – ông Trần Văn Thao tiếp lời.

Sau khi hoàn thành việc xây chùa Phước Điền, Trâu Sấm – Trâu Sét vẫn tiếp tục đi khắp nơi. Lo ngại bản tính hung dữ của 2 “ông” có thể làm hại dân lành nên Phật thầy Tây An gọi ông Tăng Chủ lên núi Dài Năm Giếng lấy gỗ về làm 5 chiếc cọc để ngài ban phép. Sau đó, bảo ông Tăng Chủ đi cắm tại các vùng Cái Dầu, Mỹ Đức, Nhà Láng để “làm ranh” với mục đích chỉ cho Trâu Sấm – Trâu Sét đi ăn từ khu vực này trở về tới chùa Phước Điền mà thôi.

Niềm tin tín ngưỡng thiêng liêng

Sau khi vùng đất Hưng Thới - Xuân Sơn được hình thành với ruộng đồng, vườn rẫy tươi tốt, Trâu Sấm – Trâu Sét vẫn tới lui chùa Phước Điền. Trước đây, cạnh chùa Phước Điền có một hồ nước lớn là nơi Trâu Sấm - Trâu Sét thường hay về nằm nghỉ. Về sau, hồ nước này bị lấp đi nhưng vẫn tồn tại trong ký ức của các thế hệ người dân định cư ở vùng Thới Sơn.

“Bản thân tôi không biết Trâu Sấm – Trâu Sét sau này còn hay mất thế nào, chỉ biết người ta tìm ra mộ và nói là của 2 “ông”. Mộ được xây gạch bốn bề và có những khúc xương trắng lớn. Tuy nhiên, lại không có phần sừng hay móng trâu ở đó. Vì vậy, cũng chưa thể khẳng định đây là mộ của Trâu Sấm – Trâu Sét mà tất cả chỉ là lời đồn đoán từ dân gian. Đặc biệt, các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương vẫn khắc ghi công ơn của 2 “ông” trong quá trình xây dựng nên chùa Phước Điền cho đến ngày nay” – ông Trần Văn Thao khẳng định. Ban Quản lý Khu di tích lịch sử cách mạng chùa Phước Điền đã đề xuất với UBND huyện Tịnh Biên cũng như các sở, ngành cho phép xây dựng tượng Trâu Sấm – Trâu Sét, trong khu vực chùa. Đây là công trình mang tính tín ngưỡng đặc thù, ghi dấu ấn tâm linh ở vùng đất linh thiêng và có truyền thống cách mạng như Thới Sơn.

Ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng ban Quản lý Khu di tích lịch sử cách mạng chùa Phước Điền cho biết: “Nếu như đình Thới Sơn có tượng cá sấu Năm Chèo là biểu tượng tâm linh, thì chùa Phước Điền cũng có Trâu Sấm - Trâu Sét với huyền thoại rất ly kỳ, nhận được sự quan tâm của đông đảo khách hành hương. Do đó, việc xây dựng tượng Trâu Sấm – Trâu Sét là rất cần thiết để nhắc nhở thế hệ sau không quên công ơn của các bậc tiền nhân đã đến đây khai sơn phá thạch, định làng lập ấp. Không chỉ chúng tôi, mà tín đồ khắp nơi đều mong muốn có thể xây dựng tượng Trâu Sấm – Trâu Sét nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của mọi người”.

Hiện nay, UBND huyện Tịnh Biên đang tiến hành các thủ tục xin phép UBND tỉnh cho chủ trương xây dựng tượng các linh vật gắn liền với những huyền thoại liên quan đến Phật thầy Tây An là cá sấu Năm Chèo, Trâu Sấm – Trâu Sét từ nguồn vốn xã hội hóa. Khi các công trình này hoàn thành sẽ góp phần phát triển hoạt động du lịch tâm linh, tạo điều kiện cho khách tham quan được tìm hiểu, khám phá về những huyền sử kỳ bí của vùng đất Thới Sơn anh hùng, vốn là “cái nôi” Văn hóa tín ngưỡng vùng Bảy Núi.

Câu chuyện về Trâu Sấm – Trâu Sét dù chỉ tồn tại qua lời kể nhưng đã trở thành một phần không thể thiếu trong chuỗi tín ngưỡng tâm linh của vùng đất Thới Sơn. Do đó, việc xây tượng của đôi trâu này bên cạnh mục đích phát triển du lịch tâm linh còn thể hiện ý nghĩa nhân văn rất lớn. Đó là sự trân trọng của những người hôm nay đối với công lao của tiền nhân, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống văn hóa tín ngưỡng tại địa phương trên chặng đường xây dựng và phát triển.

THANH TIẾN