Chị P.T (40 tuổi, quận 3, TP.HCM) không tránh khỏi tâm lý áy náy khi hai con nhỏ đồng loạt phải đeo kính dù mới học tiểu học.
Cách đây 3 tháng, bé trai L.A (6 tuổi) mắc COVID-19 mức độ nhẹ. Ngoài sốt, ho, bé còn bị đau mắt, đỏ mắt. Sau khi khỏi COVID-19, cậu bé thường xuyên dụi mắt nhưng do thời điểm đó còn dịch nên chị trì hoãn khám bệnh.
Đỉnh điểm là khi mắt của con phồng lên như bị bỏng, chị đưa con đến bác sĩ và kết luận bị viêm kết mạc.
Mắt của L.A sưng phồng sau khi khỏi COVID-19 khiến người mẹ nghĩ đến di chứng hậu nhiễm.
Trong khi đó, bé gái tên M.A (9 tuổi), học online nhiều hơn em trai, thường hay nheo mắt, than đau đầu. Khi chuẩn bị đi học trực tiếp trở lại, thấy mắt các con không khỏe, chị đưa con đi khám và đo khúc xạ. Kết quả, bé trai bị cận và loạn thị, bé gái bị cận đến 2 độ.
“Bác sĩ mắng té tát vì tôi đi khám muộn quá. Con tôi không phải hậu Covid gì cả mà cận thị vì học online nhiều quá. Tôi có hỏi con sao không nói mắt mình kém thì nó bảo sợ đeo kính, sợ bạn trêu, sợ xấu nên cứ cố gắng.
Giá như tôi chú ý hơn và đưa đi khám sớm, có lẽ con không bị cận nặng như vậy”, chị tâm tư.
Chị P.T. không phải phụ huynh duy nhất sống trong lo lắng vì dịch bệnh và học online kéo dài. Bác sĩ Dương Hoàng Đông, Khoa Mắt – Kỹ thuật cao, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) cho biết, số trẻ đến khám mắt những ngày qua có dấu hiệu tăng nhẹ. Phần đông là trẻ bị đau mắt đỏ, viêm kết mạc. Nhiều phụ huynh lo lắng đây là hậu quả sau khi trẻ mắc COVID-19.
“Trẻ đến khám mắt tăng cũng dễ hiểu vì sau giãn cách và dịch bệnh kéo dài, trẻ đi học trực tiếp trở lại, những vấn đề về mắt cũng xuất hiện theo. Thêm nữa, bệnh về mắt cũng theo mùa hoặc do vệ sinh, không thể kết luận vì COVID-19 được”, bác sĩ Đông nói.
Thực tế cho thấy, trẻ học online đa số xuất hiện tình trạng khô mắt, mỏi điều tiết, nhức đầu, căng thẳng, rung giật cơ mí… Có trường hợp đến viện khi đã mắc hội chứng TIC ở cơ mắt, cơ mí (TIC là rối loạn cử động bất thường của các cơ, lặp đi lặp lại không kiểm soát được).
Bác sĩ Đông cho rằng, mắt cần được nghỉ ngơi sau thời gian nhìn màn hình máy tính, điện thoại học online. Thế nhưng nhiều em tranh thủ chơi game, xem phim. Ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử càng có hại cho mắt nếu thời gian tiếp xúc kéo dài.
“Bệnh nhân chủ yếu là trẻ trong nhóm tiểu học từ 6-10 tuổi. Cha mẹ cần chú ý trẻ cần có tối thiểu 2 giờ/ngày tiếp xúc với ánh sáng trời. Càng tiếp xúc lâu với máy tính, trẻ càng bị hạn chế hoạt động ngoài trời và không tốt cho mắt”, bác sĩ cảnh báo.
Cha mẹ có thể nhận biết nếu trẻ thường nheo mắt, học không tập trung, không chú ý, hay than nhức đầu… Ở trẻ cận thị, nếu không đo khúc xạ, không đeo kính phù hợp, mắt trẻ có thể bị tăng độ không kiểm soát, bong võng mạc thậm chí biến chứng nặng đến mức gây mù lòa.
Cũng theo bác sĩ Đông, bệnh nhân người lớn cũng tăng nhẹ, chủ yếu là viêm kết mạc. “Nhiều người than thở mắc viêm kết mạc vì họ bị hậu COVID-19, nhưng theo quan sát của chúng tôi, chủ yếu là do tâm lý. Khi chưa xuất hiện dịch bệnh thì nhiều người cũng đã bị viêm kết mạc theo mùa, do vệ sinh mắt, do virus…”
Các bác sĩ khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe cho đôi mắt, nên vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý 0.9%. Trường hợp mắc COVID-19 hay đã khỏi bệnh cần hạn chế nhìn điện thoại, máy tính, các thiết bị điện tử trong thời gian dài. Trẻ nhỏ cần được quản lý thời gian tiếp xúc với điện thoại, máy tính, hạn chế sử dụng trong 1 giờ trước khi ngủ.
Người đã khỏi COVID-19 có tình trạng đau mắt đỏ, cộm, nhức nhiều ngày, nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, điều trị, tránh biến chứng nặng.
Theo LINH GIAO (VietNamNet)