Tri Tôn phát triển sản phẩm du lịch

23/10/2023 - 17:46

 - Tri Tôn (tỉnh An Giang) là huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch (DL), với những nét độc đáo về văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh… Phát huy lợi thế đó, chính quyền địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển hạ tầng, loại hình, sản phẩm DL nhằm thu hút du khách. Qua đó, góp phần cải thiện đời sống, giảm nghèo cho cộng đồng dân cư.

Đa dạng loại hình, sản phẩm du lịch

Tri Tôn là huyện miền núi, biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer sinh sống. Toàn huyện có 140 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 7 di tích cấp quốc gia, 5 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, với đặc thù địa phương có đông đồng bào DTTS Khmer sinh sống, Tri Tôn có hệ thống các đền, chùa và các lễ hội nổi tiếng. như: Tết Chol Chnam Thmay, lễ Sene Dolta, Ok Om Bok, Hội đua bò Bảy Núi... Cùng với đó là các hình thức sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật độc đáo, như: Đàn chà-pây, chầm riêng, hát dì kê, múa lâm thôn...

Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang cho biết, trên địa bàn huyện còn có nhiều công trình DL được du khách gần xa biết đến. Điển hình như Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đồi Tức Dụp (xã An Tức), hồ Ô Thum (xã Ô Lâm); hồ Soài Chek, hồ Tà Pạ, hồ Soài So (xã Núi Tô); hồ Ô Tà Sóc (xã Lương Phi); Ô Đá (thị trấn Ba Chúc); Ô Hồng Hoàng (xã Lê Trì).

Ngoài ra, địa phương còn có các điểm tham quan thuộc di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật của đồng bào DTTS Khmer. Nổi bật nhất là Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Xvayton (thị trấn Tri Tôn); Nhà mồ Ba Chúc (thị trấn Ba Chúc); Khu di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc (xã Lương Phi)…

Cơ sở hạ tầng du lịch huyện Tri Tôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp

Ngoài các địa điểm DL, huyện Tri Tôn có nhiều món ăn đặc sản, níu chân du khách. Đó là những món ăn mang bản sắc của đồng bào DTTS Khmer, như: Gà đốt, ếch nướng, gỏi đu đủ đâm, bánh canh, cháo bò… Cùng với đó là các ngành nghề truyền thống, như: Làm gốm, đường thốt nốt, cốm dẹp, bánh phồng mì, bánh kà-tum, bánh bò thốt nốt… Đây đều là nguồn tài nguyên có giá trị cho phát triển DL địa phương.

Đặc biệt, vào các ngày lễ lớn trong năm, huyện Tri Tôn còn tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao thu hút đông đảo du khách. Tính riêng trong năm 2022 và đầu năm 2023 đến nay, địa phương đã tổ chức các hoạt động, như: Biểu diễn dù lượn có động cơ “Bay trên Phụng Hoàng Sơn”; Lễ hội khinh khí cầu và chương trình văn nghệ, múa cộng đồng; đua bò Bảy Núi.

Đồng thời, tổ chức biểu diễn dù lượn “Bay giữa mùa lễ hội”; đón 4 đoàn caravan với quy mô từ 30 xe trở lên đi qua các điểm DL trên địa bàn huyện, Hội đua bò Bảy Núi lần thứ 28… DL góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Xây dựng, nâng cấp hạ tầng, điểm du lịch

Ngoài đa dạng các loại hình, sản phẩm DL, huyện Tri Tôn đã tập trung chỉnh trang, tôn tạo các điểm tham quan, di tích lịch sử - văn hóa trọng điểm của huyện. Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang cho biết, đến nay, đã sửa chữa, nâng cấp các công trình, như: Chùa Phi Lai, chùa Tam Bửu, chùa Tà Miệt trên, chùa Svayton, Bia cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, các đình, miếu... với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng.

Địa phương đồng thời triển khai các dự án hạ tầng giao thông liên kết các khu, điểm tham quan, DL trên địa bàn huyện. Điển hình như cung đường cánh đồng trâm dưới chân Phụng Hoàng Sơn, dài trên 1.000m. Việc xây dựng đường vào sân đua bò, thuộc Khu liên hợp Thể thao, Du lịch Tà Pạ - hồ Soài Chek (xã Núi Tô) với chiều dài 450m; hoàn thiện cung đường nối liền hồ Soài So với hồ Soài Chek chiều dài 1.900m… Theo ông Giang, tổng kinh phí để đầu tư, phát triển hạ tầng DL của huyện trên 51,3 tỷ đồng, trong đó, vận động xã hội hóa gần 32,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bức tranh DL huyện Tri Tôn vẫn chưa thật sự ấn tượng. Nguyên nhân, do sản phẩm DL còn đơn điệu, chủ yếu dựa vào tài nguyên sẵn có; đầu tư về cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế. Doanh nghiệp DL của huyện chưa nhiều; hệ thống quán ăn, nhà nghỉ; dịch vụ vui chơi, giải trí, chưa phong phú; chưa gắn kết nhiều tour, tuyến DL với các lễ hội, các loại hình nghệ thuật... của địa phương.

Với định hướng phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian tới, huyện Tri Tôn tập trung phát triển các loại hình DL đặc trưng gắn với bảo vệ môi trường. Cụ thể, như: DL tham quan các di tích văn hóa, lịch sử cách mạng, danh lam thắng cảnh; DL tâm linh… Tập trung phát triển loại hình DL sinh thái, DL cộng đồng ở các xã Ô Lâm, Tân Tuyến, Lê Trì, cùng với phát triển DL tại Khu Liên hợp Văn hóa - Thể thao Du lịch Soài Chek. Đồng thời, phát triển các loại hình DL thể thao mạo hiểm, thể thao dân tộc, như: Đua bò, dù lượn, diều lượn, khinh khí cầu…

 Mặt khác, huyện Tri Tôn tiếp tục triển khai chiến lược về phát triển sản phẩm DL; phát triển thị trường khách DL nội địa và quốc tế. Trong đó, ưu tiên phát triển DL văn hóa, sinh thái, tâm linh… trên cơ sở khai thác tài nguyên và gắn kết các sản phẩm liên ngành; hình thành các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm, như: DL làng nghề, DL ẩm thực...

Địa phương đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng nhất là hạ tầng DL; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các loại hình DL. Kêu gọi các đơn vị quảng bá DL địa phương và triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển DL…

ĐỨC TOÀN