Triển khai xử lý vi phạm về nồng độ cồn: Quân pháp bất vị thân

03/10/2023 - 18:29

Chỉ tính riêng từ ngày 30/8 đến ngày 25/9, có 160 trường hợp người điều khiển xe là công chức, công an, bộ đội, nhà báo vi phạm nồng độ cồn, được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Kiểm tra nồng độ cồn tài xế xe ôtô tại vòng xoay Tượng đài Chiến Thắng, thành phố Phan Thiết. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn quốc đã triển khai quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Cục Cảnh sát Giao thông đã bố trí 6 tổ công tác tỏa ra nhiều địa phương, phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an các tỉnh, thành phố xử lý các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Tối 26/9, chỉ sau hơn 3 tiếng kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển xe máy và ôtô trên tuyến đường Hùng Vương, thành phố Đông Hà, Tổ công tác của Cục Cảnh sát Giao thông và lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Quảng Trị, Công an thành phố Đông Hà đã xử lý 29 trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy.

Từ ngày 23-25/9, Công an tỉnh Bắc Giang huy động 218 lượt cán bộ, chiến sỹ phối hợp với lực lượng của Cục Cảnh sát Giao thông kiểm tra, xử lý 288 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 52 người điều khiển ôtô, 236 người điều khiển môtô, xe gắn máy và xe máy điện các loại.

Riêng ngày 25/9, trong tổng số 97 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, có tới 90 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, nhiều trường hợp vi phạm ở mức kịch khung.

Ngày 30/9, Tổ công tác số 4 thuộc Cục Cảnh sát Giao thông phối hợp với Công an tỉnh Tây Ninh ra quân tổng kiểm soát về kiểm soát xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách, xe ôtô vận tải hàng hóa bằng container và xử lý các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông.

Trong ngày đầu ra quân, lực lượng chức năng đã xử lý 56 lái xe vi phạm nồng độ cồn (10 trường hợp điều khiển ôtô, 46 trường hợp điều khiển môtô) và 3 trường hợp vi phạm khác.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát Giao thông, từ ngày 30/8 đến ngày 25/9, các tổ công tác Cục Cảnh sát Giao thông phối hợp với Công an địa phương trực tiếp kiểm soát 104.799 phương tiện (59.153 xe ôtô, 45.646 xe môtô và xe máy điện), phát hiện và bàn giao cho Công an các đơn vị địa phương lập biên bản xử lý 3.617 trường hợp (936 trường hợp đi ôtô, 2.670 trường hợp đi môtô, 11 trường hợp đi xe máy điện).

Trong số đó, 3.453 trường hợp (885 đi ôtô, 2.558 đi môtô, 10 đi xe máy điện) vi phạm về nồng độ cồn, 35 trường hợp (10 đi ôtô, 24 đi môtô, 1 đi xe máy điện) không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.

Tính chung trong 9 tháng năm 2023, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý hơn 2,5 triệu trường hợp vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trong đó hơn 550.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm 22% tổng số trường hợp bị xử phạt.

 

Ông Huỳnh Văn Sâm (áo trắng), cán bộ thuế ở Bình Dương không chấp hành việc đo nồng độ cồn của lực lượng chức năng. (Ảnh: TTXVN phát)

Việc xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn - một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông - được Cục Cảnh sát Giao thông nhấn mạnh là xuyên suốt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Điều này được thể hiện bằng những kết quả cụ thể với việc không ít trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, thậm chí cả những người trong ngành Công an, vi phạm nồng độ cồn đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đơn cử như ngày 23/9, các tổ công tác của Cục phối hợp với Công an 5 địa phương: Bắc Giang, Đắk Lắk, Trà Vinh, Nghệ An, Hà Tĩnh trực tiếp kiểm soát phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn.

Trong số 199 trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, một trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, có 3 trường hợp khai nhận là phóng viên, nhà báo và 7 cán bộ, công chức, gồm hai cán bộ, công chức tỉnh Bắc Giang là Phó Giám đốc Trung tâm Quỹ đất thành phố Bắc Giang, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Bắc Giang; 5 cán bộ, công chức tỉnh Đắk Lắk là Giám đốc Bưu điện thành phố Buôn Ma Thuột, Trưởng Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Ea Kar; Phó Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Ea Kar, Giám đốc Trạm Đăng kiểm số 4703D và cán bộ Chi cục Thú y Đắk Lắk.

Trước đó, vào tối 22/9, Tổ công tác số 5 của Cục Cảnh sát Giao thông phối hợp với Công an thành phố Vinh (Nghệ An) tổ chức kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế Lê Xuân Hùng, điều khiển ôtô biển xanh 37A-000.98, kết quả tài xế vi phạm nồng độ cồn 0,173 mg/lít khí thở.

Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời tạm giữ xe ôtô để xử lý theo quy định. xe ôtô này do Văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện Tương Dương quản lý, sử dụng.

Đáng chú ý, trong số các trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý, có cả người giữ vị trí lãnh đạo, đang công tác trong ngành Công an như trường hợp Thượng tá N.M.H, Phó trưởng Công an thành phố Thái Nguyên bị tổ công tác của Bộ Công an và Công an tỉnh Thái Nguyên phát hiện vi phạm nồng độ cồn ở mức 1 (chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở) vào đầu giờ chiều 20/9.

Ông P.T.A, Trưởng Công an phường ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) bị tổ công tác chéo địa bàn Đội Cảnh sát Giao thông đường bộ số 12, Công an thành phố Hà Nội kiểm tra đầu giờ chiều 23/9, khi đang điều khiển ôtô tại ngã tư Nguyễn Hoàng-Lê Đức Thọ, Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), phát hiện vi phạm ở mức 0,4mg/lít khí thở, không có giấy phép lái xe, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đã hết hạn.

Theo Cục Cảnh sát Giao thông, trong số các trường hợp vi phạm nồng độ cồn được lực lượng của Cục phối hợp với Công an các địa phương kiểm tra từ ngày 30/8 đến ngày 25/9, bước đầu xác định có 160 trường hợp người điều khiển là công chức, công an, bộ đội đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, nhà báo…

Một số trường hợp vẫn quen thói "cậy quan hệ" để nhờ vả, can thiệp nhưng lực lượng Cảnh sát Giao thông kiên quyết lập biên bản vi phạm như: trường hợp ông Lê Hải Q, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Tối 18/9, tổ công tác Cảnh sát giao thông dừng ôtô 30H-318.XX do ông Q điều khiển để kiểm tra. Tuy nhiên, ông này không chấp hành đo nồng độ cồn, liên tục gọi điện thoại và đòi tổ công tác nghe điện thoại.

Ông Q sau đó đã bị lập biên bản vi phạm hành chính lỗi "không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn" và phải báo cáo giải trình với lãnh đạo cấp trên về việc chống đối Cảnh sát Giao thông.

Thậm chí, có trường hợp đã bị khởi tố về tội "Chống người thi hành công vụ." Ông Lê Ngọc, cán bộ Ngân hàng - Chi nhánh tại thành phố Từ Sơn, mới đây đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) khởi tố do không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn, xưng hô thiếu chuẩn mực và có hành vi đấm vào mặt Cảnh sát Giao thông.

Nghị quyết 149/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới đã nêu rõ, "siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông," "nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng."

Nhìn lại việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đang được triển khai cho thấy, Nghị quyết của Chính phủ đã được lực lượng Cảnh sát Giao thông quán triệt, thực hiện nghiêm túc, như lời Thượng tá Tô Quang Minh, Trưởng Phòng Hướng dẫn Tuần tra Kiểm soát Giao thông Đường bộ, Cục Cảnh sát Giao thông: "tinh thần xử lý không có vùng cấm, không có ngoại lệ."

Các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn ngoài xử lý theo quy định, lực lượng Cảnh sát Giao thông còn gửi thông báo về đơn vị công tác đối với các cá nhân vi phạm là cán bộ, đảng viên để kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, cơ quan theo đúng chỉ đạo tại Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông cho biết Bộ Công an đã ban hành các điện chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với tỉnh ủy, thành ủy, Ủy ban Nhân dân các cấp cùng vào cuộc xử lý.

Với quan điểm xử lý kiên quyết, triệt để đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn, tất cả các trường hợp vi phạm đều bị lập biên bản và tạm giữ phương tiện.

Từ nay đến cuối năm 2023, Cục Cảnh sát Giao thông sẽ thường xuyên cử tổ công tác phối hợp Công an các địa phương tổ chức chuyên đề xử lý vi phạm giao thông, đặc biệt là xử lý vi phạm nồng độ cồn nhằm kéo giảm tai nạn giao thông, hình thành thói quen "đã uống rượu, bia, không lái xe."

Để lan tỏa thông điệp xử lý vi phạm về nồng độ cồn với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, lực lượng Cảnh sát Giao thông tăng cường tuyên truyền, sử dụng xe thông tin lưu động cảnh báo đến các khu dân cư, khu vực tập trung nhiều người, để người dân biết và thực hiện./.

Theo CHU THANH VÂN (TTXVN/Vietnam+)