Hơn 30 bức tranh màu sắc tương phản chói rực một cách ngẫu hứng, phóng khoáng, đầy hưng phấn, không tuân theo nguyên tắc cơ bản nào. Lê Thư Hương chưa từng học vẽ, Hương vẽ bằng bản năng, bằng tình yêu hội hoạ, tựa như đam mê tiếng sáo. Những bức tranh đậm chất siêu thực như rung cảm chuyển động của nước được khúc xạ quang phổ nắng, lan toả như những âm thanh của flute trong bản giao hưởng dưới ánh đèn rực rỡ sân khấu. Những tâm trí đọng lại trên toan đem đến cho người xem nguồn năng lượng tích cực và khơi lên ham muốn khám phá nghệ thuật tiềm ẩn của bản thân.
Đến với không gian triển lãm, hoạ sĩ Lê Trí Dũng nhận xét: “Những tranh của Lê Thư Hương đều lạ. Những con cá hình dáng rất đẹp, màu sặc sỡ dưới ánh mặt trời. Đặc biệt riêng đôi mắt vẽ rất kỹ, những sóng nước giống như những dòng âm thanh truyền dẫn sắc màu - đó chính là sự liên kết giữa hội hoạ và âm nhạc (nghề nghiệp chính của cô). Những bức chân dung lại với những gương mặt người không có mắt mũi. Bạn là ai? Họ là ai? Và cả tôi cũng là ai?”.
Bức tranh “Bay trên bầu trời Texas” rất thú vị, nổi bật lên với những vệt nhấn nhá óng ánh đầy cảm xúc, có thể xem chiều nào cũng được vì mỗi chiều mang lại một hình ảnh và cảm nhận khác nhau, tuỳ thuộc vào mỹ cảm từng người.
Bộ 5 bức tranh Collection Fantastique nổi bật trong không gian triển lãm.
Đặc biệt bộ 5 bức tranh Collection Fantastique tương ứng với tác phẩm giao hưởng kinh điển Symphonie Fantastique (nhà soạn nhạc người Pháp Hector Berlioz) bao gồm 5 chương nhạc được Lê Thư Hương hoàn thành trong 5 tháng với tông màu xanh chủ đạo như những giấc mơ. Nhân vật chính là một chú cá cũng có thể là một con mắt tượng trưng cho sự soi thấu tâm hồn, sự xuyên không trong câu chuyện tình. Chúng phiêu du trong thế giới siêu thực đầy ảo tưởng của mình mang theo đam mê, hy vọng, cháy bỏng cùng với sự ai oán chua cay cũng rất ngọt ngào của tình yêu đơn phương.
Phát biểu khai mạc triển lãm tối 9/6, hoạ sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ: “Những nét những vết bút ngắn dài, mạnh mẽ, nhanh chậm, những màu xanh đỏ tương phản đi trực tiếp từ nội cảm của chị ra tấm toan. Nó duy tình đến mức người xem không thấy cái lý tính, cái sự nghĩ nữa. Con mắt bên trong “nhìn” thấy vậy thì “vẽ” vậy. Gợi về hình, cảm về hình là đủ chứ chép lại cái hình ấy làm gì? Chôn mình vào cái hữu hình ấy để mà làm gì? Nghệ thuật nào cũng đều cũng hướng đến cái ngoài hình, ngoài âm, ngoài lời thì phải”.
Được thừa hưởng tình yêu và năng khiếu nghệ thuật từ người cha là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, hoạ sĩ Lê Bá Dũng, người có nhiều tranh và nhiều công trình nghiên cứu, phê bình về mỹ thuật, khai mạc triển lãm, Lê Thư Hương đã trổ tài, dành cho người tham dự những bản nhạc mê đắm với cây sáo thần kỳ của mình.
“Tranh khổ nhỏ nhưng phải tạo được sự khác biệt và dấu ấn riêng. Nếu so sánh cuộc sống của tôi như một bản giao hưởng thì ở chương kế tiếp này, tôi sẽ dâng hiến cho cuộc đời một ngẫu hứng tràn ngập sắc màu, hội hoạ và âm nhạc cùng vang lên”. - Lê Thư Hương chia sẻ về ý nghĩa của triển lãm cá nhân đầu tiên của mình.
Theo Báo Tin Tức