Trồng bông trang làm kinh tế

20/11/2020 - 04:17

 - Từ niềm yêu thích hoa kiểng, một số nông dân ở huyện Phú Tân (An Giang) nâng tầm kỹ thuật chăm sóc thành nghề để làm ăn. Đơn giản như với cây bông trang gần gũi, mộc mạc, vốn chỉ được trồng trong nhà, hàng rào hay công viên để trang trí, nay qua bàn tay uốn nắn của người trong nghề có thể tăng giá trị lên nhiều lần, vừa đem lại thu nhập lý tưởng, vừa đáp ứng nhu cầu giải trí tinh thần.

Từ niềm yêu thích hoa kiểng, một số nông dân ở huyện Phú Tân nâng tầm kỹ thuật chăm sóc thành nghề để làm ăn. Đơn giản như với cây bông trang gần gũi, mộc mạc, vốn chỉ được trồng trong nhà, hàng rào hay công viên để trang trí, nay qua bàn tay uốn nắn của người trong nghề có thể tăng giá trị lên nhiều lần, vừa đem lại thu nhập lý tưởng, vừa đáp ứng nhu cầu giải trí tinh thần.

Thông thường, bông trang được trồng với nhiều loại cây kiểng khác như: mai vàng, chiếu thủy, xương rồng, kiểng lá… để đầu ra thuận lợi, phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng. Còn tại xã Phú An, nhiều hộ chỉ chuyên trồng bông trang, vì các lão nông tự tin với vốn kinh nghiệm hơn 10 năm của mình có thể chiều theo ý mọi đối tượng từ chuyên đến không chuyên.

Ông Nguyễn Văn Ân (ấp Phú Bình) trồng bông trang đến nay được hơn 20 năm. Vườn của ông hiện có khoảng 400 cây, đủ loại lớn nhỏ và phân theo sắc màu. Ông Ân cho biết từ lâu đã yêu nghề kiểng. Khi hàng xóm chuyển dần đất ruộng, vườn sang trồng cây ăn trái thì ông chỉ trồng bông trang kiểng.

“Tôi làm khác biệt người ta, uốn nắn dáng dấp cho cây theo kinh nghiệm cá nhân là chính, mà đem ra bán thì ai cũng thích. Trồng cây gì cũng vậy, biết ý thì dễ, không biết thì khó lắm, nhiều người tới học hỏi, tôi cũng thiệt bụng chỉ hết mà trồng không thành công” - ông Ân chia sẻ.

Để “nuôi” một cây bông trang thành sản phẩm bán được, ít nhất phải mất 3 năm, lâu hơn thì đến 10 năm. Tùy thị hiếu và túi tiền của khách hàng, ông chăm sóc cho phù hợp: người chuyên nghiệp thường chấm vào gốc cây, dáng cây để mua, còn đại đa số chỉ cần bông đẹp, cây cân đối, khách hàng nữ thì chú trọng bông càng nhiều càng tốt… Bông trang ít bị sâu bệnh nên công chăm sóc khá nhẹ, quan trọng là đảm bảo tưới đủ nước, bón phân sinh học, xử lý chồi lớn đều thì sẽ ra bông nhiều, đồng thời thường xuyên cắt tỉa để cây giữ được bộ khung đẹp.

Theo ông Ân, cây trồng đủ 1 năm cứng cáp mới cho vào chậu, dưỡng thêm 3 năm nữa mới đạt chuẩn để bán. Giá mỗi cây bông trang dao động từ vài trăm ngàn đồng đến hàng triệu đồng. Ngoài 2 màu phổ biến là đỏ và vàng, vườn của ông còn có thêm bông trang Thái, lá xoắn, lá tròn, bông màu tím sen, màu cam, màu trắng... có mùi thơm nhẹ, đẹp, lâu tàn.

Ông Ân cho biết, nhờ trồng “gối đầu” cây nhỏ xen cây lớn nên có đầu ra liên tục, nhanh thu hoạch. Đặc biệt, để phục vụ thị trường Tết hàng năm, từ tháng 9 (âm lịch) ông chỉ việc xử lý cắt hết bông, tỉa cành để cây đâm tược nhiều, ngoài ra không phải lo ngại về thời tiết vì bông trang chịu khắc nghiệt khá tốt và chú ý cấp đủ nước trong mùa hanh khô.

Bông trang được “uốn nắn” thành loại cây kiểng có giá trị, đem lại thu nhập cho người dân xã Phú An

Ngụ cùng ấp Phú Bình, ông Trần Văn Minh gắn bó với nghề trồng bông trang kiểng đã trên 10 năm. Khác với người “bạn nghề”, ông Minh săn sóc cây từ 10 năm mới đem bán, giá trị vì vậy cũng cao hơn.

Ông Minh giải thích: “Chăm cây trên đất đã khó, từ ngày đưa vào chậu cho ra dáng còn khó hơn, phải rất lâu mới hình thành dáng đẹp, bông nhiều. Bà con ở đây mua bông trang kiểng vừa để chơi, vừa tận dụng hái bông để cúng, gần gũi như vậy nên nhiều người ưa chuộng.

Khoảng chục năm trước, tôi trồng không đủ để bán, bây giờ nhiều người tự trồng và chơi kiểng nên giảm lượng khách, mình cũng phải nâng tầm lên, học hỏi và nghiên cứu để đáp ứng thị hiếu ngày càng cao”. Vườn của ông Minh hiện có khoảng 300 gốc bông trang, vì nuôi cây lâu năm nên đòi hỏi đất tương đối rộng, khoảng cách trồng đủ trống trải cho tàng cây bung đều. Giá mỗi cây bông trang từ 9 - 10 năm được ông chào hàng khoảng 2 triệu đồng, phục vụ chủ yếu khách hàng mua làm quà tặng tân gia, trang trí cơ quan, trường học, người chơi kiểng.

Trồng bông trang nói riêng và các loại hoa kiểng nói chung có thể là lựa chọn làm kinh tế phù hợp với những hộ ít đất mà đem lại thu nhập đáng kể. Nhiều người khẳng định không nhất thiết phải có điều kiện kinh tế vững mới trồng kiểng, bởi trong số họ có khá nhiều trường hợp xuất phát điểm không cao, tận dụng thời gian rảnh sau khi thăm đồng, làm công sở để chăm sóc thêm cây cối. Quan trọng là học hỏi, luyện tập, kiên trì, tự tích lũy kinh nghiệm, mỗi người theo thời gian sẽ có vốn kiến thức riêng để thành công.

MỸ HẠNH