
Hoạt động sản xuất tại Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toyoda Gosei Hải Phòng, Khu công nghiệp Tiền Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ảnh tư liệu (minh họa) : Thu Hoài/TTXVN
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Luật số 72/2025/QH15) và sửa đổi, bổ sung, thay thế các luật khác có liên quan. Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, cơ quan Trung ương liên quan đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Mới đây, tại “Họp báo quốc tế công bố chính thức Quyết định vận hành tổ chức bộ máy mới của Việt Nam theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7/2025”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Trương Hải Long khẳng định, việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp là chủ trương, chính sách lớn.
Mô hình này không chỉ khắc phục tình trạng cồng kềnh, tầng nấc, trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong mô hình tổ chức chính quyền 3 cấp trước đây, mà còn là cơ sở quan trọng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp xã - nơi gần dân, sát dân và trực tiếp phục vụ người dân.
“Chủ trương tổ chức lại bộ máy chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn không chỉ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, mà còn đáp ứng yêu cầu cao hơn trong điều hành và phát triển kinh tế”, Thứ trưởng Trương Hải Long cho biết.
Cùng với đó, chính quyền địa phương 2 cấp sát dân, gần dân hơn sẽ nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Bên cạnh đó, việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp cũng đặt ra áp lực, đòi hỏi Chính phủ sẽ triển khai quyết liệt hơn việc chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ vào quản trị quốc gia và địa phương.
Ông Hồ Sỹ Hùng, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, mục tiêu cao nhất của việc sắp xếp bộ máy là hướng đến môi trường kinh doanh, thể chế chính trị xã hội kiến tạo, chuyển từ bị động sang chủ động, lấy mục tiêu phục vụ xã hội nhân dân là mục tiêu chính, đưa nền kinh tế tăng trưởng cao hơn.
Tuy nhiên, khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, rất nhiều ý kiến cho rằng, trong quá trình vận hành bộ máy mới chắc chắn sẽ có những khó khăn.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp thì hơn lúc nào hết đội ngũ cán bộ, công chức sẽ là nhân tố then chốt quyết định sự thành công mô hình mới này. “Việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không còn là một sự lựa chọn, mà là một yêu cầu rất cấp bách để thực hiện việc chuyển đổi từ quản lý hành chính sang quản trị, phục vụ nhân dân”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để tháo gỡ khó khăn của việc thực hiện triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Chính phủ đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống Nghị định nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Cùng với đó, Chính phủ sẽ tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số, công dân số cấp tỉnh, xã và đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính toàn trình trên môi trường điện tử. Như vậy, từ ngày 1/7 khi Chính phủ đồng loạt công bố ra mắt chính quyền địa phương ở 34 tỉnh, thành và 3.321 cấp xã thì bộ máy sẽ đi vào hoạt động thông suốt, liên tục.
Theo Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp), khi sắp xếp lại bộ máy chính quyền 2 cấp sẽ rất cần những con người có chất lượng cao, những con người có tâm, có tầm để làm những công việc phù hợp. Do đó, chúng ta cần củng cố nguồn nhân lực chất lượng cao trên tất cả các đơn vị. Có như vậy, bộ máy chính quyền 2 cấp đi vào hoạt động sẽ tốt hơn.
“Tuy nhiên, trong bước đầu sắp xếp tổ chức lại bộ máy, còn những khó khăn, bất cập ban đầu nhưng sau khi guồng máy đã đi vào hoạt động Tôi nghĩ rằng, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ phát huy sức mạnh lớn hơn”, đại biểu Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.
Còn theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) cho rằng, Chính phủ cần quan tâm, tập trung thực hiện những giải pháp để phát triển thị trường lao động, tạo việc làm bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bởi đây không chỉ là yêu cầu cấp bách, mà còn là động lực đột phá cho tăng trưởng.
Cùng với đó, đổi mới mạnh mẽ hệ thống giáo dục nghề nghiệp gắn với thị trường lao động; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động hiện đại, minh bạch và liên thông; thúc đẩy chính sách việc làm bền vững, hỗ trợ khu vực phi chính thức chuyển đổi sang chính thức; đầu tư có trọng tâm vào phát triển nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, nhân lực đổi mới sáng tạo…
Cũng quan tâm về vấn đề nhân lực, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) đề nghị, Chính phủ sớm ban hành Chiến lược hoặc Chương trình mục tiêu phát triển nguồn nhân lực và Chương trình phát triển kỹ năng nghề quốc gia để nguồn nhân lực thực sự là đột phá chiến lược cho giai đoạn tới, đồng bộ với thể chế và hạ tầng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng khẳng định, việc tinh giản biên chế và sắp xếp tổ chức trong khu vực công hiện nay là rất cần thiết và đã cho thấy hiệu quả rõ rệt tại Việt Nam. Tuy nhiên, tinh giản không phải là mục tiêu cuối cùng. Mục tiêu cuối cùng là Việt Nam muốn triển khai bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp một cách đồng bộ với việc tổ chức lại bộ máy và cải cách cơ chế quản lý nhằm giảm cấp trung gian, chuyển đổi sang trạng thái mô hình chính quyền kiến tạo, phục vụ nhân dân và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển.
Theo TTXVN