Trưởng ấp gương mẫu

05/09/2023 - 04:16

 - Đảm nhận vai trò Trưởng ban nhân dân ấp Phũm Soài (xã Châu Phong, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang), anh Sa Les đóng góp tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân ấp, thực hiện phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” ở địa phương.

Anh Sa Les gương mẫu, đi đầu trong xây dựng đời sống văn hóa

Tiên phong đi đầu

Phũm Soài là một trong 2 ấp có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm sinh sống ở xã Châu Phong. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, anh Sa Les đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Nổi bật là vận động hỗ trợ nhà ở cho người dân.

Anh Sa Les cho biết, từ đầu năm đến nay, anh vận động cất mới 6 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo trong ấp, mỗi căn trị giá 80 triệu đồng. Qua đó, giúp người dân có được nơi “an cư” để “lạc nghiệp”. Ngoài ra, anh còn vận động hỗ trợ quà tặng hộ có hoàn cảnh khó khăn trong dịp lễ, Tết truyền thống của đồng bào DTTS Chăm.

Nhằm giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, anh Sa Les chủ động kết hợp cán bộ nông nghiệp TX. Tân Châu, mời người dân địa phương đến tuyên truyền, vận động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất… Qua tuyên truyền, vận động, đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, phát triển kinh tế từ trồng trọt, chăn nuôi.

Xác định việc học là chìa khóa giúp người dân vượt qua khó khăn, hàng năm, vào đầu năm học, anh Sa Les cùng Hội Khuyến học xã Châu Phong và nhà trường tổ chức tuyên truyền, vận động học sinh đến lớp. Trong đó, chú trọng quan tâm con em gia đình đi làm ăn xa, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, anh Sa Les vận động nhà hảo tâm hỗ trợ tập sách, dụng cụ học tập giúp học sinh được đến trường.

“Hiện nay, trong ấp có rất nhiều học sinh đang học trung cấp, cao đẳng, đại học trong và ngoài nước. Trong đó, 45 em đang du học tại các nước: Ai cập, Malaysia, Indonesia… Một số ra trường, hiện đang công tác tại TP. Hồ Chí Minh. Số còn lại tham gia tích cực hoạt động xã hội, sinh hoạt tổ chức đoàn thể địa phương” - anh Sa Les chia sẻ.

Đời sống người dân cải thiện

Hiện nay, đồng bào DTTS Chăm trong ấp đã có ý thức đúng đắn, trách nhiệm đối với sự nghiệp phát triển giáo dục, y tế, dân số, vệ sinh môi trường ở địa phương. Mặt khác, không có trường hợp vi phạm, không có con em nghỉ học giữa chừng. Người dân đồng thuận chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, họ tin tưởng vào chi bộ, vào cá nhân anh Sa Les, nên chung tay làm cho ấp ngày càng phát triển.

Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân trong ấp Phũm Soài khoảng 63 triệu đồng/năm. Trên địa bàn ấp có 6 hộ nghèo, giảm 2 hộ so với năm 2022. 100% hộ dân có nhà cửa bền vững, không còn nhà xiêu vẹo, dột nát… Hệ thống giao thông được kiên cố hóa, đảm bảo đi lại thuận tiện.

Các thể chế văn hóa cũng được đầu tư, phát triển. Trên địa bàn ấp có 1 sân bóng chuyền, 1 điểm sinh hoạt văn hóa văn nghệ (diện tích 900m2) tại Văn phòng ấp, phục vụ nhu cầu người dân. Toàn xã có 4 câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ, thể thao, gồm: Bóng đá, bóng chuyền, đờn ca tài tử, cờ tướng… Đến làng Chăm Phũm Xoài thời gian này mới hiểu được đời sống của đồng bào đang ngày một thay da đổi thịt.

Anh Sa Les bày tỏ: “Đảng ủy, chính quyền địa phương tin tưởng giao trách nhiệm cho tôi. Tôi còn nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm của Nhân dân địa phương. Đáp lại sự tin tưởng đó, tôi không ngừng phấn đấu, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể; cá nhân, tập thể… để thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội địa phương”.

Tuy có nhiều khởi sắc, nhưng địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Với vai trò Trưởng ban nhân dân ấp, anh Sa Les mong muốn địa phương thu hút ngày càng nhiều công ty, doanh nghiệp đến đầu tư mở rộng sản xuất. Từ đó, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ người dân rời bỏ quê hương. Đồng thời, giúp đời sống người dân ngày càng được cải thiện.

Ấp Phũm Soài nằm xen kẽ giữa ấp Vĩnh Tường 1 và Vĩnh Tường 2, với trên 650 hộ, khoảng 2.750 nhân khẩu. 70% dân cư sinh sống chủ yếu bằng nghề mua bán tự do và mua bán nhỏ, còn lại trồng lúa và chăn nuôi.

ĐỨC TOÀN