Truyền cảm hứng đọc sách cho giới trẻ

02/05/2023 - 08:25

 - Không đợi đến thời điểm tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hàng năm, những “Đại sứ văn hóa đọc”, nhà văn, giáo viên dạy ngữ văn, cán bộ làm công tác Đoàn vẫn âm thầm đi vun trồng hạt giống tri thức, khuyến khích, động viên, truyền cảm hứng để học sinh, sinh viên có thêm niềm yêu thích, động lực để đọc sách. Từ đó, mở rộng tâm hồn, làm giàu kiến thức bản thân.

Có mặt tại buổi giao lưu giữa ThS Trương Chí Hùng (nhà văn, giảng viên Trường Đại học An Giang) với các em học sinh của Trung tâm Giáo dục thường xuyên An Giang, về chủ đề “Sách và kỹ năng sống”, chúng tôi nhận ra không phải các em học sinh không yêu thích đọc sách mà là các em thiếu sự hướng dẫn về phương pháp đọc sách, kỹ năng lựa chọn sách đọc phù hợp.

Bạn Lâm Khả Ái (học sinh lớp 12A3) than phiền: “Mỗi lần em cầm quyển sách lên đọc chưa được 1 trang là đã cảm thấy buồn ngủ, đôi mắt ngày càng nhíp lại”. Thầy Trương Chí Hùng giải đáp: “Đây là vấn đề ai cũng gặp phải, chỉ cần các em chọn được loại sách phù hợp nhu cầu của bản thân sẽ thấy hứng thú đọc, tìm quyển sách mỏng, đọc mỗi ngày vài trang, khi buồn ngủ có thể vẫn ngủ nhưng hãy kiên trì tạo thói quen đọc sách mỗi ngày, cơn buồn ngủ sẽ giảm dần”.

Giao lưu và tặng sách cho học sinh

 Còn với các bạn trẻ khác, khi muốn bắt đầu đọc sách thì cảm thấy rất khó khăn, thiếu cảm hứng. Bạn Võ Minh Phúc (học sinh lớp 11A5) bộc bạch: “Em nghe nói về lợi ích của đọc sách từ lâu nên lên mạng tìm những trang sách điện tử, thế nhưng không biết đọc từ đâu, không thấy hứng thú lại lang thang sang các trang mạng khác”.

Nhà văn Trương Chí Hùng tiếp tục giải đáp: “Thật ra, các em nên tìm về các loại sách in truyền thống, ở thư viện trường hoặc thư viện tỉnh. Bởi đây là những loại sách đã được kiểm duyệt nội dung tốt, phù hợp với từng lứa tuổi. Các em cần xác định mình cần đọc sách về lĩnh vực gì, bồi dưỡng tâm hồn, đạo đức hay tìm hiểu kiến thức bổ trợ cho các môn học, mình chọn những quyển đó. Đọc sách rất cần không gian đọc nghiêm túc và tránh xa các thiết bị công nghệ, bởi nhiều hoạt động quảng cáo, hình ảnh khác sẽ gây mất tập trung trong quá trình đọc khiến các em không thể tiếp thu, ngẫm nghĩ để hiểu về những vấn đề sách đang đề cập đến”.

Theo gợi ý của nhà văn, thay vì dành quá nhiều thời giờ để chơi mạng xã hội, bắt kịp xu hướng giới trẻ, các em nên đi vào giá trị thực của đời sống, hãy tìm lấy những quyển sách hữu ích, vun bồi tri thức hàng ngày, các em sẽ hình thành được thói quen đọc sách, qua năm tháng sẽ thấy bản thân trưởng thành hơn. Các em hãy học hỏi người dân các nước phương Tây, họ đến sân bay hay đến Đường sách tại TP. Hồ Chí Minh đều rất say sưa đọc sách, không dành quá nhiều thời gian để “check-in”, chụp ảnh “tự sướng” với sách.  

Được truyền cảm hứng đọc sách, bàn về lợi ích của sách, thế nhưng một số bạn trẻ vẫn còn vướng phải quan niệm phổ biến hiện nay. Bạn Trần Thanh Toàn (học sinh lớp 12A2) cho biết: “Tụi em nghĩ rằng, sách tuy hay nhưng chỉ là lý thuyết, không giải quyết được những vấn đề thực tế của bản thân hàng ngày, không áp dụng được bao nhiêu. Vậy tại sao phải lãng phí thời gian để đọc sách, thay vào đó các em tham gia các hoạt động khác sẽ tốt hơn”.

Ảnh: THANH HÙNG

“Sách là người bạn, người thầy tuyệt vời, cung cấp tri thức cho chúng ta trên nhiều lĩnh vực, những giá trị của sách không phải là “mì ăn liền”, người đọc sách đôi khi chưa thể vận dụng ngay vào đời sống. Thế nhưng, trước tiên sách mang đến giá trị giáo dục về đạo đức, văn hóa tốt đẹp, giúp chúng ta hình thành nhân cách, ứng xử phù hợp, giúp cung cấp tri thức nền và chuyên sâu. Chúng ta không đòi hỏi sách mang lại ngay giá trị trong đời sống mỗi người, người đọc sách hãy vun bồi tri thức, học tập kỹ năng, tránh được những sai lầm của người đi trước đã chia sẻ, dần dần sẽ đến lúc vận dụng tri thức vào đời sống thực tiễn” - ThS Trương Chí Hùng kiên trì.

Vị diễn giả còn chia sẻ về câu chuyện một người đàn ông thoát chết trong đám cháy rừng ở Mỹ, nhờ vào cách không đi theo đường chính mà đi theo đàn hươu rừng đến bên chiếc hồ nhỏ. Anh cho hay, trong lúc “thập tử nhất sinh”, tự bản thân nhớ lại một kỹ năng thoát hiểm trong biến cố là cần đi theo các loài động vật mới có thể sống sót, kỹ năng này ở đâu đó trong quyển sách đọc ngày trẻ nên người đàn ông đó áp dụng ngay. Qua câu chuyện được diễn giả kể lại, các bạn học sinh rất thích thú và tâm đắc vì đã giải đáp những băn khoăn về sách bấy lâu nay.

Từ thực tiễn trên có thể thấy, những hoạt động cao điểm nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Vấn đề cốt lõi là làm sao để các em học sinh, sinh viên có được cảm hứng đọc sách, niềm đam mê và xây dựng thói quen đọc sách. Trong đó, vai trò truyền cảm hứng, hướng dẫn đọc sách và phương pháp đọc của các thầy cô, những “đại sứ văn hóa đọc”, tác giả viết sách, người có uy tín… là rất cần thiết.

NGỌC GIANG