Từ ngày 1-7-2024: Mức lương tăng cao góp phần cải thiện đời sống

30/06/2024 - 07:56

Từ ngày 1-7-2024 sẽ thực hiện điều chỉnh lương cơ sở, lương tối thiểu vùng, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công với mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Đây là tin vui với số đông và mức tăng được đánh giá là sẽ góp phần cải thiện đời sống của người thụ hưởng.

Thực hiện tăng các loại lương, trợ cấp cùng thời điểm

Ngày 29-6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Nghị quyết thống nhất việc thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Cụ thể, thực hiện đầy đủ 2 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW, gồm: Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng bình quân 6% áp dụng từ ngày 1-7-2024); quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp Nhà nước (áp dụng từ ngày 1-1-2025).

Đối với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công, Nghị quyết giao Chính phủ triển khai thực hiện các nội dung đã rõ, đủ điều kiện để thực hiện, gồm: Hoàn thiện chế độ nâng lương; bổ sung chế độ tiền thưởng; quy định nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập. Quốc hội thống nhất điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1-7-2024.

Đối với các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương: Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được thực hiện cho phù hợp trước ngày 31-12-2024. Thực hiện bảo lưu phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6-2024 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ ngày 1-7-2024 sau khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.

Trong thời gian chưa sửa đổi, bãi bỏ, từ ngày 1-7-2024, mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hàng tháng tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6-2024. Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm từ ngày 1-7-2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung.

Lương cơ sở sẽ được điều chỉnh tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng

Từ ngày 1-7-2024, điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (6-2024). Đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng. Trợ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).

Mức tăng chưa từng có

Với quyết định trên, phương án trả lương theo vị trí việc làm chưa thể thực hiện từ 1-7-2024, thay vào đó, lương cơ sở sẽ được điều chỉnh tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tương đương 30%). Lý giải điều này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, cải cách tiền lương là vấn đề hết sức hệ trọng. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ đã làm việc rất quyết liệt, công phu, thận trọng, chắc chắn, đồng bộ và xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, mọi mặt về triển khai cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW và các Nghị quyết của Đảng liên quan; đã tổ chức 21 cuộc họp thảo luận sâu sắc về các nội dung cải cách tiền lương để đưa ra phương án tối ưu nhất, khả thi và hiệu quả cao nhất.

Thực tế khi đi vào thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW gặp khó khăn, bất cập, lớn nhất là vấn đề thiết kế các bảng lương và cơ cấu, sắp xếp lại các nhóm phụ cấp. Trong tương quan thì giữa các đối tượng chưa đảm bảo được công bằng, hợp lý, hài hòa khi có đối tượng có mức lương tăng cao trên 30% nhưng nhiều đối tượng thấp hơn mức hiện hưởng. Hơn nữa, thực hiện cơ cấu lại phần phụ cấp thì sụt giảm, ảnh hưởng đến những đối tượng cần quan tâm như giáo viên vì phải sắp xếp phụ cấp và không còn phụ cấp thâm niên, đứng lớp, công tác vùng đặc biệt khó khăn... Cải cách tiền lương mà không đạt được mục tiêu tăng lương thì không có ý nghĩa nữa.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, việc thực hiện 4/6 nội dung cơ bản về cải cách tiền lương sẽ đảm bảo sự ổn định, không gây ra xáo trộn quá lớn. Mặc dù chúng ta chưa thực hiện trả lương theo vị trí việc làm và chức danh, chức vụ lãnh đạo nhưng đạt được mục tiêu theo Nghị quyết 27-NQ/TW tăng lương cho cán bộ, công chức (đến năm 2025 lương thấp nhất trong khu vực công cao hơn mức lương thấp nhất của khu vực doanh nghiệp); nội dung điều chỉnh mức lương cơ sở của khu vực công (khi chưa thực hiện bảng lương mới) cũng là nội dung của cải cách tiền lương nêu tại Nghị quyết 27-NQ/TW, mức tăng này cũng tương ứng với mức tăng khi thực hiện cải cách tiền lương.

Điểm lại 14 lần tăng lương trong 20 năm qua, việc tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng là mức tăng chưa từng có, mang tới nhiều kỳ vọng không chỉ với những người làm công ăn lương trong khu vực công, mà còn mang niềm vui tới hàng chục triệu người đang hưởng chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở.

Hàng chục triệu người hưởng lợi

Theo Bộ Nội vụ, tổng hợp sơ bộ, việc điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp người có công tác động lên khoảng 18 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội; khoảng 50 triệu người do ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế; khoảng 16 triệu học sinh, sinh viên và 30 triệu người liên quan chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh...

Tăng lương cho toàn bộ những người hưởng lương và tăng mức trợ cấp tác động tích cực đến nhiều nhóm đối tượng, tạo hiệu ứng tốt, bảo đảm được tương quan cân đối hài hòa, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương, trợ cấp và chính sách liên quan đến mức lương cơ sở, tạo được sự thống nhất đồng thuận lớn trong xã hội. Qua đó, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương, các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở.

Đề xuất tăng lương của Chính phủ được thông qua đem đến niềm vui cho rất nhiều người. Chị Nguyễn Thùy Trang - cán bộ trong lĩnh vực tư pháp ở Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ, không chỉ riêng tôi, mà tất cả đồng nghiệp, bạn bè tôi đều mong ngóng ngày tăng lương. Bởi giá cả hàng hóa những năm qua đã tăng nhiều lần, bỏ rất xa lương khiến nhiều người phải thắt chặt mọi chi tiêu, tiết kiệm từng đồng để tránh tình trạng chi tiêu thâm hụt vào thu nhập. Chị Thùy Trang đánh giá, mức tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng là mức tăng cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Việc này sẽ góp phần cải thiện cơ bản đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở.

Theo Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, bất kỳ nghiên cứu, đề xuất nào liên quan tới tiền lương đều nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận, tác động tới đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong khu vực công. Theo tính toán, cải cách tiền lương tác động đến hơn 50 triệu đối tượng hưởng cơ chế, chính sách gắn với lương cơ sở. Vì vậy, những phương án, chính sách liên quan tới điều chỉnh tiền lương phải được tính toán hết sức kỹ lưỡng. Trước mắt, với phương án tăng lương vừa được thông qua đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các đối tượng hưởng chế độ, chính sách trợ cấp, phụ cấp; tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội.

Chi trả lương hưu tháng 7 theo mức tăng hay theo mức hiện hưởng?

Chi trả lương hưu cho người thụ hưởng

Để kịp điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trong tháng 7-2024, Bộ LĐ-TB&XH đã hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định về Nghị định này. Phía cơ quan soạn thảo cũng đề xuất áp dụng quy trình rút gọn đối với việc ban hành Nghị định quy định về mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Trước đó, góp ý vào dự thảo Nghị định, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đánh giá, việc điều chỉnh tăng lương hưu có phạm vi áp dụng rất rộng lớn tới hơn 3,3 triệu người, bao gồm người đang hưởng lương hưu từ tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc (khối Nhà nước, tư nhân) và người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tỷ lệ tăng này đã được các cơ quan quản lý tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo công bằng, hợp lý, hài hòa, có sự chia sẻ giữa người đang hưởng lương hưu và người đang đóng Bảo hiểm xã hội, giữa khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước, giữa các thế hệ tham gia và thụ hưởng chính sách; đồng thời đảm bảo khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội trong dài hạn.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho rằng, để tránh phản ứng của người thụ hưởng khi chưa nhận được tiền lương hưu mới tại thời điểm áp dụng điều chỉnh như đã từng xảy ra khi thực hiện Nghị định 24-2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị cấp có thẩm quyền sớm ban hành văn bản hướng dẫn nội dung này. Như vậy, nếu không có gì thay đổi thì Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-7-2024, đồng nghĩa với việc người nhận lương hưu sẽ được hưởng phần tăng thêm 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội so với mức hiện hưởng. Nếu Nghị định được ban hành sau ngày 1-7 thì được truy lĩnh tiền tăng thêm.

Theo quy định tại Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, lịch chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm hàng tháng từ ngày 2 đến hết ngày 25 của tháng. Cụ thể, chi trả tại điểm chi trả từ ngày 2 đến ngày 10 của tháng tổ chức chi trả ít nhất 6 giờ/ngày tại tất cả các điểm chi trả; chỉ kết thúc chi trả trước ngày 10 đối với các điểm đã chi trả hết số lượng người hưởng theo danh sách do cơ quan Bảo hiểm xã hội chuyển đến. Chi trả tại điểm giao dịch của bưu điện huyện từ ngày 11 của tháng, tiếp tục chi trả tại các điểm chi trả là điểm giao dịch của bưu điện đến hết ngày 25 của tháng.

An Nhiên

ĐBQH Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội: Lương cần phải theo vị trí việc làm

Trong hệ thống công chức, viên chức của chúng ta có một hạn chế là xếp lương theo bằng cấp. Có những người là cử nhân, vị trí việc làm cũng yêu cầu bằng cấp này, nhưng thực tế làm những công việc ít đòi hỏi trí tuệ, sáng tạo hơn, có tầm ảnh hưởng ít hơn, vì hưởng lương theo hệ số nên vẫn khởi đầu quá trình công tác với mức lương 2,34. Mức lương theo hệ số 2,34 này cũng được xem là cơ sở để tính phụ cấp, thu nhập tăng thêm. Như vậy dẫn đến tình trạng cào bằng.

Nghị quyết 27 của Trung ương đã nêu phải cải cách tiền lương theo vị trí việc làm. Tuy nhiên, do tính phức tạp nên đợt điều chỉnh lần này, chúng ta chưa thể giải quyết được bài toán đó, thực chất là chưa phải cải cách tiền lương mà đang thực hiện bài toán trước mắt là tăng 30% lương cơ sở để đáp ứng yêu cầu tăng lương cho cán bộ công chức viên chức. Trong bối cảnh chúng ta tinh giản biên chế mạnh mẽ thì việc tăng lương là yêu cầu quan trọng.

Một điểm rất tích cực ở đợt điều chỉnh tiền lương lần này là chúng ta giải quyết được bài toán hỗ trợ, bù thu nhập cho những người hưởng lương thấp, nhất là những người có mức lương dưới 3,5 triệu đồng/tháng, nhằm giúp họ tiếp cận được mức lương tối thiểu vùng và đảm bảo được mức sống. Qua đó, phần nào đảm bảo được an sinh phúc lợi cho những người ở cận dưới, những người thuộc nhóm đối tượng chính sách xã hội mà chúng ta cần quan tâm. Vấn đề mà tôi muốn đề xuất là nên cân nhắc về nhóm các đơn vị sự nghiệp, nhất là các đơn vị sự nghiệp tự chủ, hay đơn vị sự nghiệp công lập trong khối ngành đại học, cao đẳng, y tế. Chẳng hạn, tại cơ quan chúng tôi thì năm ngoái đã trả lương theo vị trí việc làm, chia cán bộ nhân viên theo 3 mức, những người giỏi có thể được hưởng lương cao hơn 30 - 40% so với mức lương bình quân. Vì thế, tôi đề nghị, nên cho phép các đơn vị đã xây dựng được vị trí việc làm được áp dụng luôn lương mới theo vị trí việc làm. Bởi nếu áp dụng chung mức tăng lương cơ sở 30% thì tổng quỹ lương của đơn vị sẽ tăng lên. Trong bối cảnh các đơn vị sự nghiệp chưa có thêm nguồn nào khác để bù vào chi trả cho phần lương tăng thêm thì đương nhiên không thể có nguồn để tăng phụ cấp hay lương thưởng cao hơn cho những người làm việc tốt hơn theo đúng vị trí việc làm của họ.

ĐBQH Dương Minh Ánh - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội: Các nhà giáo vẫn tiếp tục “câu đợi, câu chờ”

Theo tôi, giải pháp điều chỉnh tăng lương cơ sở đối với công chức, viên chức và lực lượng vũ trang khu vực công tăng 30%, từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng, tăng vào quỹ tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản sẽ áp dụng từ ngày 1-7-2024, đã đáp ứng được một phần sự mong mỏi của cử tri. Dù vậy, do chưa áp dụng chính sách cải cách tiền lương nên chúng ta vẫn tiếp tục áp dụng thang bảng lương, chế độ phụ cấp như hiện hành nên một số bộ phận công chức, viên chức khu vực công, trong đó có ngành giáo dục vẫn còn rất nhiều tâm tư và băn khoăn.

Từ năm 2013, sau khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đến nay, nhiều chính sách lớn về đổi mới giáo dục đã được ban hành, yêu cầu về nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ngày càng cao, tạo áp lực không nhỏ lên vai các nhà giáo. Thế nhưng, chỉ có chính sách tiền lương đối với nhà giáo đã được nêu trong Nghị quyết 29 (đó là lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương hệ thống lương hành chính sự nghiệp), sau 11 năm, đến nay vẫn nằm nguyên trên giấy, chưa được triển khai.

Trong suốt thời gian qua, các nhà giáo vẫn luôn cố gắng cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, luôn động viên nhau hãy chờ đợi và hy vọng rồi một ngày nào đó sẽ có sự thay đổi lớn về chính sách tiền lương. Đây không chỉ là vấn đề về tiền lương đối với các nhà giáo mà còn thể hiện sự tôn vinh của xã hội đối với nghề nhà giáo được coi là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, các nhà giáo vẫn sẽ tiếp tục điệp khúc “câu đợi, câu chờ” cho đến khi có chính sách cải cách tiền lương mới ban hành.

Tôi mong muốn Quốc hội, Chính phủ khi nghiên cứu chính sách cải cách tiền lương tới đây cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng bằng luật hoặc các văn bản dưới luật về chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp nghề đối với các nhà giáo.

ĐBQH Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương): Để cải cách toàn diện tiền lương nên căn cứ vào GDP

Trong Nghị quyết 27/2018 của Trung ương có nêu là trong 20 năm qua chúng ta đã cải cách tiền lương tới 14 lần, lần gần nhất là năm 2003. Nếu so sánh quy mô nền kinh tế năm 2003 GDP của chúng ta khoảng 45 tỷ USD, thì hiện nay GDP đã là hơn 450 tỷ USD, tức là tăng lên khoảng 10 lần. Như vậy, việc cải cách tiền lương là rất cần thiết.

Nhưng cải cách như thế nào? Theo giải trình của Chính phủ thì chúng ta đã bố trí được nguồn 913.000 tỷ đồng để trả lương cho đợt tăng lương lần này (giai đoạn 2024-2026). Đây là một nỗ lực rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay. Nhưng nếu tiền lương chỉ tăng theo cách để chống lạm phát hoặc để đảm bảo đời sống thì không khuyến khích được cán bộ, công nhân, viên chức. Bởi vì khi làm ở khu vực công, ngoài việc tự hào về vị trí xã hội thì còn phải yên tâm về thu nhập thì mới có thể gắn bó lâu dài, đó cũng là cách chống tham nhũng ngay từ đầu. Lương đủ tốt, người ta đủ trang trải, nuôi gia đình thì lúc đó người ta sẽ không muốn tham nhũng và rất e ngại khi dính vào tham nhũng vì lo sợ mất việc, đồng nghĩa mất đi nguồn thu nhập tốt. Cho nên theo tôi, để cải cách một cách toàn diện tiền lương phải đưa ra công thức tính và phải căn cứ vào GDP hàng năm. Chúng ta không kịp làm đợt này, nhưng về lâu dài thì Chính phủ có thể xem xét. Việc này cũng sẽ giúp chúng ta đỡ vất vả phải đi huy động những nguồn ngân sách dự trữ như hiện nay.

Duy Tiến (Ghi)

Theo An ninh thủ đô