Tự tạo không gian dữ liệu 'đám mây' tại gia cho riêng bạn

13/10/2018 - 19:40

Tạo đám mây cá nhân tại gia đang trở thành nhu cầu của không ít người dùng hiện nay trong bối cảnh dữ liệu được sử dụng nhiều, nhất là hình ảnh, video.

Từ hạn chế của đám mây truyền thống

Không thể phủ nhận lợi ích của các “đám mây” như Google Drive, OneDrive, Dropbox, Box.net... đã quen thuộc với người dùng Việt trong nhiều năm qua. Thế nhưng, các đám mây này đến nay dần thể hiện sự hạn chế khi mà nhu cầu sử dụng dữ liệu của con người ngày càng tăng cả về chất lẫn lượng. Đặc biệt là dữ liệu về hình ảnh, video.

Tốc độ kết nối dù có nhanh nhưng dữ liệu vẫn phải chuyển đến server của nhà cung cấp dịch vụ, sau đó mới đồng bộ trên các thiết bị khác. Việc phát sinh thêm khâu trung gian rõ ràng là chậm hơn so với kết nối trực tiếp giữa các thiết bị với nhau. Ngoài ra, tài khoản miễn phí có dung lượng sử dụng khá nhỏ. Nếu muốn nhiều hơn, người dùng phải trả tiền. Chẳng hạn, gói 2TB của Google có giá 10 USD/ tháng chưa kể thuế, phí...

Đến nhu cầu đám mây cá nhân riêng

Đó là lý do mà người dùng cần đến một ổ cứng mạng (NAS) hay còn gọi nôm na là một “đám mây cá nhân”. Người dùng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ mong muốn tạo đám mây cá nhân từ khá sớm thay vì chỉ lệ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ. Nhưng cũng cần thấy rằng, thiết lập đám mây cá nhân có chi phí hợp lý không hề đơn giản bởi còn liên quan đến thiết bị hỗ trợ, sự tương thích cũng như sự am hiểu công nghệ nhất định để tự mình thiết lập.

Cách tạo đám mây cá nhân tại gia

Dù vậy, vẫn có cách để có một đám mây cá nhân. Đơn giản nhất là mua một thiết bị NAS bán sẵn trên thị trường rồi gắn thêm ổ cứng, hoặc mua một ổ cứng mạng, ổ cứng Wi-Fi, hoặc thiết lập và cài đặt NAS trên một máy tính cũ. Lưu ý, NAS thường chạy suốt ngày nên bạn cần phải tính đến chi phí điện và đó là lý do mà chúng ta nên tận dụng các laptop cũ, không còn mạnh trong công việc nhưng hoạt động ổn định và tiết kiệm điện.

Cách thiết lập đám mây riêng

Cấu hình một NAS trước đây khá phức tạp song hiện nay không khó với ứng dụng Namucloud myPC của Hàn Quốc, nhưng bạn chỉ có thể dùng thử 7 ngày trước khi quyết định vì bạn phải chi 2,99 USD/tháng cho tài khoản Standard hoặc 4,99 USD cho tài khoản Premium. Còn nếu bạn muốn miễn phí hoàn toàn thì dùng giải pháp FreeNas nhưng cách cài đặt phức tạp hơn nhiều.

Từ máy tính, laptop (chạy hệ điều hành Windows) mà bạn muốn làm “đám mây”, truy cập tại đây và click vào myPC DOWNLOAD để tải ứng dụng. Cài ứng dụng thành công, bạn khởi động ứng dụng lần đầu, chọn Registration tạo tài khoản và chọn Server mode (máy chủ) để tạo “đám mây” trên máy tính. Trong mục Server Setting, bạn cần thiết lập dung lượng cho ổ cứng server. Bạn cũng có các tùy chọn bảo mật như thiết lập mật khẩu edit file (tức là phải có mật khẩu mới sửa file được, nếu không có thì chỉ có thể xem file). Tính năng này rất hữu ích khi bạn chia sẻ các file hợp đồng, báo giá cho khách hàng.

Đối với những máy tính khác muốn truy cập, bạn cũng tải và cài đặt nhưng chọn Client mode (máy khách). Namuclound có trên cả iOS và Android nên bạn cũng cần cài đặt ứng dụng này trên thiết bị di động để có thể dễ dàng truy cập và quản lý dữ liệu. Để hoàn tất sử dụng bạn cần phải mở chức năng NAT (Network Address Translation) trên router. Thao tác này hơi phức tạp, song bạn có thể yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet mở và thiết lập NAT giúp bạn.

Giao diện Namuclound trên máy tính

Lợi ích đám mây cá nhân riêng

Lợi ích dễ thấy nhất là chia sẻ dữ liệu giữa các máy tính, thiết bị cá nhân. Hãy hình dung bạn có một ổ cứng mà tất cả các thiết bị có thể truy cập và dùng chung. Lẽ tất nhiên, bạn cũng không bị giới hạn dung lượng như khi sử dụng các dịch vụ đám mây công cộng. Bạn cũng sẽ không phải lo lắng bị lộ dữ liệu, bị mất dữ liệu, không truy cập được vào dữ liệu khi kết nối Internet không ổn định.

Đám mây cá nhân còn đặc biệt hiệu quả trong giải trí không dây: Các thiết bị giải trí như HD Media Player có thể truy cập vào NAS và trình chiếu những bộ phim full HD yêu thích. Truy cập dữ liệu từ xa cũng chính là nền tảng của smarthome mà các hãng công nghệ muốn hướng đến để phục vụ cho nhu cầu dữ liệu của con người ngày một nhanh chóng và hữu ích hơn.

Theo VY ÁI DÂN (Vietnamnet)