TX. Tịnh Biên trao “cần câu” cho đồng bào dân tộc thiểu số Khmer

11/07/2024 - 06:47

 - Bên cạnh công tác chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer, các cấp, ngành tại TX. Tịnh Biên (tỉnh An Giang) đặc biệt quan tâm hỗ trợ vốn, đào tạo nghề và kết nối việc làm, xem đây là giải pháp căn cơ giúp bà con thoát nghèo bền vững.

Hỗ trợ vốn

Hào hứng giới thiệu với chúng tôi về đôi bò được chính quyền địa phương hỗ trợ vốn chăn nuôi, ông Chau Khchon (ấp Mằng Rò, xã Văn Giáo) không giấu được niềm vui. Từ ngày được địa phương hỗ trợ vốn chăn nuôi bò, Chau Khchon có thêm động lực để phấn đấu vươn lên. Ông cho biết, gia đình đang nuôi 3 con bò giống. Cứ 18 tháng, ông xuất bán một lứa bò con nên có nguồn tích lũy ổn định cho gia đình. Sau mấy năm phấn đấu, “vốn liếng” chăn nuôi vẫn còn đó, nguồn tích lũy tăng lên nên ông rất phấn khởi.

Chau Khchon thiệt thà: “Được Nhà nước hỗ trợ vốn để chăn nuôi bò, tui mừng lắm. Mình vất vả bấy lâu mà cuộc sống cứ nghèo hoài. Từ khi có vốn nuôi bò, tui cố gắng phấn đấu nên tích lũy dần. Bây giờ, mình cất được căn nhà mới mà vẫn giữ được nguồn vốn. Tui cảm ơn Nhà nước, chính quyền địa phương đã quan tâm, giúp đỡ gia đình và bà con Khmer ở xã Văn Giáo”.

Theo lời Chau Khchon, việc địa phương hỗ trợ vốn nuôi bò có ý nghĩa như “của hồi môn”. Do đó, ông sẽ cố gắng giữ gìn, phát triển đàn bò để tích lũy thêm đồng vô, hướng đến thoát nghèo bền vững. Trường hợp của Chau Khchon là một trong nhiều hộ Khmer nghèo tại xã Văn Giáo được địa phương hỗ trợ vốn sản xuất, trên cơ sở vận dụng các chính sách từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn  2021 - 2030.

Phó Chủ tịch UBND xã Văn Giáo Nguyễn Thị Bích Tuyền thông tin: “Văn Giáo với 71,9% dân số là đồng bào DTTS Khmer, là xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nhằm hỗ trợ bà con thoát nghèo bền vững, chúng tôi đã phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội tại TX. Tịnh Biên phát vay nguồn vốn hỗ trợ hộ sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn hơn 13,1 tỷ đồng, hộ thoát nghèo hơn 2,9 tỷ đồng. Nhiều hộ đã vận dụng hiệu quả nguồn vốn này để mở rộng sản xuất, nâng cao đời sống. Hiện nay, địa phương đang tiếp tục rà soát, vận dụng nguồn vốn vay theo quy định để hỗ trợ thêm nhiều hộ Khmer có nhu cầu”.

Bà Nguyễn Thị Bích Tuyền phân tích, nếu chỉ quan tâm chăm lo an sinh xã hội thì chỉ giải quyết được khó khăn nhất thời, trong khi mục tiêu lâu dài là giúp hộ nghèo ổn định đời sống. UBND xã Văn Giáo đã triển khai rất hiệu quả 3 mô hình giảm nghèo, gồm 2 mô hình chăn nuôi bò và 1 mô hình dệt thổ cẩm. Từ việc vận dụng hiệu quả chính sách hỗ trợ thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, xã Văn Giáo đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 21,06% dân số vào năm 2019 xuống còn 8,37% dân số trong năm 2024.

Kết nối việc làm

Bên cạnh hỗ trợ vốn vay, UBND xã Văn Giáo còn tăng cường công tác tạo việc làm cho đồng bào DTTS Khmer. Theo đó, UBND xã chỉ đạo các đoàn thể địa phương, trung tâm học tập cộng đồng xã tiến hành điều tra nhu cầu học nghề của người dân. Từ đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trong độ tuổi tham gia học nghề phù hợp, gắn với giới thiệu việc làm.

“Giai đoạn 2019 - 2024, UBND xã đã giới thiệu 1.500 người đi lao động ngoài tỉnh. Hiện nay, toàn xã có 3.689 người tham gia lao động ngoài tỉnh, trong đó có hơn 2.800 người là đồng bào DTTS Khmer. Đặc biệt, có 2 thanh niên Khmer tham gia xuất khẩu lao động tại Nhật Bản” - bà Nguyễn Thị Bích Tuyền thông tin.

Không riêng xã Văn Giáo, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TX. Tịnh Biên còn phối hợp các địa phương tăng cường đào tạo nghề và kết nối việc làm cho đồng bào DTTS Khmer. Trưởng phòng LĐ-TB&XH TX. Tịnh Biên Lý Kim Thoa cho biết: “Hiện nay, chúng tôi tích cực tổ chức đào tạo nghề, tập trung các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp tại những địa phương có đông đồng bào DTTS Khmer. Các học viên tham gia lớp đào tạo nghề được hỗ trợ kinh phí 2 - 3 triệu đồng/người/khóa học, để họ yên tâm tiếp thu kỹ năng, có thêm điều kiện tiếp cận việc làm”.

Bà Lý Kim Thoa cũng cho hay, năm 2023, theo chỉ đạo của UBND thị xã, Phòng LĐ-TB&XH TX. Tịnh Biên đã phối hợp các ngành, địa phương giới thiệu 5.041 lao động làm việc trong, ngoài tỉnh; mở 18 lớp dạy nghề với 536 lao động, đạt 178% so kế hoạch; đưa 39 người đi xuất khẩu lao động tại các nước: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… đạt 278,57% so chỉ tiêu, góp phần quan trọng trong mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Năm 2024, đơn vị đã tham mưu UBND thị xã tổ chức Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, học nghề và việc làm năm 2024 với sự tham gia của hơn 1.800 học sinh, người lao động địa phương. Ngày hội đã có hơn 1.153 lượt người tham gia phỏng vấn trực tiếp, 20 lượt người đăng ký phỏng vấn trực tuyến, 80 lượt người đăng ký xuất khẩu lao động và 60 lượt người đăng ký học nghề, 121 lượt người hẹn tư vấn việc làm…

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác đào tạo nghề kết hợp giới thiệu việc làm cho người lao động, nhất là đồng bào DTTS Khmer. Đây là cách làm mang đến hiệu quả thiết thực trong thời gian qua, góp phần ổn định, nâng cao đời sống bà con. Bởi lẽ, biện pháp hữu hiệu nhất để đồng bào Khmer thoát nghèo bền vững chính là trao “cần câu” để họ tự vươn lên trong cuộc sống” - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TX. Tịnh Biên Lý Kim Thoa nhận định.

THANH TIẾN