Tỷ giá USD trên thế giới trong tuần qua
Chỉ số USD Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt đứng ở mức 104,04, giảm 0,16%.
Biểu đồ biến động Chỉ số DXY trong tuần qua. Ảnh: Marketwatch.
Trong phiên giao dịch đầu tuần, đồng USD biến động tăng nhẹ 0,06%, đạt mốc 104,27, sau khi giảm nhẹ trước đó trong phiên do thỏa thuận về trần nợ của Mỹ làm tăng khẩu vị rủi ro trên thị trường thế giới và làm giảm sức hấp dẫn trú ẩn an toàn của đồng bạc xanh. Bên cạnh đó, dữ liệu được công bố cuối tuần trước cũng cho thấy, Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tăng hơn dự kiến trong tháng 4 và lạm phát tăng. Thị trường tiền tệ định giá khoảng 62% khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 6, tăng so với mức 26% trong tuần trước.
Ngày hôm sau, chỉ số DXY quay đầu giảm, giữa lúc Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đạt được thỏa thuận tạm thời gỡ bỏ giới hạn nợ công, đồng thời cắt giảm một số khoản chi tiêu của chính phủ liên bang trong vòng 2 năm, để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ của chính phủ.
Tới ngày 1-6, đồng bạc xanh tăng nhẹ trở lại, đạt mốc 104,23, khi một quan chức của Fed nhấn mạnh rằng, bất luận Ngân hàng trung ương Mỹ có giữ nguyên lãi suất, thì điều đó không đồng nghĩa với việc Fed đã hoàn thành việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong khi giải pháp có thể xảy ra đối với vấn đề trần nợ của Mỹ có khả năng khiến đồng bạc xanh tăng cao, thì một thỏa thuận cuối cùng có thể mở đường cho các nhà đầu tư tìm kiếm tới các tài sản rủi ro hơn. Điều này xảy ra với thực tế rằng, kinh tế Mỹ sắp ổn định.
Tuy nhiên, một lần nữa, đồng USD chứng kiến đà giảm hằng ngày cao nhất trong gần một tháng vào phiên giao dịch ngày 2-6 (giảm 0,77%, xuống mốc 103,56), khi dữ liệu sản xuất của Mỹ cùng những bình luận từ các quan chức Fed củng cố kỳ vọng thể chế này có thể sẽ bỏ qua một đợt tăng lãi suất tại cuộc họp sắp tới. Theo công cụ FedWatch của CME, các thị trường định giá khoảng 32% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 6, so với mức gần 67% trong một ngày trước đó.
Cuối cùng, vào phiên giao dịch ngày 3-6, đồng USD tăng trở lại và đạt mốc 104,04, sau khi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 5 cho thấy số lượng việc làm tăng. Theo đó, bản báo cáo cho thấy biên chế trong khu vực công và tư nhân đã tăng 339.000 trong tháng 5, vượt xa mức dự báo trung bình 190.000 của các nhà kinh tế. Bước nhảy vọt của việc làm tháng 5 theo sau mức tăng 253.000 của tháng 4. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng từ mức thấp nhất trong 53 năm là 3,4% vào tháng 4, lên mức 3,7%.
Trong khi đó, đồng USD đã tăng 0,8% so với đồng yên Nhật trong tuần này, hiện trên đà tăng hàng tuần lớn nhất kể từ giữa tháng 5. Trong khi đó, đồng bảng Anh tăng 0,8% so với đồng USD. Ở một diễn biến khác, đồng Euro đã giảm 0,45% so với đồng USD, xuống còn 1,07135 USD. Đồng tiền chung này đã giảm từ mức cao nhất trong khoảng một tuần sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde khẳng định việc thắt chặt chính sách hơn nữa là cần thiết.
Tỷ giá USD hôm nay 4-6: Đồng USD xác lập đà giảm tuần sau nhiều đợt tăng mạnh. Ảnh minh họa: Reuters.
Tỷ giá USD trong nước hôm nay
Trên thị trường trong nước, vào cuối phiên giao dịch 2-6, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giảm 7 đồng, hiện ở mức: 23.722 đồng.
* Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giảm nhẹ, hiện ở mức: 23.400 đồng - 24.858 đồng.
Theo Quân đội nhân dân