Tỷ lệ dân số trưởng thành của Việt Nam có chữ ký số đã tăng hơn 4 lần

13/08/2024 - 19:20

Tỷ lệ dân số trưởng thành của Việt Nam có chữ ký số, chữ ký điện tử giai đoạn 2022 - 2024 đã tăng từ 3% lên 13,5%. Tuy vậy, tỷ lệ này còn xa mục tiêu trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số.

Phổ cập chữ ký số để phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số

Thời gian gần đây, chữ ký số ngày càng thể hiện vai trò quan trọng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong việc xác định tính pháp lý khi tham gia các hoạt động, giao dịch, trên môi trường điện tử.

Việc tăng cường sử dụng chữ ký số trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, tài chính, y tế, giáo dục, các dịch vụ hành chính công… đã được nhận định là ‘chìa khóa’ để tạo nên công dân số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam.

Theo thống kê của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia - NEAC, đến nay Bộ TT&TT đã cấp phép cho 25 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CA) công cộng, trong đó có 10 doanh nghiệp cung cấp giải pháp ký số từ xa. Tính đến tháng 7/2024, các CA công cộng đã cấp hơn 10,1 triệu chứng thư số cho người dân và doanh nghiệp, tăng hơn 1,5 triệu so với cuối năm ngoái.

Đáng chú ý, đánh giá kết quả 4 năm thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số cho hay, tình hình xã hội số giai đoạn 2022 - 2024 đã có những chuyển biến tích cực. Trong đó, tỷ lệ người dân ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử tăng từ mức 3% lên 13,5%, tăng hơn 4 lần.

ket qua phat trien xa hoi so 1 1.jpg

Một số kết quả nổi bật trong phát triển xã hội số tại Việt Nam 4 năm vừa qua. Ảnh: Dti.gov.vn

Tuy vậy, đối chiếu với mục tiêu về chữ ký số được Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, kết quả đạt được kể trên còn rất xa so với yêu cầu. Theo Chiến lược, một mục tiêu cơ bản về phát triển xã hội số là hơn 50% dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân vào năm 2025.

Theo phân tích của các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến cho số lượng chữ ký số cá nhân còn thấp, chưa thực sự phát triển như kỳ vọng là bởi vẫn thiếu môi trường ứng dụng. Chữ ký số cá nhân mới chỉ được sử dụng chủ yếu trong một số lĩnh vực như kê khai và nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội…

Nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội, bao gồm cả ngân hàng hay mua sắm trực tuyến, hiện vẫn chỉ là các lĩnh vực có tiềm năng thúc đẩy sử dụng chữ ký số cá nhân. Vì thế, để phổ cập chữ ký số cho người dân, mở rộng môi trường ứng dụng chữ ký số là một trong những bài toán cần được giải.

Giao chỉ tiêu phát triển chữ ký số cho từng địa phương

Với vai trò là cơ quan điều phối chương trình chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT đã nhận thức rõ tầm quan trọng, sự cần thiết của việc phổ cập chữ ký số để phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Theo chỉ đạo của Bộ TT&TT, NEAC đã, đang và sẽ tiếp tục cùng các địa phương triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy người dân sử dụng chữ ký số, chữ ký điện tử trong giao dịch trực tuyến.

chu-ky-so-ca-nhan.jpg

Trong năm ngoái, chương trình cấp miễn phí chứng thư số cho người dân đã được NEAC cùng các CA công cộng triển khai tại 18 địa phương và cấp được hơn 400.000 chứng thư số. Ảnh minh họa: L.A

Bên cạnh đó, NEAC đã làm việc với CA công cộng để các đơn vị đa dạng hóa gói cước dịch vụ, học mô hình cung cấp dịch vụ trả trước của viễn thông cho phép cung cấp các gói cước ký số trả trước, trả theo lượt ký để phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng.

Chia sẻ với phóng viên VietNamNet, ông Phùng Huy Tâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cho biết: Hiện tại, người dùng cá nhân có thể dễ dàng đăng ký và sở hữu chữ ký số công cộng, không phát sinh chi phí đăng ký và duy trì hiệu lực chữ ký số.

"Cùng với đó, chi phí dùng dịch vụ được các CA công cộng đưa ra theo nhu cầu sử dụng đặc thù của mỗi đối tượng khách hàng với đa dạng hình thức cung cấp dịch vụ như sử dụng thuê bao trọn gói không giới hạn lượt ký và ứng dụng ký có giá từ 5.000 đồng/tháng; hình thức theo lượt ký khi có phát sinh nhu cầu ký số với giá chỉ từ 1.000 đồng/lượt ký", ông Phùng Huy Tâm cho hay.

Thông tin về kế hoạch thời gian tới, đại diện NEAC cho biết, trên cơ sở hiện trạng của địa phương, Bộ TT&TT đã dự kiến phân bổ tỷ lệ người dân trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử từ nay đến 2025 cho từng địa phương cụ thể. Đồng thời, đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai nhằm đảm bảo đạt chỉ tiêu được giao; trong đó tập trung thực hiện các chính sách thúc đẩy, tăng cường sử dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử trong các lĩnh vực như dịch vụ công trực tuyến, chứng từ điện tử, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, ngân hàng điện tử, y tế điện tử, học bạ điện tử…

“Các địa phương cần chỉ đạo thúc đẩy dịch vụ công toàn trình tiến đến 100% dịch vụ công tại địa phương đều sử dụng chữ ký số nhằm giảm bớt thời gian, thủ tục giấy tờ của người dân. Nhiều địa phương hiện vẫn yêu cầu người dân phải dùng bản cứng giấy tờ mặc dù người dân đã được cấp chứng thư chữ ký số nhưng không có điều kiện sử dụng”, đại diện NEAC lưu ý.

Dự kiến, trong các tháng cuối năm nay, NEAC sẽ chủ trì tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, trực tiếp và trực tuyến cho các cán bộ phụ trách của các địa phương, Tổ công nghệ số cộng đồng về lợi ích của chữ ký số; cách thức đăng ký, sử dụng chữ ký số từ xa vào văn bản, trên các cổng dịch vụ công đã tích hợp ký số.Theo Luật Giao dịch điện tử 2023 có hiệu lực từ tháng 7/2024, Chữ ký điện tử là chữ ký được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền hoặc kết hợp một cách logic với thông điệp dữ liệu để xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông điệp dữ liệu.

Chữ ký số là chữ ký điện tử sử dụng thuật toán khóa không đối xứng, gồm khóa bí mật và khóa công khai, trong đó khóa bí mật được dùng để ký số và khóa công khai được dùng để kiểm tra chữ ký số. Chữ ký số bảo đảm tính xác thực, tính toàn vẹn và tính chống chối bỏ nhưng không bảo đảm tính bí mật của thông điệp dữ liệu.

Theo Vietnamplus