UBTVQH xem xét về dự án Luật Biên phòng Việt Nam

10/08/2020 - 18:06

Tại phiên họp thứ 47 diễn ra vào chiều 10-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét về dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ chủ trì phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Báo cáo về một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Sau kỳ họp, theo chỉ đạo UBTVQH, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) đã phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.

Về tên gọi của Luật, ông Võ Trọng Việt cho biết, đa số ý kiến nhất trí với tên gọi “Luật Biên phòng Việt Nam”; một số ý kiến cho rằng tên Luật có phạm vi rộng, chưa phù hợp với nội dung dự thảo Luật và đề nghị sửa lại là “Luật Bộ đội Biên phòng” hoặc “Luật Bộ đội Biên phòng Việt Nam” hoặc “Luật Lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam”.

Về vấn đề này, Thường trực UBQPAN cho rằng Tên gọi “Luật Biên phòng Việt Nam” đã được xác định tại Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, Nghị quyết số 78/2019/QH14 ngày 11-6-2019 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và phù hợp với đa số ý kiến của ĐBQH.

Việc xây dựng Luật này không chỉ luật hóa Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) mà còn nhằm hoàn thiện pháp luật về bảo vệ biên giới quốc gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Vì vậy, đề nghị UBTVQH cho giữ tên Luật như dự thảo Chính phủ trình.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật (Điều 1), nhiều ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; một số ý kiến đề nghị chỉnh lý phạm vi điều chỉnh để bảo đảm thống nhất với nội dung của dự thảo Luật và tránh chồng chéo với Luật Biên giới quốc gia.

Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, để phù hợp với tên Luật, khái niệm “Biên phòng”, Thường trực UBQPAN đã phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý một số nội dung của dự thảo Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 33-NQ/TW, tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các luật khác, nhất là Luật Biên giới quốc gia, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và có tính khả thi. Theo đó, đề nghị UBTVQH cho sửa lại Điều này như sau: “Điều 1. Phạm vi điều chỉnh: Luật này quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, lực lượng, hoạt động, bảo đảm, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng”.

Về nhiệm vụ biên phòng (Điều 5), theo ông Võ Trọng Việt, đa số ý kiến cơ bản nhất trí với dự thảo Luật; một số ý kiến đề nghị cân nhắc tên Điều, vì chưa phù hợp với nội dung của Điều, trùng với nhiệm vụ của BĐBP tại Điều 15; có ý kiến đề nghị sửa lại tên Điều là “Nhiệm vụ công tác biên phòng”.

Thường trực UBQPAN nhất trí với tên Điều như dự thảo Chính phủ trình nhằm xác định rõ nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng. Nếu sửa lại tên điều là “Nhiệm vụ công tác biên phòng” sẽ không đáp ứng được yêu cầu này, vì “công tác biên phòng” chỉ thuộc phạm vi của lực lượng BĐBP.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Về phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 9), ông Võ Trọng Việt cho hay, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật; có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Luật chưa rõ ràng, chưa đảm bảo nguyên tắc một việc do nhiều chủ thể thực hiện nhưng chỉ một chủ thể chủ trì.

Thường trực UBQPAN cho rằng, nội dung Điều này quy định về phạm vi, nguyên tắc và nội dung phối hợp giữa các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, nhằm phát huy được sức mạnh tổng hợp và thuận lợi trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, để bảo đảm cụ thể, rõ ràng hơn và dễ thực hiện, đề nghị UBTVQH cho chỉnh lý lại Điều này như sau: Tại Khoản 1, cho bổ sung cụm từ “trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình” sau cụm từ “Bộ, cơ quan ngang Bộ”, cụm từ “nơi có biên giới, cơ quan” trước cụm từ “tổ chức có liên quan” tại Điểm b; bổ sung Điểm c quy định: “Chính quyền địa phương cấp tỉnh nơi có biên giới, trong phạm vi quyền hạn của mình hoặc theo phân cấp của Chính phủ, chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan thực thi nhiệm vụ biên phòng” và điểm d quy định: “Chính quyền địa phương cấp huyện, xã nơi có biên giới, trong phạm vi quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan thực thi nhiệm vụ biên phòng”.

Tại Khoản 2, cho bổ sung vào cuối Điểm d nội dung: “Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trên cùng một địa bàn thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan, tổ chức, lực lượng; cơ quan, tổ chức, lực lượng nào phát hiện trước thì xử lý theo quy định pháp luật”.

Theo NGUYỄN HOÀNG (Chính phủ)